Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Mai Chi - Thứ Năm, 24/10/2024 , 09:37 (GMT+7)

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

- Xin chào nhà văn Yên Ba!

Ông là nhà văn, nhà báo, đồng thời là nhà biên khảo của cuốn sách nổi tiếng “Răng Sư tử”. Được biết, chuyên đề "Viết & Đọc" - một ấn phẩm khá 'hót' của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, đã ra đời được 6 năm. Với vai trò là người tập hợp và biên soạn ấn phẩm, xin được hỏi nhà văn Yên Ba, số chuyên đề Mùa thu 2024 lần này có gì khác so với những chuyên đề mùa trước?

Nhà văn Yên Ba tại buổi trò chuyện.

Nhà văn Yên Ba: Mỗi số "Viết & Đọc" khi ra mắt thì đều khác những số trước đó. Số Mùa thu này có dung lượng khoảng 400 trang, hơi dày hơn so với những số trước do nội dung cần truyền tải phong phú hơn. Sự khác biệt là điều đương nhiên giữa các số, nhưng phần đặc biệt nổi trội nhất là về sự kiện cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu cử Tổng thống vào ngày 05/11 này.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao "Viết & Đọc" - một chuyên đề văn chương lại quan tâm đến một sự kiện nước ngoài? Câu trả lời cũng rất đơn giản, Mỹ là một siêu cường trên thế giới và Tổng thống Mỹ là người có thể đưa ra những quyết định không chỉ liên quan đến nước Mỹ mà còn ảnh hưởng đến chính sách của các quốc gia toàn thế giới. Trong một thế giới liên thông như hiện nay, như một chính trị gia người Mỹ cho rằng “thế giới càng trở nên phẳng”, thì không một quốc gia nào có thể trở nên phồn thịnh và phát triển một các biệt lập. 

Tôn chỉ của "Viết & Đọc" là viết về tất cả các lĩnh vực đời sống con người - do đó cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới đây cũng nằm trong phạm vi quan tâm của đông đảo độc giả Việt Nam và chúng tôi có trách nhiệm truyền tải. Tuy nhiên, cách truyền tải của "Viết & Đọc" có phần đặc biệt so với các tờ báo, tạp chí khi chọn tiếp cận theo góc độ văn chương qua góc nhìn của ba nhà văn khác nhau.

Thứ nhất là Phan Tường Đan (bút danh của tôi) qua góc nhìn tổng quan của một người trong nước nhìn cuộc bầu cử Tổng thống ở nước Mỹ. Thứ hai là anh Nguyễn Quang Thiều - Chủ biên của chuyên đề "Viết & Đọc" sau chuyến đi Mỹ đúng vào thời điểm vừa qua và có cơ hội may mắn tiếp xúc cùng các nhà văn, nhà thơ nổi danh của nước Mỹ để hỏi về suy nghĩ của họ về cuộc bầu cử lần này. Người thứ ba là nhà văn Phan Triều Hải hiện đang định cư tại Mỹ với những trang văn duyên dáng dưới góc nhìn của một người Việt đang sinh sống tại quốc gia này.

- Trong số chuyên đề này, ông có thể cho biết những tác giả nào đã gắn bó lâu dài với "Viết & Đọc", và có cái tên nào mới xuất hiện lần đầu hay không? 

Nhà văn Yên Ba: Rất nhiều những tác giả gắn bó với "Viết & Đọc" trong suốt sáu năm qua như anh Nguyễn Quang Thiều - trước đây là Giám đốc, Tổng biên tập của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, anh Đào Bá Đoàn - Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập của Nhà xuất bản hiện nay, những cây bút có thâm niên và lừng lẫy trong làng văn như Thanh Thảo, Bảo Ninh...

Ở phần tác giả trẻ cũng có nhiều gương mặt mới chập chững bước vào làng văn hoặc có thể trẻ về tuổi đời và tuổi nghề như tác giả Quỳnh Anh.

- Trong quá trình tham gia chọn lọc và biên tập "Viết & Đọc" chuyên đề Mùa thu 2024, ông có gặp phải khó khăn gì không? Hay có những kỉ niệm, những câu chuyện thú vị ngoài lề không?

Nhà văn Yên Ba: Khó khăn lớn nhất của tôi với tư cách là người tập hợp và biên soạn "Viết & Đọc" là có quá nhiều tác phẩm cần phải lựa chọn cho phù hợp với dung lượng 400 trang - được coi là khá dày với một chuyên đề. Ngay trong số mùa thu 2024 này, tôi đã phải “cắn răng” để lại hai tác phẩm rất hay của báo chí. 

Còn về điểm đáng nhớ, là chúng tôi quyết định làm phần "7 ngôi sao của Tự Lực văn đoàn" ở phần cuối của chuyên đề. Tuy nhiên, Tự Lực văn đoàn đã rời khỏi chúng ta trên dưới 60 - 70 chục năm rồi. Thế nên chúng tôi đã quyết định tìm về cái nôi phát tích ra trào lưu Tự Lực văn đoàn. Những con người chủ lực trong Tự Lực văn đoàn như anh em họ Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam; các nhà văn, nhà thơ như Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu,... và những người yêu mến, hợp tác với Tự Lực văn đoàn đã tụ về ngôi nhà của anh em Nguyễn Tường cách ga Cẩm Giàng, Hải Dương độ 200 mét. 

Chúng tôi bao gồm chị Nguyễn Thúy Hằng - Giám đốc Nhà xuất bản, họa sĩ Đào Hải Phong, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long và tôi đã về tận nơi, ngôi nhà mà khi xưa đã từng in dấu của những thành viên cốt cán của Tự Lực văn đoàn.

Khi nhìn những dấu vết thời gian của ngôi nhà đã gợi cho chúng tôi những cảm xúc khó tả, niềm hoài nhớ về những giá trị văn chương đã từng hiện diện ở những năm 30 - 40 của thế kỷ trước. Chuyến đi về Cẩm Giàng để làm tư liệu ảnh và bài cho Tự Lực văn đoàn mà như Hoài Thanh nói “đã tạo nên một thời đại mới trong thơ ca” - làm kỉ niệm rất đáng nhớ khi chúng tôi thực hiện số chuyên đề mùa thu lần này. 

Trên tay ấn phẩm “Viết & Đọc” Mùa thu năm 2024.

- Sách chuyên đề "Viết & Đọc" là ấn phẩm không tái bản của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Vậy xin hỏi ông lý do là gì? Liệu điều này có làm cản trở bạn đọc biết đến cuốn sách nhiều hơn hay chính là yếu tố giúp chuyên đề được săn đón bởi những độc giả thực sự yêu thích chuyên đề?

Nhà văn Yên Ba:  Do đặc thù của một tập chuyên đề văn chương nhưng cũng mang tính chất báo chí định kỳ hằng năm 4 số theo mùa nên các số "Viết & Đọc" sẽ không được tái bản. Thị trường xuất bản hiện nay, thành thực mà nói là vô cùng khó khăn để một tờ chuyên đề có thể tồn tại được. Chúng tôi cũng rất cảm động và vinh hạnh khi nhận được sự đón nhận rất nồng nhiệt của bạn đọc, thậm chí có những bạn tìm kiếm những số trước đây. Mong rằng những độc giả yêu mến chuyên đề có thể tìm mua và thêm "Viết & Đọc" Mùa thu 2024 vào bộ sưu tập của mình như một cách lưu giữ dấu vết về một thời kỳ văn chương của đất nước.

- Nhà văn Yên Ba có thể tiết lộ về những dự định trong tương lai cho chuyên đề "Viết & Đọc", hay sắp tới đây là chuyên đề Mùa đông 2024 - liệu sẽ có những điều đặc sắc gì trong những trang văn đang chờ đợi được bạn đọc khám phá? 

Nhà văn Yên Ba: Chúng tôi chỉ biết tiếp tục làm hết sức mình cho mỗi số "Viết & Đọc" để mang đến cho bạn đọc những điều mới lạ. Số Mùa đông sắp tới đây và cả những số sau này vẫn sẽ đi theo tôn chỉ phục vụ bạn đọc, giúp họ tận hưởng vẻ đẹp văn chương đồng thời cung cấp hiểu biết về đời sống của các nhà văn, những tác phẩm cũ và mới,... và cố gắng ở mức cao nhất tạo ra những ấn phẩm tinh tế, trang nhã và hấp dẫn.

- Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của nhà văn Yên Ba!

Mai Chi (Thực hiện)
Tin khác
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.