Người đưa thư hay shipper cũng được gọi là bưu tá, trong quân đội gọi là quân bưu, làm việc cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam hoặc các công ty tư nhân để giao hàng và thu thập thư, hàng hóa và các thứ khác.
Họ làm việc chủ yếu trên các tuyến đường, hoặc đi bộ, hoặc bằng các phương tiện hoặc kết hợp cả hai. Do những thay đổi về chính trị, xã hội và công nghệ nói chung, từ những năm trước 1975, tới thời kì Đổi Mới năm 1986 và thời kì hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, danh từ chỉ những người làm công việc đưa thư đã có những thay đổi đáng kể, từ những danh từ trong thời chiến như “giao liên”, rồi “bưu tá”, “bác đưa thư”, và nay là “shipper”. Chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi rằng, tại sao lại có những sự thay đổi kịch tính như vậy đối với một danh từ.
Từ “bưu”
Bưu 郵 được cho là một từ gốc Hán, vào thời phong kiến Bưu nghĩa là nhà trạm, và dùng ngựa truyền tin gọi là trí 置, chạy bộ truyền tin cũng gọi là bưu 郵. Nổi tiếng nhất vào thời kì phong kiến ở châu Á có lẽ là hệ thống trạm bưu chính và những người truyền tin được dựng lên bởi Thành Cát Tư Hãn với tên gốc là Örtöö trong khắp đế chế Mông Cổ.
Nghĩa hiện đại của từ Bưu nghĩa là chuyển đi, truyền đi. Chúng ta có các từ liên quan tới từ bưu như, bưu cục (cuộc) hay bưu điện, được định nghĩa theo từ điển rằng: một sở nhà nước, có ty trạm khắp nơi có nhiệm vụ truyền tin đủ mọi hình thức, bưu chính, điện tín, điện thoại và vô tuyến điện, nhận và phát thư từ, đồ vật, tiền bạc, in và bán tem, tổ chức quĩ tiết kiệm quốc gia.
Bưu điện cũng được cư dân Nam bộ vào thời Pháp thuộc gọi là “nhà dây thép”, do khi tới Việt Nam, khoảng vào đầu những năm 1900, người Pháp đã thiết lập một hệ thống điện báo để đảm bảo sự liên lạc giữa các đơn vị quân viễn chinh với nhau, người dân có thể thấy những đường dây thép điện báo xung quoanh nhà bưu điện và gọi như vậy.
Giao liên, quân bưu, bưu tá và bác đưa thư
Trong thời kì lịch sử biến động từ năm 1945 tới 1975, có thể hệ thống bưu điện của Pháp xây dựng ở Việt Nam đã bị ngưng trệ, có một binh chủng trong quân đội được tổ chức để làm nhiệm vụ dẫn đường, đưa - nhận thư, trinh sát, dẫn đường không chỉ ở các vùng giải phóng mà còn ở các vùng tranh chấp giữa ta và địch.
Đó là những người giao liên, giao nghĩa là trao, đưa; liên có nghĩa là ráp lại, nhập lại, thông nhau. Hiện nay những binh chủng này đã không còn tồn tại nữa, và từ giao liên gần như biến mất, chỉ có tồn tại ở một vài bài hát nổi tiếng như bài Đường tôi đi dài theo đất nước của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối: "Đời giao liên bước tôi đi dài theo theo đất nước”.
Ngoài ra trong quân đội, bưu chính trong quân đội gọi là quân bưu, người làm công việc quân bưu có thể gọi là quân bưu hay lính quân bưu. Trong dân sự, bưu tá nghĩa là nhân viên bưu điện phát thư, phát báo; tá ở trong từ bưu tá có nghĩa là giúp, như trong từ phụ tá, huyện tá.
Từ bưu tá vẫn được dùng trong ngành Bưu điện, trong xã hội. Một cụm từ khác là “bác đưa thư” hay “người đưa thư” cũng dần được sử dụng ít đi mặc dù nó rất thân thiện và dễ hiểu, bởi một lẽ rất đơn giản rằng, thư tay hiện nay đã được thay thế phần lớn bởi email, zalo hay facebook. Người giao hàng không còn chủ yếu đưa thư như trước kia nữa, và thư tay nó không phải là cái gì đó ảnh hưởng như trong quá khứ.
Shipper
Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, internet, máy tính, các phần mềm thông minh xử lý đơn hàng, các website mua bán trực tuyến… đã làm cho ngành bưu chính phát triển cực nhanh trong những năm gần đây.
Việc giao thư, giao hàng, không chỉ có các công ty thuộc Nhà nước làm nữa, mà có sự tham gia của các công ty tư nhân, với hơn 400 doanh nghiệp hoạt động, doanh thu các doanh nghiệp bưu chính đạt hơn 2 tỉ đô-la năm 2019.
Người bưu tá không chỉ phần lớn phát thư, tài liệu như những năm trước, thư tay gần như biến mất, ngày nay chủ yếu là phát hàng hóa mua bán qua mạng, cộng thêm nhiều nghiệp vụ hơn. Một thế hệ trẻ mới, năng động hơn, đã gọi việc gửi hàng hóa của mình là “ship”, những người làm công việc giao hàng là shipper.
Ở các nước nói tiếng Anh, theo từ điển Cambridge, “ship” là danh từ chỉ các thuyền lớn, động từ “ship” là gửi hoặc chuyên chở cái gì đó bằng đường biển hoặc vận chuyển với số lượng lớn trên quãng đường xa.
Họ có sự phân biệt rõ người đưa thư cổ điển là “post-man” (post là bưu điện, người giao hàng cho bưu điện gọi là post man), còn người vận chuyển hàng cho các hãng như Amazone, Ebay, Lazada… là “deliverer”, họ thêm đuôi er vào động từ deliver nghĩa là hành động giao bưu kiện, thư từ, hàng hóa tới nhà hoặc công sở nào đó.
Không rõ nguyên nhân tại sao ở Việt Nam người ta lại gọi những từ như ship, shiper, trong khi đáng lẽ từ giao hàng đáng lẽ phải là deliver, mà người giao hàng là deliverer, có lẽ một phần nguyên nhân là từ này khá dài và khó phát âm chăng?
Kết luận
Qua sự biến đổi của một từ ngữ chúng ta thấy được một phần sự thay đổi của xã hội về chính trị từ một quốc gia thời chiến tới một quốc gia hội nhập sâu sắc vào nền kinh tế thế giới, bên cạnh sự phát triển kinh tế, khoa học kĩ thuật.
Trong quá khứ, chúng ta dùng những từ gốc Hán, có thể khó hiểu với quần chúng, như bưu tá, ngày nay chúng ta lại chấp nhận rộng rãi dùng một từ của Anh-Mĩ, mang tính quốc tế là “ship” để chỉ hoạt động giao hàng, và shiper để chỉ người giao hàng, mặc dù từ này không đúng lắm về nghĩa gốc của nước bản xứ.
Một mặt nó cũng là một sự thay đổi thú vị về mặt từ ngữ, mặt khác đó là một dấu hiệu của sự thích nghi tuyệt vời của một dân tộc để sinh tồn, khi đứng trước các thách thức của thời đại.
Đặng Quỳnh Lê
Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.
Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.
Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!
Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.
Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.
NNVN