| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ Xuân về trên vai áo?

Thứ Ba 20/12/2022 , 14:22 (GMT+7)

Diện tích rừng lớn nhất cả nước, độ che phủ rừng nằm ở tốp đầu, thành tích không đủ để che khuất những bất ổn tồn tại dai dẳng của ngành lâm nghiệp Nghệ An.

Lời tòa soạn: 

Tết đã cận kề, tâm tư của những cán bộ ngành lâm nghiệp càng thêm nặng trĩu. Quanh năm biền biệt xa nhà, đồng lương còm cõi chỉ đủ nuôi thân, liệu rằng năm nay có lo cho gia đình được một cái tết ấm?

Empty

Gắn trên mình phận bảo vệ rừng chuyên trách là xác định sống với gian lao. Ảnh: Việt Khánh.

Chính sách đãi ngộ còn thiếu và yếu

Theo kết quả cập nhật diễn biến tài nguyên rừng được UBND tỉnh Nghệ An công bố tại Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 21/2/2022, địa phương có diện tích rừng đạt 1.008.740,67 ha. Độ che phủ rừng đạt 58,41%.

Với hơn 1 triệu ha rừng, Nghệ An tự hào là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, đi kèm với đó là hàng loạt tiềm năng, lợi thế song hành. Dù vậy chưa nên lấy đó làm mừng khi công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại các chủ rừng là tổ chức nhà nước đang đối diện với muôn vàn, khó khăn thách thức. 

Thứ nhất là sự “khập khiễng” trong quyền lợi và trách nhiệm được thể hiện rõ. Phải thấy rằng nhiệm vụ bảo vệ rừng rất nặng nề, lại tiềm ẩn muôn vàn nguy cơ, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của người giữ rừng. Ngược lại, chế độ, chính sách thụ hưởng của Trung ương và địa phương rất hạn hẹp, cơ bản mới đáp ứng được một phần nhu cầu đặt ra mà thôi.

Thứ hai, các chủ rừng được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên diện tích rất lớn, dàn trải nhưng hiện trạng chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng tự nhiên đang trong giai đoạn đóng cửa rừng trên toàn quốc. Không có nguồn thu tự hoạt động kinh doanh, sản xuất, đồng nghĩa không thể cân đối được nguồn thu trang trải cho công tác QLBVR. Thực trạng tồn tại dai dẳng suốt từ năm này qua năm khác đã bào mòn niềm tin của người lao động, cứ thế “chảy máu” nhân lực là chuyện đặng đừng.

Empty

Chính sách nhà nước chưa đủ đáp ứng, đơn vị chủ quan không thể cân đối nguồn thu, đời sống của người giữ rừng gặp muôn vàn khốn khó. Ảnh: Việt Khánh.

Bấy lâu nay Nghệ An đang áp dụng chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người kinh nghèo cư trú tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi được quy định tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015; Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021; thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2022, mức hỗ trợ là 400.000 đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biểu quy định tại Nghị định 119/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 với mức hỗ trợ bằng 1,5 lần mức bình quân chung, tương đương 450.000 đồng/ha/năm. Nhìn rộng ra, mức khoán bảo vệ rừng bình quân chung được quy định tại Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 là 300.000 đồng/ha/năm.

Qua thống kê, tổng diện tích thuộc đối tượng được ngân sách hỗ trợ (theo Điều 87 Nghị định 156/2018/NĐ-CP) của Nghệ An là 809.660,54 ha, nếu áp dụng theo định mức thấp nhất (300.000 đồng/ha), ước tổng kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng suýt soát 303 tỷ đồng/ năm. Dù vậy con số thực tế vô cùng hạn hẹp, bèo bọt đến ngỡ ngàng.

Cụ thể, nguồn hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đến từ Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Nghệ An chỉ đạt bình quân 51,6 tỷ đồng. Năm 2021 chương trình chưa được phê duyệt giai đoạn mới nên chỉ cấp bù vỏn vẹn 33,7 tỷ đồng, năm 2022 nhích lên 54 tỷ đồng.

Empty

Có những phận người theo nghiệp giữ rừng chưa được đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Việt Khánh.

Ngoài nguồn trên, lâm nghiệp Nghệ An còn được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, riêng năm 2022 ghi nhận hơn 163 tỷ đồng.

Như vậy, tổng kinh phí hỗ trợ, khoán bảo vệ rừng được thụ hưởng của 2 chương trình trong năm 2022 mới đạt trên 217 tỷ đồng, chiếm khoảng 2/3 so với nhu cầu đặt ra. Thiếu tiền, rừng Nghệ An đối diện với muôn vàn âu lo.

Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII vừa diễn ra, nhiều đại biểu, cử tri rất quan tâm và đề nghị tỉnh có chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng, nhằm khắc phục tình trạng xin nghỉ việc ngày một tăng.

Trả lời kiến nghị, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định đang ở mức thấp, cao nhất là 400.000 đồng/ha, thấp nhất là 100.000 đồng/ha. Giai đoạn 2016-2020, do không có chính sách cho lực lượng này, UBND tỉnh đã xin Chính phủ cơ chế đặc thù, áp dụng tăng mức kinh phí bảo vệ rừng nhưng không được chấp nhận: “Hiện Sở NN-PTNT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định về mức chi hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình HĐND tỉnh xem xét thông qua”.

Không sống nổi với nghề

Tháng 8/2022 Chi cục Kiểm lâm Nghệ An có báo cáo số 702/BC-KL gửi Tổng cục Lâm nghiệp xoay quanh tình trạng nghỉ việc, chuyển việc hàng loạt.

Theo đó, số biên chế của toàn ngành chỉ còn 1.389 người (335 công chức, 321 viên chức, 733 lao động hợp đồng). Thực sự đáng báo động khi có đến 93 trường hợp xin nghỉ việc, bao gồm 31 người của Chi cục Kiểm lâm; 13 người tại các hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, phòng hộ; 49 người thuộc các chủ rừng. Đưa ra để thấy, từ “thượng vàng” đến “hạ cám” đều chung một nỗi bức bí.

Điều đáng nói, thống kê trên chỉ gói gọn trong giai đoạn 2020 – 2022. Nếu mở rộng, lấy mốc từ 2016 đến nay thì số người nghỉ việc, xin chuyển công tác diễn ra với quy mô rầm rộ hơn nhiều, ấy là chưa bàn đến nhan nhản những trường hợp đang trong diện… chấp chới giữa ở và đi. Quả thực nếu nhà nước không có bước chuyển mang tính căn cơ về cơ chế, chính sách, làn sóng chảy máu nhân lực trong lĩnh vực lâm nghiệp tại Nghệ An chắc chắn sẽ thành vấn nạn.

Trong hệ thống ngành lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm chính quy vẫn được xem là VIP hơn cả. Nhưng khi ánh hoàng kim rời xa, nhất là khi Chỉ thị 13 về “đóng cửa rừng tự nhiên” được ban hành tất cả đã dịch chuyển theo một ngã rẽ mới. Nội trong vòng 10 năm trở lại thôi, nhân lực kiểm lâm Nghệ An “sứt mẻ” nghiêm trọng khi trên dưới 200 người quyết định... rời ngành.

Empty

Những người bám trụ mong mỏi sẽ có sự đổi thay mang tính bước ngoặt từ chính sách nhà nước. Ảnh: Việt Khánh.

Trực tiếp bám nội dung này, ông Phạm Văn Thái, Trưởng Phòng Tổ chức tuyên truyền và xây dựng lực lượng (Chi cục Kiểm lâm) không khỏi xót xa: “Từ giờ đến năm 2026, theo lộ trình giảm biên chế, cộng thêm số người đến tuổi về hưu, ngành kiểm lâm sẽ hao hụt hàng chục người nữa. Người nghỉ ngày càng nhiều, với đà này không biết nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng sẽ đi về đâu? Tôi được phân công làm công tác tổ chức, thực sự rất buồn”.

Nói đoạn ông Thái đưa tôi tập đơn dày cộp, thể hiện những trường hợp đề đạt nguyện vọng xin thôi việc, nghỉ việc. Lật vội từng tờ, nhác thấy không chỉ những bộ phận như lái xe, kế toán mà ngay đến cấp bậc như Hạt trưởng, Trạm trưởng hẳn hoi cũng có tên. Mà chẳng đâu xa, chính bản thân ông Thái khi còn làm việc tại cơ sở đã từng mong mỏi được nghỉ hưu “non” đấy thôi.

Trong khi đó, khốn khổ, bức bí và xót xa nhất của ngành này phải gọi tên lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, những người vốn dĩ “có danh không phận”. Họ chịu trách nhiệm quán xuyến rừng vòng trong, điều kiện làm việc thiếu thốn đủ bề, trực tiếp tham gia bảo vệ rừng tận gốc, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, trắc trở… áp lực khổng lồ đè nặng là vậy nhưng chẳng được ghi nhận xứng đáng.

Như đã đề cập, bộ phận này “nằm ngoài” danh sách đối tượng được thụ hưởng chính sách của Nhà nước, thành thử chỉ khi đơn vị chủ quản cân đối được nguồn thu chi mới có đôi đồng trang trải gọi là, bằng không cam chịu cảnh túng quẫn quanh năm.

Xuyên suốt 2016 – 2020, trên cơ sở đề xuất của Nghệ An, Bộ NN-PTNT mới có văn bản số 2602/BNN-TCLN về hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng, cấp kinh phí cho các Ban quản lý rừng, Tổng đội TNXP mức cấp theo khoản 2, điều 7, quyết định 24/2012/QĐ-TTg là 100.000 đồng/ha/năm. Quy đổi, mỗi lao động giữ rừng chuyên trách được nhận bình quân 4 triệu/tháng, không phụ cấp, không chế độ khác kèm theo, tần tật tật chỉ có thế.

Tiền ít đã đành nhưng chẳng mấy khi được phân bổ đúng hẹn, cánh bảo vệ rừng chuyên trách trên địa bàn Nghệ An đã quá quen với cảnh chậm lương biền biệt, quanh năm suốt tháng chẳng có lấy 1 đồng 1 cắc dính túi. Chẳng nói đâu xa, già nửa năm 2022, nhận thấy tình hình vô cùng cấp bách tỉnh Nghệ An phải “chữa cháy” bằng cách dùng vốn ngân sách địa phương, tạm cấp hơn 7,8 tỷ đồng nhằm níu chân bộ phận này.

Empty

Với đà này, chẳng biết bao giờ "xuân mới về trên vai áo" của người giữ rừng. Ảnh: Việt Khánh.

“Chúng tôi chẳng dám đòi hỏi gì cao sang, chỉ mong Nhà nước nhìn thấu thực trạng, qua đó có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách để bộ phận chuyên trách như chúng tôi chuyên tâm, gắn bó với nghề. Anh em theo nghề này thâm niên đã lâu, trung bình 15 năm, 20 năm cả rồi, bỏ thì thương mà vương thì tội nhưng quả thực đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống thường nhật. Tết đã cận kề, tâm tư của cánh lâm nghiệp càng thêm nặng trĩu, liệu rằng có món quà, tấm bánh cho con trẻ còn ngóng trông ở nhà hay không”, anh Trần Việt Giang, cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách tại BQLRPH Quỳ Châu bộc bạch những lời tâm can.

Với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, mỗi dịp tết đến xuân về tâm lý của họ càng bị xáo trộn nặng nề. Quanh năm biền biệt xa nhà, đồng lương chưa đủ nuôi thân biết lấy gì mà tích cóp, đỡ đần người thân. Khổ nỗi trẻ nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn chưa thấu hiểu sự đời, khi chúng cất lời "đòi" chút quà mọn, bổn phận làm cha lắm lúc không kìm nổi lòng mình. 

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.