Chân dung anh hùng luôn được nhiều người quan tâm, nhưng không dễ phác thảo một cách đầy đủ và chân thực. Thời gian càng lùi xa, thì chân dung anh hùng càng mang tính thách thức đối với nỗ lực tái dựng của thế hệ sau. Vì vậy, khi tác giả Dương Trọng Phúc công bố cuốn sách “Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử”, đã khiến nhiều người không tránh khỏi trầm trồ.
Anh hùng Lý Tự Trọng (1914-1931) bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn – Sài Gòn và tuyên án tử hình khi mới 17 tuổi. Gần một thế kỷ đã trôi qua, làm sao tìm lại chân dung nhân vật cách mạng này? Tác giả Dương Trọng Phúc xuất thân cử nhân lịch sử và có 24 năm làm công tác Đoàn, hiện nay đang làm Phó hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng tại Thủ Đức, TP.HCM.
Nhân vật Lý Tự Trọng là người thuộc lớp đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên. Từ thuở nhỏ, Lý Tự Trọng đã được nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, đến khi được học tập và hoạt động trong môi trường cách mạng, Lý Tự Trọng càng thể hiện tư chất và bản lĩnh của một người cộng sản kiên trung. Khi bị thực dân Pháp bắt giữ và xét xử, trước tòa án, Lý Tự Trọng đã khẳng khái tuyên bố: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Khí phách, lý tưởng cách mạng của Lý Tự Trọng đã trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam.
Bằng tình cảm, thái độ trân trọng và lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với một nhân vật đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân vì lý tưởng của Đảng và cách mạng, đồng thời muốn cung cấp thêm những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp Lý Tự Trọng, tác giả Dương Trọng Phúc đã thực hiện cuốn sách “Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử”.
Trong cuốn sách, tác giả Dương Trọng Phúc chọn ra 17 vấn đề liên quan đến anh hùng Lý Tự Trọng (con số này cũng chính là số tuổi của liệt sĩ Lý Tự Trọng) để kiến giải, minh chứng thông qua nguồn tài liệu lưu trữ, báo chí, hồi ký nhằm làm rõ thông tin liên quan đến nhân vật.
Ý tưởng thực hiện cuốn sách được nhen nhóm từ khi tác giả về công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng, ngôi trường có truyền thống và uy tín trong công tác đào tạo cán bộ Đoàn - Hội - Đội của TP.HCM và các tỉnh thành trong cả nước. Từ 2020, tác giả đã bắt tay thực hiện quyển sách, tác giả đã tìm đọc các tài liệu trên nhiều phương tiện khác nhau, từ các sách lịch sử, khảo cứu, đến các tài liệu trên các trang thông tin, các báo đài, các phim ảnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả Dương Trọng Phúc còn sắp xếp thời gian để thực hiện nhiều chuyến đi để gặp gỡ trực tiếp những nhân chứng có liên quan và ghi nhận thông tin. Trong suốt 3 năm thực hiện, tác giả đã có 10 chuyến đi nghiên cứu tại các tỉnh, thành phố gồm An Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Hà Nam...
Ngoài tiếng Việt, tác giả còn nghiên cứu thêm các tài liệu lưu trữ bằng ngôn ngữ khác có gắn với địa điểm liên quan đến nhóm Đoàn viên đầu tiên. Cụ thể như tiếng Pháp (chủ yếu), tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Thái, tiếng Nga. Nhờ trình độ một chuyên gia giáo dục sáng tạo cao cấp của Microsoft toàn cầu, tác giả có thể sử dụng hiệu quả các công cụ quan trọng để đọc nhanh, dịch tóm ý các văn bản cũng như làm việc ở chế độ cộng tác, chia sẻ cùng những người trợ giúp.
Trong quá trình thực hiện cuốn sách, tác giả đã nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân và tổ chức như cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, Trường Đoàn Lý Tự Trọng, cô Bùi Lý Lệ Tân (con gái nhà cách mạng Lý Phương Thuận), bác Lý Kiến Nam (con trai nhà cách mạng Lý Phương Đức) và một số nhà báo.
Với cuốn sách “Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tài liệu lịch sử”, lần đầu tiên biên niên cơ bản về đồng chí Lý Tự Trọng, đã được giới thiệu đến công chúng một cách cẩn trọng và thấu đáo.