Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

GS.TS Nguyễn Văn Tuất - Thứ Bảy, 26/10/2024 , 15:17 (GMT+7)

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

GS.TS Đường Hồng Dật qua đời ở tuổi 96. 

GS.TS Đường Hồng Dật sinh năm 1929 tại Hà Tĩnh. Giáo sư là một trong những thanh niên ưu tú đã được Nhà nước lựa chọn gửi sang Liên Xô để theo học một số ngành khoa học quan trọng, trong đó có ngành Bảo vệ thực vật ngay từ năm 1954 với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc.

Giáo sư Đường Hồng Dật là một cây đa cây đề trong lĩnh vực học thuật của nước nhà, kể từ năm 1945 đến giờ, ông có rất nhiều hoạt động, chúng tôi cũng chưa xứng đáng nghiên cứu về ông. Tên tuổi của ông được lưu lại tại Bảo tàng di sản các Nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM).

Trong bài viết của tác giả Tâm Loan (2014) thuộc Trung tâm di sản các Nhà khoa học Việt Nam, tựa đề “Gian nan đường học của GS Đường Hồng Dật”, có đoạn viết: Ở độ tuổi bát thập, có lẽ ít ai giữ được phong thái đĩnh đạc, sự minh mẫn cũng như niềm đam mê hết lòng vì công việc như GS.TS Đường Hồng Dật. Những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của mình luôn được ông ghi nhớ trong tiềm thức. Quãng thời gian học phổ thông là trải nghiệm mà cho tới tận bây giờ ông vẫn còn nhớ nhiều địa danh, con số.

Lần đầu cắp sách đến trường sau ba năm diễn ra Phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1932), dù sự nghèo đói, khó khăn bao trùm lên cuộc sống gia đình nhưng trong lòng cậu học trò nghèo Đường Hồng Dật vẫn tươi vui phơi phới. Ngôi trường nơi Đường Hồng Dật học, chỉ là hai gian phòng khá rộng được xây gạch, mái lợp tranh.

GS tham các hoạt động tích cực như tham gia cảm tử quân, sau đó vào đội tuyên truyền xung phong của huyện Kỳ Anh. Do hoạt động tích cực, ông trúng cử Huyện ủy viên huyện Kỳ Anh (tháng 12/1948). Sau ông được tham gia học trường Thiếu sinh quân Liên khu IV dạy văn hóa. Tại đây, ông làm Đại đội trưởng Thiếu sinh quân Liên khu IV đến tháng 2/1951 và học xong chương trình cấp 3 ở đó. Ông Đường Hồng Dật được tham gia lớp chỉnh huấn tại Việt Bắc của Bộ Giáo dục do ông Lê Văn Giạng làm Hiệu trưởng. Sau khóa học chỉnh huấn, ông là một trong 50 cán bộ được nhà nước cử sang Liên Xô học tập. Từ đây, chặng đường học tập của ông lại bước sang một trang mới, nhưng những năm tháng khó khăn thời học phổ thông là những bài học quý giá cho việc tự học và tìm cách sáng tạo trong học tập và những điểm tựa không thể thiếu cho những đóng góp của ông với ngành Nông nghiệp sau này.

Những mốc son chói lọi của Giáo sư như sau:

- 1945 - 1948: Tham gia cách mạng tại địa phương và được kết nạp Đảng Cộng sản (1947).

- 1954 - 1958: Sinh viên trường Đại học Tatsken, Liên Xô.

- 1958 - 1968: Cán bộ nghiên cứu Viện Khảo cứu trồng trọt, Bộ Nông nghiệp.

- 1968 - 1971: Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

- 1971 - 1978: Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật.

- 1978 - 1982: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Được phong hàm Phó Giáo sư năm 1980.

- 1982 - 1990: Tổng Biên tập báo Nông nghiệp; Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học kỹ thuật nông nghiệp; Tổng Biên tập báo Khoa học và Đời sống; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Phong hàm Giáo sư năm 1984. Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước từ tháng 12/1982 đến tháng 8/1987.

1993: Nghỉ hưu. Tham gia hoạt động khoa học: Viện trưởng Viện Hợp tác khoa học kỹ thuật Châu Á – Thái Bình Dương; Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam; Giám đốc Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ nông nghiệp và nông thôn; Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm phát triển tài năng trẻ.

Giáo sư Đường Hồng Dật là người đưa ra ý tưởng rất sớm về tổng hợp bảo vệ cây. Tổng hợp bảo vệ cây đòi hỏi cách nhìn vấn đề một cách tổng hợp đúng với bản chất tự nhiên của nó. Tách riêng từng bộ phận ra, thí dụ tách riêng loài sâu bệnh gây hại, tách riêng từng phương pháp BVTV, tách riêng cây trồng ra khỏi hệ sinh thái nông nghiệp... để tìm hiểu, nghiên cứu và xử lý đều khó mà đảm bảo được thành công như mong muốn.

Giáo sư Đường Hồng Dật bên cạnh những cuốn sách của ông. 

Tổng hợp bảo vệ cây chuyển hướng hoạt động BVTV sang quản lý, điều khiển các quá trình vận động, các mối quan hệ trong hệ sinh thái nông nghiệp, dẫn đến việc tạo ra năng suất kinh tế cao của cây trồng. Trước hết là quản lý quá trình phát sinh, diễn biến của sâu bệnh. Quản lý chứ không phải là tiêu diệt. Quản lý thời điểm xuất hiện, quản lý quá trình sinh sản nhân lên của sâu bệnh, giữ cho mật độ của chúng luôn ở dưới ngưỡng kinh tế. Khi mật độ sâu bệnh vượt quá ngưỡng kinh tế, do các biện pháp quản lý chúng ở thời gian trước đó kém hiệu quả, có thể dùng các biện pháp diệt trừ, nhưng không đặt mục tiêu là diệt trừ triệt để, mà chỉ đưa mật độ của chúng giảm xuống thấp hơn ngưõng kinh tế, giữ cho sâu bệnh thực hiện vai trò của chúng trong quá trình chu chuyển vật chất, đảm bảo cân bằng sinh học trong hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, tổng hợp bảo vệ cây áp dụng các biện pháp quản lý quá trình tạo ra mùa màng (tức là năng suất kinh tế của cây). Trong các biện pháp quản lý này có bao gồm cả biện pháp phục hồi những phần mất mát mùa màng do sâu bệnh gây ra cho cây. Tổng hợp bảo vệ cây còn áp dụng các biện pháp quản lý diễn biến các yếu tố môi trường, làm cho các yếu tố này trở nên không thuận lợi cho sâu bệnh, mà lại thuận lợi cho quá trình gìn giữ năng suất cây trồng. Trong việc quản lý các yếu tố môi trường, đặc biệt quan trọng là quản lý các yếu tố khí hậu, đất đai, nước và phân bón. Đối với các yếu tố đại khí hậu, tiểu khí hậu con người khó có thể làm thay đổi. Nhưng với các yếu tố vi khí hậu trong ruộng, trong vườn cây, có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để làm thay đổi.

Tổng hợp bảo vệ cây hướng vào việc sử dụng các phương pháp BVTV khác nhau một cách tổng hợp. Sử dụng tổng hợp các phương pháp hoàn toàn không có nghĩa là đem tất cả mọi phương pháp BVTV ra dùng cùng một lúc, cũng không phải gộp nhiều biện pháp BVTV khác nhau đem dùng vào cùng một nơi, tác động lên cùng một đối tượng gây hại. Tổng hợp bảo vệ cây là sử dụng các biện pháp BVTV theo tinh thần tổng hợp, trên cơ sở khoa học, hợp lý. Trong tinh thần này, mọi ưu điểm của từng phương pháp như giống chống chịu, kỹ thuật canh tác, sinh học, hóa học... đều được phát huy đến mức cao, mọi khuyết điểm của từng biện pháp được khắc phục.

Tổng hợp bảo vệ cây hướng các hoạt động BVTV không chỉ vào việc ngăn ngừa, loại trừ tác hại của sâu bệnh mà còn đảm bảo cho cây trồng tạo ra năng suất cao, chất lượng tốt, thực hiện, thực hành nông nghiệp tốt GAP, bảo vệ sức khỏe người lao động, sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Trong trường hợp này BVTV là một bộ phận quan trọng của phát triển nông nghiệp bền vững.

Cách tiếp cận này đã giúp cho ngành BVTV phòng chống được nhiều loại dịch hại trong điều kiện thiếu thốn về vật tư, trang thiết bị, kiến thức. Điển hình là trên cương vị Phó Cục trưởng Cục BVTV, GS Dật đã giúp Cục huy động toàn ngành BVTV tim ra các biện pháp để hạn chế và dập tắt bệnh lúa vàng lụi trên các vùng trồng lúa ở miền Bắc và các đối tượng sinh vật gây hại khác.

Khi hay tin GS qua đời, nhớ lại những kỷ niệm của thời sinh viên, TS Bùi Văn Kịp - Giám đốc kỹ thuật Công ty Bayer chia sẻ: “Năm 1978, trường Đại học Nông nghiệp 4 Thủ Đức mời GS Đường Hồng Dật dạy lớp tôi năm thứ tư môn Biện pháp tổng hợp bảo vệ cây trồng, nay là IPM. Sau 45 năm, các nguyên tắc quản lý tổng hợp mà thầy đã dạy vẫn còn nguyên giá trị. Thầy có phương pháp truyền đạt hay và hấp dẫn sinh viên và cũng nhờ ơn thầy mà tôi có được như hôm nay”.

Giáo sư Nguyễn Viết Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) khi nghe tin GS Đường Hồng Dật mất, đã viết: “Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam”.

Và rất nhiều tâm tư của học trò, đồng nghiệp của thầy khi nghe tin thầy qua đời, một người thầy đã "trồng" lên một lớp trí thức cốt lõi cho ngành Bảo vệ thực vật Việt Nam, đặc biệt ở những năm khó khăn của đất nước.

GS Đường Hồng Dật đã có một cuộc đời và một sự nghiệp học thuật, nghiên cứu khoa học thật đáng ngưỡng mộ. Thầy không chỉ là một nhà khoa học, nhà quản lý mà còn là một tấm gương sáng về lòng kiên trì, đam mê và trách nhiệm.

GS Dật là người dẫn đường, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ các nhà khoa học, sinh viên trong việc theo đuổi ước mơ và cống hiến cho sự nghiệp khoa học nông nghiệp. GS còn là hình mẫu về sự tận tụy, yêu nghề sâu sắc.

Ở các cơ quan mà GS đã công tác, GS mãi là tấm gương sáng để các nhà khoa học bảo vệ thực vật, các cán bộ nông nghiệp tiếp tục học hỏi, noi theo, phấn đấu, vươn lên và phát triển trong tương lai. Di sản của ông sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và hướng dẫn cho thế hệ tương lai, góp phần xây dựng một ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hiện đại.

Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam vô cùng thương tiếc GS Đường Hồng Dật và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia quyến của Giáo sư! Cầu mong hương hồn Giáo sư sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng!

GS.TS Nguyễn Văn Tuất Chủ tịch Hội KHKT BVTV Việt Nam
Tin khác
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.