| Hotline: 0983.970.780

Linh hoạt 'bơm' vốn cho doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản

Thứ Tư 27/09/2023 , 09:02 (GMT+7)

ĐBSCL Một loạt chỉ đạo nóng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải quyết tình trạng thiếu vốn cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản ở ĐBSCL.

Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm, thủy sản, triển khai chậm, chỉ mới đạt hơn 30%, tương đương khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Kim Anh.

Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm, thủy sản, triển khai chậm, chỉ mới đạt hơn 30%, tương đương khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Kim Anh.

Với gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm, thủy sản, ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau) đánh giá hiện đang triển khai chậm, chỉ mới đạt hơn 30%, tương đương khoảng 5 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Hiển cho rằng, việc các ngân hàng thiếu linh hoạt, không kịp thời cấp hạn mức tín dụng cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khi thu mua tôm nguyên liệu. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến hiện tượng người nuôi bị thương lái ép giá, còn doanh nghiệp phải mua tôm với giá cao.

"Ngân hàng cần linh hoạt cấp hạn mức tùy theo thời điểm, tránh khi doanh nghiệp cần thì không vay được, khi muốn cho vay thì doanh nghiệp lại không cần nữa", ông Hiển nhấn mạnh.

Với ngành lúa gạo, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng được chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm, với năng lực sản xuất khoảng 2 triệu tấn gạo/năm. Hoạt động xuyên suốt, buộc chi phí đầu tư vốn cho sản xuất rất cao.

Tính riêng trong năm 2023, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp này khoảng 8 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2024, doanh nghiệp này có kế hoạch bao tiêu khoảng 4 triệu tấn lúa ở ĐBSCL, tổng nhu cầu vốn cũng lên đến khoảng 32 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Lộc Trời, nguồn vốn của doanh nghiệp chỉ đáp ứng khoảng 10% tổng nhu cầu đầu tư cho toàn thị trường lúa gạo ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Lộc Trời, nguồn vốn của doanh nghiệp chỉ đáp ứng khoảng 10% tổng nhu cầu đầu tư cho toàn thị trường lúa gạo ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Lộc Trời, hiện nguồn vốn của doanh nghiệp chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% tổng nhu cầu đầu tư cho toàn thị trường lúa gạo ở ĐBSCL, một con số khá khiêm tốn.

Mong muốn được "bơm vốn" từ các tổ chức tín dụng, ông Nhiên đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn kéo dài thời hạn cho vay. Bởi theo hạn mức 6 tháng như hiện tại, không đủ để dòng vốn quay lại.

Về dài hạn, đại diện Tập đoàn Lộc Trời đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức vay để doanh nghiệp đủ vốn đầu tư cho nông dân tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Đồng thời, có cơ chế để cho nông dân được vay vốn khi tham gia liên kết với doanh nghiệp.

Trước khó khăn của doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, cơ chế chính sách cho lĩnh vực lúa gạo, thủy sản ở ĐBSCL không phải là vấn đề lớn. Vốn ngân hàng hiện không thiếu. Ngân hàng Nhà nước sẽ không để các doanh nghiệp thiếu vốn. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tranh thủ được lợi ích tối đa trong điều kiện xuất khẩu lúa gạo thuận lợi cũng như giải quyết khó khăn cho lĩnh vực thủy sản trước tình trạng tồn kho, thiếu các đơn hàng.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc, linh hoạt trong hoạt động cho vay vốn, gắn với mùa vụ sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc, linh hoạt trong hoạt động cho vay vốn, gắn với mùa vụ sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

"Phải nói thẳng là về vốn ngân hàng đang thừa tiền. Nhưng chữa bệnh thiếu tiền cũng khó, chữa bệnh thừa tiền khó hơn. Nói cách khác, doanh nghiệp tồn kho hàng hóa, ngân hàng tồn kho tiền. Đây là thực trạng ảnh hưởng đến vấn đề nền kinh tế và doanh nghiệp. Làm sao để đẩy mạnh tín dụng này ra, tăng cường tín dụng hơn nữa đó là điều Ngân hàng Nhà nước quan tâm", ông Tú khẳng định.

Theo ông Tú, tình trạng doanh nghiệp tồn kho hàng, ngân hàng tồn kho tiền. Trong khi đó, doanh nghiệp cần vay vốn, ngân hàng lại không cho vay được. Điều này làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nguồn lực đầu tư phát triển và mục tiêu tăng trưởng của năm.

Do đó, ông Tú yêu cầu Ngân hàng Nhà nước các địa phương chỉ đạo ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động tín dụng nghiêm túc, linh hoạt, gắn với mùa vụ, tạo điều kiện cho khách hàng.

"Buôn có bạn, bán có phường" phải hỗ trợ doanh nghiệp lúc này, nếu chỉ lo lợi nhuận sẽ không thể giữ được doanh nghiệp.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao quyền rất rộng cho các tổ chức tín dụng. Quy định thế chấp tài sản, không quy định bắt buộc, hoàn toàn do đánh giá về độ tín nhiệm của ngân hàng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn vay phải trả, không có nợ xấu, thậm chí là "chung thủy" với một ngân hàng.

Các ngân hàng tham gia vào gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm, thủy sản phải chủ động cho vay, thực hiện đúng cam kết hạ lãi suất. Đồng thời tiếp tục hạ lãi suất khoản vay mới, khoản vay cũ xem xét đánh giá giảm cho khách hàng.

Về phía doanh nghiệp, ông Tú cho rằng, chính khó khăn này là điều kiện để doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, thị trường. Vốn ngân hàng chỉ là hỗ trợ, doanh nghiệp phải tăng cường nguồn lực trong bối cảnh hiện nay.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.