UBND TP.HCM chính thức đề nghị Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Sở Tư pháp TP.HCM cùng các cơ quan liên quan chủ động bố trí địa điểm tiếp dân rộng rãi, thông thoáng để cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng, tìm hiểu nguyện vọng từng trường hợp khách hàng để hỗ trợ, đối thoại, không né tránh.
Đó là động thái kịp thời và cần thiết để sớm đưa SBC thực sự trở lại hoạt động ổn định. Sau khi nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan bị bắt, SCB đã được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặt biệt. Thế nhưng, hơn 40 ngàn khách hàng vẫn hoang mang về số phận trái phiếu doanh nghiệp đã được giao dịch thông qua SCB, nên đã xảy ra cảnh tụ tập đông đúc ở các chi nhánh SBC để thăm dò hư thực và bày tỏ tâm tư.
Trước và sau khi UBND TP.HCM bày tỏ tinh thần thiện chí, SCB đã có 2 thư ngỏ khác nhau gửi khách hàng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Thư ngỏ thứ nhất, SCB khẳng định chỉ thực hiện việc giới thiệu khách hàng cho các công ty chứng khoán và không ký kết hợp đồng hay thỏa thuận nào với khách hàng liên quan đến việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Còn thư ngỏ thứ hai, SCB chia sẻ vẫn đang làm việc với Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt, Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề trên cơ sở thượng tôn pháp luật và bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang nằm trong sự lo lắng như một “quả bom” tài chính có ảnh hưởng đến túi tiền và sinh kế của người dân. Rõ ràng, đã có sự bất cập trong việc quản lý và giám sát trái phiếu doanh nghiệp, từ khả năng thanh toán các khoản trả lãi định kỳ đến khả năng thanh khoản vay nợ đáo hạn.
SCB nói riêng và ngân hàng nói chung có phải hoàn toàn vô can với thị trường trái phiếu không? Chính các ngân hàng cho rằng việc giới thiệu trái phiếu doanh nghiệp cũng nhằm “đa dạng danh mục các sản phẩm”. Thậm chí, những giao dịch viên ngân hàng còn khéo léo tư vấn, dẫn dụ khách hàng rằng trái phiếu doanh nghiệp là một kiểu “tiết kiệm linh hoạt”.
Ngân hàng giới thiệu trái phiếu doanh nghiệp một cách vô tư chăng? Nếu không thu hoạch được điều gì từ việc giới thiệu trái phiếu doanh nghiệp thì tại sao ngân hàng lại cho phép nhân viên của mình làm không công cho đơn vị khác? Ngân hàng không thể tỏ ra ngây thơ không hề có lỗi lầm gì. Bởi lẽ, với uy tín của tổ chức tín dụng, ngân hàng khi giới thiệu trái phiếu doanh nghiệp thì phải nhắc nhở khách hàng về thứ quan trọng nhất để giao dịch giữa các bên là tài sản đảm bảo.
Đối diện nhiều áp lực, một số công ty bất động sản từng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã chấp nhận mua lại trước hạn. Ví dụ, Tập đoàn Sunshine Homes vừa mua lại toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp trị giá 500 tỷ đồng đang lưu hành trên thị trường để cứu vãn lòng tin của khách hàng. Ngân hàng phải chung tay giải quyết hệ lụy đã “trót” giới thiệu, vì trái phiếu doanh nghiệp cũng là nguồn lực xã hội có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế đất nước.
LTN