Một thời phồn vinh
Chùa Bà - đô thị Nước Mặn nằm trên địa bàn thôn An Hòa, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước, Bình Định). Tương truyền, trước khi đô thị Nước Mặn hình thành, nơi này là vùng đất sình lầy, hoang vắng. Mùa xuân năm 1471, nhiều cư dân người Việt cùng một số người Hoa theo đường biển về đây định cư lập nghiệp. Nơi đây dần hình thành nên cảng thị nổi tiếng Đàng Trong thời bấy giờ với dân cư đông đúc, buôn bán sầm uất.
Vào khoảng thế kỷ 16 - 17, trên sông Âm Phù, một nhánh của sông Kôn chảy từ cầu Tân An (thị xã An Nhơn) về cầu Gò Bồi (huyện Tuy Phước) đã hình thành nên cảng thị Nước Mặn. Nơi đây là trung tâm kinh tế của phủ Quy Nhơn thời bấy giờ. Khi ấy, địa danh cảng thị Nước Mặn đã có mặt trên những hải đồ mậu dịch của các thương nhân người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan… được thể hiện là một đô thị trù phú. Ngày ấy, nếu Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Thừa Thiên - Huế) là thương cảng quốc tế nổi tiếng thì cảng thị Nước Mặn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu của nền nội thương toàn xứ Đàng Trong, cả một bộ phận không nhỏ kinh tế Đàng Ngoài.
Khi đô thị Nước Mặn đã định hình, chùa Bà được những cư dân người Hoa về đây lập nghiệp chung tay xây dựng. Cảng thị Nước Mặn đã tạo điều kiện cho cư dân người Hoa ở đây buôn bán, làm ăn phát đạt, nên họ xây dựng chùa Bà để thờ các vị Thiên Mẫu Thánh Hậu, Bà Thai sanh bảo sản và Thần Hoàng làng để tưởng nhớ những đấng đã phù hộ cho những thương nhân buôn bán tại cảng thị thông qua đường biển an cư lạc nghiệp.
Địa danh Nước Mặn đã gắn với nhiều cái tên như chợ Nước Mặn, cầu Nước Mặn, các dấu vết của dãy phố cũ và một dấu thành dài xây bằng cát, đá, sạn nhỏ, mật ong và vôi. Tại chùa Ông, chùa Bà ở Nước Mặn, người ta phát hiện một ngôi mộ cổ được xây dựng vào thế kỷ 18. Tại đây, người ta còn tìm thấy một cái lư có niên đại Gia Khánh Đinh Tỵ (1797) vào thời Tây Sơn, trên lư có dòng chữ “Vạn Minh lô tạo”, chứng tỏ chiếc lư này đã được đúc tại lò đúc Vạn Minh (Trung Quốc). Hiện vật này chứng tỏ từ thời Tây Sơn, nhà cầm quyền đã có chủ trương mở rộng ngoại thương.
Trong sách “Xứ Đàng Trong năm 1621”, thừa sai người Bồ Đào Nha, ông Cristophoro Borri đã miêu tả cảng thị Nước Mặn dài chừng 2 dặm và rộng 1,5 dặm. Từ đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18 là thời kỳ phồn thịnh nhất của cảng thị Nước Mặn. Thời ấy, vùng trung tâm cảng thị Nước Mặn có nhiều dãy phố chạy dọc ngang dày đặc với những dãy phố chỉ bán một loại hàng như dãy phố Tàu Sáu chuyên bán vàng bạc và đồ trang sức; dãy phố Tàu Đông tập trung những cửa hiệu thuốc Bắc; các phố hàng mã, hàng pháo, hàng đồ gốm, hàng mỹ nghệ và khu phố chợ. Những phiên chợ, trên bến dưới thuyền vô cùng sầm uất, tàu thuyền đậu kín bến, voi chở lâm sản từ miền núi về, ngựa thồ hàng từ các thị trấn, thị tứ trong vùng tới. Người trong nước, người nước ngoài đủ màu da, nhiều tiếng nói tập trung về đây mua mua bán bán rất nhộn nhịp.
Đến những năm cuối thế kỷ 18, phù sa sông Kôn không còn ra được biển, đọng lại ở dòng sông, bồi lấp đáy sông cao dần nên tàu thuyền không đi sâu vào nội địa được, thế là cảng thị Nước Mặn chìm dần vào dĩ vãng. Ngày nay, trải qua hàng trăm năm dâu bể, thiên nhiên bồi đắp phù sa, cảng thị Nước Mặn dần mất tích. Trung tâm đô thị Nước Mặn ngày xưa giờ hình thành nên làng quê yên tĩnh thuộc xã Phước Quang (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ngôi chùa Bà được UBND tỉnh Bình Định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào tháng 3/2011 và mới đây, vào ngày 4/8/2022, Lễ hội chùa Bà - đô thị Nước Mặn được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội chùa Bà - đô thị Nước Mặn xưa và nay
Nhiều bậc lão niên ở địa phương nhớ lại chuyện kể của các cụ ông cụ cố xưa, ngày cảng thị Nước Mặn còn phồn vinh, phố phường đông đúc, đến ngày lễ, dân Nước Mặn cả người Việt lẫn người Hoa khiêng kiệu tới miếu Thành Hoàng, miếu Quán Thánh, miếu Bà Mụ rước linh vị của các vị thần về chùa Bà để tế lễ. Nửa đêm 30 tháng Giêng là lễ tế chính thức thần Thành Hoàng, Thiên Hậu, Quán Thánh, Bà Mụ. Sau khi làm lễ tế các vị thần, sang ngày thứ 2, thứ 3 là những ngày hội với các trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, đấu võ, đấu vật, chơi cù, chọi gà, bắt vịt, nấu cơm thi, đập ấm, bịt mắt bắt dê, thả thơ, xổ cổ nhơn, hô bài chòi, đánh cờ người… để người dân địa phương vui chơi. Đêm đến, các gánh hát nổi tiếng gióng trống diễn tuồng.
Ngày nay, hàng năm, Lễ hội chùa Bà - đô thị Nước Mặn diễn ra trong 3 ngày tại di tích chùa Bà, bắt từ ngày đầu tiên của tháng 2 âm lịch. Lễ hội được khai mạc với lễ nghinh thần rước sắc. Cúng lễ xong, đoàn hành lễ tiếp tục đi đến các miếu thờ thần Hỏa, Thành hoàng làng, thần Hổ làm lễ cúng, rước nhập điện. Sang ngày hôm sau, lễ tế đàn cầu cho quốc thái, dân an; mưa thuận, gió hòa; mùa màng tươi tốt; buôn bán phát đạt; tàu thuyền ngư dân đánh bắt cá có những chuyến biển an lành. Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian như kéo co, cạp bưởi, đập ấm, múc nước đổ ly, đánh bài chòi cổ, múa lân, biểu diễn võ thuật, thi đấu bóng chuyền và hát bội… thu hút rất đông người dân tham gia. Các hoạt động trong lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu quê hương đất nước.
Sau khi Lễ hội chùa Bà - đô thị Nước Mặn được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Sở VH-TT Bình Định và UBND huyện Tuy Phước phối hợp với ngành du lịch tỉnh lên kế hoạch triển khai công tác bảo tồn, phát huy di sản và tạo động lực thúc đẩy cả 2 lĩnh vực văn hóa và du lịch phát triển song song.
Sở VH-TT Bình Định đã tổ chức khảo sát hiện trạng khu di tích để có hướng nâng tầm trong thời gian tới. Trước mắt, ngành văn hóa và chính quyền địa phương đã thống nhất tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương đầu tư, mở rộng tuyến đường chính dẫn về di tích chùa Bà. Hiện nay, công tác lập hồ sơ thủ tục dự án đang được các đơn vị gấp rút triển khai, tạo điều kiện để khai thác, phát triển du lịch… Về lâu dài, Sở VH-TT Bình Định cùng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) và UBND huyện Tuy Phước xúc tiến lập quy hoạch mở rộng khuôn viên chùa Bà để nâng tầm không gian tổ chức lễ hội.
Xác định di tích chùa Bà và Lễ hội chùa Bà - đô thị Nước Mặn là điểm đến, là sự kiện văn hóa quan trọng có sức tác động lớn đến ngành du lịch của Bình Định, nên trước khi Lễ hội chùa Bà - đô thị Nước Mặn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, ngành du lịch Bình Định đã “đón đầu” bằng việc chuẩn bị tư liệu để quảng bá, thông tin về Lễ hội đến công chúng. Sở Du lịch Bình Định đồng thời tiến hành làm việc với các doanh nghiệp lữ hành để giới thiệu, xây dựng các tour du lịch tham quan, tìm hiểu về giá trị di tích, lễ hội.
“Ngày 19/2 (nhằm ngày 29 tháng Giêng âm lịch) UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Lễ hội chùa Bà - đô thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thế cấp quốc gia. Lễ hội chùa Bà - đô thị Nước Mặn được tổ chức hàng năm như âm vang một thời phồn vinh của cảng thị Nước Mặn ngày xưa, là một trong những lễ hội dân gian truyền thống lâu đời, có quy mô lớn ở tỉnh Bình Định”, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT Bình Định, chia sẻ.