| Hotline: 0983.970.780

Lê Lựu tìm lại giá trị "quê mùa"

Thứ Ba 18/03/2014 , 17:04 (GMT+7)

Ngày tiêm ba lần thuốc, 14 thứ bệnh trong người, nói năng khó nhọc, nhưng qua từng câu, từng chữ, vị nhà văn già vẫn rất trăn trở với nông thôn, với người nông dân.

Nhà văn Lê Lựu gọi điện giọng mệt mỏi: Tớ mới thành lập "Quỹ Nhà văn Lê Lựu" nhằm giúp đỡ các tài năng văn học xuất sắc viết về đề tài "tam nông" nhưng xem chừng còn nhọc nhằn quá.

Ngỡ ngàng lắm! Bởi cách đây mấy ngày ông lại vừa đột quỵ, ngất lịm, tưởng chừng không qua khỏi. Lập quỹ ủng hộ viết về "tam nông", liệu có quá không với một người tự nhận mình sắp chết?

Ngày tiêm ba lần thuốc, 14 thứ bệnh trong người, nói năng khó nhọc, nhưng qua từng câu, từng chữ, vị nhà văn già vẫn rất trăn trở với nông thôn, với người nông dân. Nhắc chuyện lập Quỹ, ông tâm sự: Tôi chỉ muốn cân bằng lại không gian trong văn học. Thành thị cũng như nông thôn, phải có sự cân bằng. Nói cách khác, tôi đang muốn tìm lại tiếng nói cho người nông dân trong văn học.

Có vẻ mảnh đất màu mỡ với văn chương là nông thôn đã bạc màu rồi, phải không ông?

Thực ra, nó chỉ bạc màu đối với những người không quan tâm đến nó thôi. Bây giờ không ai muốn viết cả. Dường như nhà văn chuyển sang làm chính khách hay con buôn hết rồi hay sao ấy!

“Trong buổi ra mắt "Quỹ Nhà văn Lê Lựu", Trung tướng, nhà văn Hữu Ước nói: "Lê Lựu chẳng có gì, anh là người chưa bao giờ biết lương của mình là bao nhiêu. Về Quỹ, tôi thấy sẽ có sự thắng lợi về ý nghĩa ra đời cũng như tinh thần hoạt động và nó sẽ nhân lên những tấm lòng nhân ái
trong xã hội".

Đúng như thế thật. Thời buổi này làm gì cũng khó, cố được chừng nào hay chừng ấy. Tôi hay ví mình là con kiến, tha từng hạt tấm về tổ. Đời tôi chưa tha đầy tổ thì có đời sau, lo gì. Nhưng nhiều khi cũng rất buồn, tiếng nói của một con bệnh sắp chết rồi có mấy trọng lượng nữa đâu. Bây giờ tôi chỉ có khiếu "ăn mày". Tôi chỉ góp được 1 tỷ đồng cho Quỹ hoạt động thì ăn thua gì. Sau này muốn hoạt động lâu dài thì phải cả bộ máy đi... ăn mày”, nhà văn Lê Lựu.

Bây giờ có ai mặn mà với nông thôn nữa đâu. Ngày xưa người ta yêu nông thôn, ở hẳn với nông thôn. Bây giờ, nhà văn cũng có tư tưởng “giàu ở quê không bằng ngồi lê thành thị". Cứ cố gắng gây ấn tượng với thiên hạ bằng dăm ba con chữ liên quan tới công nghiệp, văn hóa, văn minh đô thị, nhưng thật ra là lòe nhau thôi, có gì sâu sắc đâu.

Muốn viết văn thì phải yêu nghề. Nhưng đã dính đến kinh tế thì rất khó có văn hay chứ đừng nói gì đến việc có được tác phẩm hay về nông thôn. Mình đã không yêu cái nghề của mình thì bảo ai yêu tác phẩm của mình được?

Người viết bây giờ không mặn mà với nông thôn hay chính nông thôn không còn hấp dẫn người viết?

Việc vươn lên để tìm đến văn minh thành thị là xu thế chung của thời đại. Điều đó không sai. Nhưng nên giữ lại những giá trị chỉ nông thôn mới có, những giá trị tôi gọi là “quê mùa”.

Những khăn nhung, quần lĩnh hãy cứ rộn ràng. Cái yếm lụa sồi, cái khăn mỏ quạ, hãy cứ chân chất như nó vốn thế. Nông dân càng tiếp xúc với cuộc sống đô thị nhiều càng thấy họ lòe loẹt đến tội nghiệp. Còn nhà văn, chẳng mấy người yêu thì viết sao được.

Muốn viết hay thì nhà văn trẻ phải hướng cái tâm mình về nông thôn. Phải tìm cái chân chất nhất của nông thôn chứ không phải là cái bóng bẩy bề ngoài. Phải khốn khổ cùng với nông dân thì mới viết được.

Đề tài thì có sẵn đấy rồi, nhưng phải làm sao dùng đúng chữ, đúng ý chứ đừng nói sai, đừng bôi bác người nông dân. Cái gì mình hiểu sâu sắc thì viết chứ đừng đứng ngoài mà chõ mồm vào, cái đó không hay. Viết với tâm thế của người lao động chữ nghĩa chân chính chứ vừa viết vừa ăn kẹo thì không viết được.

Phải biết khai thác cái mặt quê mùa, chân chất của nông dân. Nông dân thế thôi chứ họ sâu sắc lắm đấy. Phải nắm được tâm lý của họ mới viết được họ đẹp. Nông dân chính cống thì tâm hồn họ vẫn quê kiểng lắm, thật thà lắm. Đây là tôi loại ra ngoài một bộ phận người nửa mùa, rửng mỡ, láu cá nhé. Họ, tôi không gọi là nông dân mà là thị dân nửa mùa.

Truyền thống của nông dân vẫn đang được tiếp tục. Vì thế, đừng có xấu hổ với chữ “người nhà quê”, có những cái mà ở thành thị một đời cũng không có ở chữ “quê mùa” đâu.

Nguyễn Ngọc Tư viết về nông thôn hay là bởi cô ấy hiểu được giá trị của những thứ “quê mùa” ấy.

Nói như ông, nông thôn vẫn vậy, vẫn chất chứa những chất liệu văn chương có thể làm nền tảng để nhà văn tha hồ khai thác. Văn chương vắng bóng nông thôn, vắng bóng hình ảnh nông dân, chắc hẳn làm ông đau đáu lắm nên mới thành lập "Quỹ Nhà văn Lê Lựu"?

Về bản chất nông thôn, không thay đổi gì đâu. Chẳng qua bây giờ tốc độ đời sống nhanh hơn, thông tin nhanh hơn, phương tiện nhanh hơn. Nhưng nông thôn vẫn nghèo, vẫn mộc mạc vậy thôi. Tôi đi nhiều tôi biết, nông dân mình nghèo nhưng đẹp lắm.

Vấn đề nông thôn cũng còn nhiều. Ví dụ như chuyện cán bộ, chính quyền ở một số nơi vẫn đang làm khổ nông dân. Ngay như tôi đây, khi về quê, vẫn chỉ là một anh nông dân Khoái Châu (Hưng Yên) chính hiệu, vẫn bị nhũng nhiễu như thường, vẫn bị mất nhà, mất cửa như thường.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.