Phát biểu khai mạc, ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, hơn 180 năm hình thành và phát triển, trong quá trình khẩn hoang, ẩm thực Tây Ninh trong đó có ẩm thực chay dần hình thành và trở thành một trong những nét đặc trưng của văn hoá Tây Ninh, thu hút du khách.
Theo đó, ẩm thực chay Tây Ninh được biết đến với sự phong phú, đa dạng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá thuần chay bản địa, ngày 12/1/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 75, công nhận Nghệ thuật chế biến món ăn chay của Tây Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
“Nghị quyết Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020-2025 xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Tây Ninh chọn nghệ thuật chế biến món ăn chay làm bệ phóng phát triển ngành công nghiệp không khói. Lần đầu tiên Tây Ninh tổ chức Lễ hội quảng bá nghệ thuật chế biến món ăn chay, tăng cường quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với du khách trong nước và quốc tế, đây là lễ hội hứa hẹn thu hút đông khách du lịch đến với Tây Ninh trong dịp đầu năm mới 2023”, ông Trong nhấn mạnh.
Ngày đầu tiên của lễ hội không khí đã vô cùng náo nhiệt khi có rất nhiều du khách đến tham quan, thưởng thức các món chay. Theo Ban tổ chức, với quy mô 70 gian hàng, được thiết kế thành 3 không gian riêng biệt, đến với lễ hội, du khách được tham quan, nghe thuyết minh giới thiệu nghệ thuật trưng bày 188 món ăn chay, kết hợp trái cây, hoa quả; trải nghiệm cách chế biến và thưởng thức món chay ngay tại các gian hàng.
Ông Phạm Đức Chuyển, đầu bếp Trai đường Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, người chế biến món ăn chay trong nhiều năm qua cho biết: Từ việc ăn chay thường xuyên, người Tây Ninh đã sáng tạo, biến tấu những món rau, củ, quả trong vườn nhà trở thành những món chay giản đơn nhưng cực kỳ hấp dẫn, lạ miệng, như: lẩu chua chay, các loại mắm chay, bó sổ kho, tàu hũ ky chiên giòn, tàu hũ kho với nấm rơm, mít kho sả… và món cơm (hoặc bún) ăn với mắm. Các món ăn được chế biến bảo đảm dinh dưỡng.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc nghiên cứu phát triển sản phẩm công ty Vương Ngọc Vegan cho biết thêm, để đa dạng hóa món ăn chay, công ty đã dày công nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm chay có nguồn gốc từ nông sản sạch, như: mắm trái điều, nước mắm trái điều, rượu mãng cầu... “Thông qua tham gia lễ hội lần này, tôi luôn muốn đưa ẩm thực chay đến gần hơn với du khách để làm sao nâng cao giá trị hàng nông sản, nhất là thực phẩm chay để phục vụ cho bà con và mọi người khi đến du lịch ở Tây Ninh”, anh Sơn chia sẻ.
Theo Ban tổ chức, lễ hội miễn phí vé vào cổng cho du khách tham quan; đồng thời giá bán món ăn chay được niêm yết tại mỗi gian hàng không quá 30.000 đồng/món, tiệc buffet chay có giá vé không quá 60.000 đồng/người, hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách tham gia lễ hội.
Chị Nguyễn Thuý Nga (ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) cho biết, gia đình chị ăn chay từ nhiều đời. Từ bà ngoại chị đã ăn chay trường rồi đến mẹ chị và hơn 10 năm qua, chị cũng ăn chay trường.
“Hiện nay, nhiều người ăn chay không hẳn là có đạo mà còn bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường. Tôi thường xuyên chế biến các món ăn theo nhiều cách khác nhau để tạo sự hấp dẫn cho người ăn. Đó cũng là cách mình quảng bá món chay. Để những người chưa từng ăn chay, khi ăn những bữa cơm chay mình nấu mà thấy ngon, có khi người ta ăn chay theo”, chị Nga chia sẻ.
Dịp này, Tây Ninh đón nhận quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về việc công nhận “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” và nghề làm muối ớt Tây Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” lần thứ I năm 2023 diễn ra trong 3 ngày, từ 17/2 – 19/2/2023.