Trực tết vẫn... đợi lương
Khi Nông nghiệp Việt Nam đề cập đến vấn đề lương, thưởng của cánh bảo vệ rừng chuyên trách (2B) trong bối cảnh tết nhất đã cận kề, số đông lãnh đạo chủ rừng trên địa bàn Nghệ An đều tỏ ra ái ngại: “Trong hệ thống lâm nghiệp, lực lượng này bần cùng nhất, thiếu thốn nhất. Phương tiện truyền thông có lúc đề cập đến khó khăn của nghề này, nghề kia nhưng nào thấm tháp vào đâu so với bộ phận 2B, đến lương cố định hàng tháng còn chưa đủ nguồn chi thì đòi hỏi gì lương, thưởng tháng 13, thưởng tết”.
Quả thực lao động ở nhiều lĩnh vực khác dù chế độ ngày tết có thể khiêm tốn nhưng bù lại còn được vui vầy bên gia đình, được đón không khí ngày xuân. Ngược lại, lực lượng bảo vệ rừng phải trực 50/50, đồng nghĩa một nửa quân số phải căng mình đón tết giữa rừng hoang.
Một Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ quả quyết: “Trực quản lý, bảo vệ rừng ngày tết là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Thế nhưng chế độ thưởng tết đối với họ là điều xa xỉ, nói đâu xa chỉ chưa đầy chục ngày nữa là hết năm cũ nhưng anh em giữ rừng chuyên trách vẫn chưa được nhận lương tháng 12 đấy thôi”.
Quả thực nghèo còn vướng cái eo, tính khung thời gian thì dịp tết Nguyên Đán đã vắt sang tháng 1, tháng 2 của năm kế tiếp. Mà như đã đề cập, ngân sách Trung ương thường phải đến tận tháng 8, tháng 9 mới có, vô hình trung các chủ rừng không làm cách nào bói ra nguồn để chi trả lương cho những người thuộc diện hợp đồng tự trang trải, đồng nghĩa họ nai lưng ra làm nhưng chỉ nhận... không khí.
Cận tết số lượng lao động khắp vùng miền đổ về quê rất đông, đặc biệt là khu vực vùng cao thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu… thường lao động chân tay làm ăn xa gia cảnh chẳng mấy dư dả, nhiều người lại lâm cảnh thất nghiệp do số đông doanh nghiệp đồng loạt cắt giảm nhân sự, điều này dẫn đến nỗ lo cơm áo gạo tiền thường trực đè nặng. Bức bí cảnh bó gối ngồi không, tính toán thiệt hơn chung quy là tiếp tục “cậy nhờ” vào rừng, vô hình trung hình thành nên tấn áp lực đề nặng lên vai gầy của lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Điều kiện của Trạm QLBVR Khe Vều thuộc diện khốn khó nhất toàn tỉnh Nghệ An chứ chẳng riêng gì tại đơn vị chủ quản BQL RPH Thanh Chương. Cách QL7 chỉ khoảng 20 cây số thôi nhưng nơi đây dường như là một thế giới khác biệt với những phận người quanh năm lầm lũi, guồng quay giữ rừng hối hả đến mức chẳng còn thời gian hình dung nhịp đập thường nhật đã đổi thay ra sao.
Trước khi hình thành Trạm Khe Vều, vùng này vốn là trọng điểm của nạn phá rừng, thậm chí có lúc tỉnh Nghệ An phải điều động cả lực lượng 113 lên để truy quét “lâm tặc”. Sau khi BQLRPH Thanh Chương tiếp nhận lại từ Tổng đội thanh niên xung phong 2 đã vạch kế hoạch bài bản, qua đó phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng liên quan tiến hành giữ rừng trên diện rộng.
Một mạng lưới chặt chẽ nhanh chóng được hình thành với vai trò chủ chốt của những thành viên Trạm QLBVR Khe Vều, những cánh rừng xanh thẳm nơi vùng biên được giữ vững. Công lao của bộ phận chuyên trách rất lớn, tiếc thay quyền lợi chưa… về trên vai áo.
Qua nhiều năm, tuyến đường dẫn vào trạm dù đã được rải nhựa và đá cấp phối nhưng chung quy chẳng thế đứng vững trước sự lấn át của thiên tai, mưa bão, lúc này nhiều điểm đã xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là 3 km sau cuối.
Mùa này hay mưa, đồi núi sạt lở như cơm bữa kéo theo hàng tấn đất đá đổ ập xuống chiếm trọn cả lòng đường, để di chuyển nhiều bận phải điều máy úc vào san gạt. Khổ nỗi đất mềm gặp mưa nhão nhoét như cháo, đến cả chiếc xe “chuyên dụng” 2 cầu, cày khỏe hơn trâu cũng trải qua lắm phen trầy trật.
Thấy tôi lộ rõ vẻ bất an, anh Lê Đăng Ngọc, lái xe của BQLRPH Thanh Chương cất lời: “Mỗi lần di chuyển trên cung đường này tôi đều phát ớn, lo nhất là khi mưa xuống, bùn lầy bám chặt vào lốp xe làm giảm độ ma sát, không thông thạo sẽ đối diện với nhiều nguy cơ bất trắc, thậm chí là trôi xuống vực sâu. Đây là tuyến đường độc đạo, anh em giữ rừng vẫn phải đánh vật thường ngày qua đây, cám cảnh lắm”.
Có lẽ bởi cuộc sống thiếu thốn quá nên trên gương mặt của những người giữ rừng Khe Vều đều hiện rõ nét mỏi mệt, khắc khổ, nhìn qua ai nấy đều già nua trước tuổi.
Theo nghiệp đã lâu, thấm hơn ai hết nỗi đắng cay, nay anh Lê Văn Tú, quê ở xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương đã tính đến phương án nghỉ việc: “Chung quy do thu nhập thấp mà ra, năm nay đã ở ngưỡng ngũ tuần, mắt đã mờ chân đã mỏi nhưng lương chỉ vỏn vẹn 4,8 triệu đồng/ tháng, mức này không đủ trang trải một phần cuộc sống. Tính ra phải 8 năm nữa mới đủ điều kiện xin nghỉ hưu, thử hỏi với thu nhập như trên tôi được gì và mất gì nếu vẫn quyết tâm bám trụ. Con gái sau của tôi đang học lớp 11, nếu đậu đại học thì lấy gì mà nuôi, chắc chắn con tôi sẽ thất học”.
Hy vọng với chính sách mới
Quyết định 809/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 thể hiện tổng vốn là 78.585 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước đạt 13.682 tỷ, trong đó Trung ương là 7.484 tỷ, địa phương là 6.198 tỷ.
Dễ thấy rằng ngân sách Trung ương không thể “phủ sóng” hết được, đòi hỏi các địa phương phải chủ động cân đối để hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đề ra. Nghệ An tự hào với diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, là chủ sở hữu nguồn tài nguyên chắc chắn không thể khoanh tay ngồi nhìn.
May thay địa phương đã nhìn thấu thực trạng khốn khó và nắm bắt được tâm tư chính đáng của người lao động, qua đó triển khai phương án nhằm sớm tháo gỡ nút thắt. Hiện UBND tỉnh đang lập hồ sơ đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cho phép xây dựng Nghị Quyết đặc thù quy định về chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng đến năm 2025, mục đích trọng tâm hướng đến quyền lợi tương xứng cho lực lượng chuyên trách. Dự kiến đối với diện tích đã được bố trí kinh phí bảo vệ rừng từ chính sách chi trả dich vụ môi trường rừng, các chương trình dự án, nguồn vốn hợp pháp khác nhưng tổng đơn giá đã hỗ trợ nhỏ hơn 300.000 đồng/ha/năm thì sẽ hỗ trợ bổ sung để đạt mức 300.000 đồng/ha/năm.
Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2020 do không có chính sách cho lực lượng 2B nên UBND tỉnh buộc phải xin cơ chế đặc thù, tuy nhiên định mức “chữa cháy” 100.000 đồng/ha/năm là quá ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu, lại thường cấp chậm như rùa bò đã gây nên nhiều bức xúc. Với phản hồi mới nhất từ Tổng cục Lâm nghiệp, kỳ vọng rằng nút thắt này sẽ sớm được tháo gỡ.
Theo đó, Công văn số 2114/TCLN-KHTC phản hồi kiến nghị của Sở NN-PTNT Nghệ An thể hiện rõ quan điểm về đối tượng khoán bảo vệ rừng: "Trên cơ sở quy định của pháp luật, các lao động không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, các cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương, nơi có đối tượng khoán bảo vệ rừng thì thuộc đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP và Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT”.
Thông tin này tựa như cơn mưa dịu mát rải xuống giữa trời hanh khô, tức thì tạo chuyển biến sâu sắc đến tâm lý của số đông, đồng thời giảm tải áp lực cho toàn ngành, đặc biệt là lãnh đạo tại các chủ rừng vốn dĩ canh cánh trong cơn... thiếu tiền. Đơn cử như BQLRPH Thanh Chương, mới hơn tháng thôi tập thể lãnh đạo, công đoàn, đảng ủy ban còn lo ngay ngáy khi 12 trường hợp chuyên trách giữ rừng đồng loạt viết đơn xin nghỉ việc, chưa kể nhiều người khác cũng chấp chới làm theo. Nay có thể thở phào nhẹ nhõm phần nào khi làn sóng xin nghỉ đã thôi ngừng vỗ, trước mắt tất cả đã chấp nhận rút đơn, cam kết sẽ tiếp tục cống hiến lâu dài nếu khi có sự thay đổi mang tính căn cơ.
“Mong rằng quý I/2023 sẽ có nguồn để phân bổ cho anh em trong đơn vị, lực lượng hợp đồng tự trang trải sau khi nắm bắt thông tin đều tỏ ra phấn chấn, tâm lý khác hẳn thường ngày”, ông Lê Phùng Thiều, Trưởng BQLRPH Thanh Chương khẳng định.