Vừa rồi nhận được túi cà chua Nhật Bản. Cà chua là loại quả không gì mới mẻ. Việt Nam đã trồng khắp nơi, từ đồng ruộng cho đến trồng trong nhà màng nhà lưới, từ giống thông thường cho đến các giống mới như: cà chua bi, cà chua nhiều màu. Điều đặc biệt ở đây là tên của giống cà chua HAPITOMA, đọc lên nghe âm tiếng Nhật nhưng gợi lên từ ghép giữa HAPPY và TOMATO.
Nhóm khởi nghiệp Đất sen hồng sau khi tham gia Hội chợ THAIFOOD phát hiện xu thế tiêu dùng mới. Chức năng của thực phẩm trước đây là ăn no, ăn ngon, thì xu hướng tiêu dùng mới là: ăn giúp tăng cường sức khỏe (HEALTHY), ăn để hạnh phúc (HAPPINESS), ăn để hòa hợp (HARMONY). Như vậy, xu thế tiêu dùng đã thay đổi. Cái tên cà chua HAPITOMA ẩn dụ điều đó.
Các bậc làm cha làm mẹ khi đứa con ra đời luôn tìm đặt cái tên sao cho vừa thật đẹp vừa thật ý nghĩa. Đôi khi cha mẹ còn gửi gắm vào cái tên mong muốn con cái sau này sẽ trở thành những con người: Nhân, Trí, Dũng, Hạnh, Phúc, Hùng, Cường, Hưng, Thịnh, hoặc 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, hoặc tên liên quan đến địa danh thân quen… . Như vậy, tên không chỉ là những ký hiệu để phân biệt sự khác nhau, mà còn mong muốn cái tên đó được mọi người biết đến, nhớ đến.
Tương tự như tên một người, tên một sản phẩm cũng gửi gắm vào đó những tình cảm, sự trân quý, lòng mong muốn, khi mọi người nhắc đến, nhớ đến có nhiều cảm xúc. Cái tên nhiều ý nghĩa gắn với những điều may mắn, vui vẻ, hạnh phúc, sum vầy, hòa hợp,… còn là món quà tặng mang nhiều ý nghĩa để chúc phúc cho nhau nhân dịp lễ tết, ngày kỷ niệm.
Sầu riêng Monthong của Thái Lan có nghĩa là “gối vàng”. Sầu riêng Musang King của Malaysia âm tiếng Hán là Miêu Sơn Vương. Quả Kiwi do hình dáng bên ngoài giống lông loài chim kiwi, biểu tượng đất nước New Zealand.
Chúng ta đã có vú sữa Hoàng Kim, mận Hồng Đào, gạo Nàng Thơm, Thanh Long,… Cần hơn nữa những cái tên đẹp, ý nghĩa, đi vào cảm xúc và tâm thức người tiêu dùng.
Mời độc giả quan tâm theo dõi loạt bài "Chuyện nhỏ khởi nghiệp":
Câu chuyện thứ nhất: Tơ chuối của người Thái
Câu chuyện thứ hai: Khởi nghiệp trong một trường đại học Bỉ
Câu chuyện thứ ba: Câu chuyện thác Bản Giốc