Lão thi sĩ Trần Duy Hiển từng làm Trưởng phòng Thống kê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trước khi nghỉ hưu và định cư tại TP.HCM. Thói quen nghề nghiệp ấy có tác động gì đến con đường thi ca của ông không? Có lẽ có, khi ông rạch ròi lật lại những trang kỷ niệm đời mình để mã hóa thành thơ: “Tôi lại viết những ngọn đèn trước gió/ Viết những bình minh lóng lánh tiếng chim/ Cùng những cánh buồm trôi không đợi bờ hẹn bến/ Chuyện của riêng mình mờ tỏ vào đêm”.
Đọc tập thơ “Ai cũng có ngày xưa” của Trần Duy Hiển do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa ấn hành, ít ai dám nghĩ rằng, tác giả đã ngoài tuổi tám mươi. Bởi lẽ, ý tứ và câu chữ vẫn dạt dào trong thơ ông, vừa nôn nao hồi tưởng vừa cồn cào thế sự: “Đò khuya đã hết người rồi/ Một mình một bến nụ cười heo may”.
Thử dùng phương pháp thống kê sở trường của lão thi sĩ Trần Duy Hiển để khám phá thế giới xa vắng “Ai cũng có ngày xưa”, sẽ nhận ra những mảnh vỡ lấp lánh số phận. Đó là cố hương ấu thơ thỉnh thoảng khêu lại ngọn đèn bé dại: “Khi ta lớn/ Giấc mơ cũng lớn/ Bụi bặm/ Cô đơn/ Cũng lớn hơn/ Chỉ cái ao nhà hẹp lại”. Đó là Tổ quốc nhiều mất mát vì chiến tranh: “Người lính năm xưa/ Giờ vẫn đi tìm đồng đội/ Những đêm dài họ đứng phía cơn mưa”. Đó là nỗi lòng người vợ tào khang cam chịu thủy chung: “Bầu trời cũ vẫn xanh màu khói bếp/ Em vẫn cầm nước mắt ở trên tay”. Và đó là niềm riêng của chính ông sau bôn ba xuôi ngược: “Đêm thương nhớ nhúng vào chiều sương khói/ Để mây trời bàng bạc cả hồn quê”.
Thơ Trần Duy Hiển không quẩn quanh vần điệu hiu quạnh kiểu cao niên cầu an. Ông hướng ra cuộc sống mà run rủi cùng tha nhân, dẫu tình cờ thoáng qua “Bỏ phố em đi nhớ thương gói lại/ Để lòng ta khắc khoải gốc si già”, dẫu ngậm ngùi vô cớ “Bởi chưng tơ nhện buộc nhau/ Tuột tay bát vỡ làm đau mảnh sành” và dẫu hạnh ngộ mong manh “Mọi cơn bão lòng từ phía em thổi tới/ Dội vào chiều làm nghiêng lệch đời nhau”.
Sự nhạy cảm đích thực của một người thao thức sáng tạo, dường như không cho phép lão thi sĩ Trần Duy Hiển bất kỳ một phút giây thờ ơ nào. Những cảnh vật bề bộn cứ bám lấy ông, giục ông bâng khuâng cả điều tầm thường “Chân ta vấp ngọn nắng chiều trên cỏ/ Sỏi đá trơ gan cũng động lòng” lẫn điều oai nghiêm “Đến với tháp thả hồn về quá khứ/ Dấu chân xưa mờ tỏ để ta say”. Và đặc biệt hơn, ông biết dùng cái nhìn tinh nghịch để xoa dịu ngổn ngang nghịch lý ếch ngồi đáy giếng “Vòm trời chỉ bằng vành nón/ Nhìn lên chẳng thấy thánh hiền” và an ủi bản thân giăng mắc tơ vương “Phố núi chênh chao màu trăng vỡ/ Sao chẳng đồng bằng để lòng khỏi nhấp nhô”.
Lão thi sĩ Trần Duy Hiển luôn dùng tư duy động để quan sát và chiêm nghiệm. Sự liên tưởng tích cực giúp thơ ông dịch chuyển liên tục, nối gần với xa, nối thực với ảo. Ông chấp nhận “Thương nhớ ướt cả sang tôi/ Một chiều nông nổi rối bời cơn mưa” và ông xót xa “Tối ngày cầm gió trên tay/ Vẫn không giữ nổi mây bay ngang trời/ Cao xanh có được mấy người/ Nhúng chàm không ít mây trôi dưới bèo”.
Trải nghiệm bao nhiêu năm tháng thăng trầm, đủ để lão thi sĩ Trần Duy Hiển chắt chiu và gói ghém thành một không gian bái vọng “Ai cũng có ngày xưa”. Ở tuổi bát thập, ông cảm nhận sự thật mỏi mòn “Tiếng chiều vỡ hoàng hôn như nát vụn/ Đám đông ồn ào những vết chân quen/ Họ lao xao như ông vỡ tổ/ Ta lẻ loi như vệt nắng bỏ quên” và thấu hiểu gắng gượng níu kéo “Mình ta bến đợi/ Chai không nghiêng hoài”. Vì vậy, một “vệt nắng bỏ quên” đã thức dậy những câu thơ trìu mến, để ông ung dung trong miền bịn rịn khôn nguôi: “Lời vàng trót đã đánh rơi/ Bỗng dưng sáo hót rối bời cơn mưa/ Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa/ Hóa thành mây trắng lỡ mùa bay ngang”.