Các chiến sĩ trên tàu HQ-604 bị hải quân Trung Quốc bắn chìm ngày 14/3/1988 được đồng đội ứng cứu (Ảnh của đại tá Trần Minh Cảnh - Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 hải quân vào 1988) |
“Lúc ấy, cảm xúc trong chúng tôi là phẫn uất, căm thù. Đồng đội của chúng tôi ngã xuống trước họng súng quân xâm lược, máu của họ đã đổ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, đại tá Phạm Tân, Thuyền trưởng tàu ngầm Hải đội 182, kể với phóng viên NNVN, chiều 12/3.
Khi đó, hải đội tàu ngầm 182 đã giải thể dù được kỳ vọng nhiều. Sau ngày giải thể, ông Tân được điều về làm sĩ quan Trợ lý, thuộc Phòng Tác chiến, quân chủng Hải quân. Ông là người có mặt tại Sở chỉ huy tiền phương trong sự kiện Gạc Ma 1988. Nhớ lại tháng ngày lịch sử cách đây 30 năm, vị Thuyền trưởng không giấu nổi cảm xúc. Đôi khi, mắt ông ngân ngấn lệ.
Đại tá Tân cho biết từ tháng 12/1987, Bộ Quốc phòng và quân chủng Hải quân đã nắm được thông tin Trung Quốc lăm le chiếm đóng trái phép các đảo, đá, bãi ngầm thuộc Trường Sa của Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc chiếm đóng trái phép đá Chữ Thập, Trường Sa. Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền 1988) để bảo vệ hải đảo.
Đứng đầu Hải quân nhân dân Việt Nam ngày đó, Tư lệnh Giáp Văn Cương, ngay lập tức có hội ý với các sĩ quan, chỉ đạo: “Trung Quốc có thể liều lĩnh chiếm đảo. Lệnh cho lực lượng hải quân sẵn sàng, cảnh giác. Tàu có thể phải ủi bãi khi cần thiết, bằng mọi giá bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”.
Tháng 1/1988, tin từ tiền phương báo về, khi thấy bộ đội Việt Nam cắm cờ thể hiện chủ quyền trên các đảo, đá, bãi ngầm, Trung Quốc đã cho tàu rút lui. Trước đó, tàu Trung Quốc có nhiều hoạt động khiêu khích, do thám.
Bản đồ khu vực đá Gạc Ma, nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1988 |
Bộ Tư lệnh Hải quân lúc đó cũng đã lập Sở chỉ huy tiền phương, đóng tại Cam Ranh, Khánh Hòa.
“Khi có nổ súng ở Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, anh em ngoài đó lập tức điện báo về Sở chỉ huy tiền phương. Không khí tại Sở chỉ huy căng như dây đàn. Ai nấy dù không nói ra, nhưng lòng căm thù thì hiển hiện rõ”, Đại tá Phạm Tân nhớ lại.
Cuộc họp khẩn cấp được triển khai, ngay sau khi có điện báo, Tư lệnh Giáp Văn Cương chỉ đạo: “Không để nổ ra chiến tranh”. Giải thích về điều này, Đại tá Tân nói Tư lệnh Cương nắm rõ việc Trung Quốc thời kỳ ấy chiếm ưu thế về hải quân so với Việt Nam, cho dù trong Sở chỉ huy tiền phương đã có ý kiến đưa tàu chiến của ta ra Trường Sa. “Tư lệnh Cương bảo còn người là còn đảo. Vì thế anh em đã rất quyết tâm đưa tàu ủi bãi dù bị hỏa lực địch tấn công dữ dội”.
Đồng đội của ông Tân, nhiều người khi đó đã phục viên, viết huyết thư xin quay lại quân ngũ. “Đau chứ. Uất chứ. Trung Quốc đã đánh lén Việt Nam”, Đại tá Tân nói, giọng nghẹn ngào.
“Việt Nam ra hiện trường chỉ để xây dựng và củng cố biển đảo. Chúng ta không hề vũ trang hay gây chiến với Trung Quốc nhưng họ lại chủ động đưa tàu chiến đến. Như vậy, chẳng khác gì người cầm vũ khí tấn công người tay không. Trong khi đó, nếu thực sự là một trận đánh, chưa chắc Trung Quốc có thể chiếm được Đá Gạc Ma vì chúng ta đã có sự chuẩn bị. Còn họ, là những kẻ hành động với tâm lý yếu thế của kẻ xâm lược”, Đại tá Tân phân tích.
Vị Thuyền trưởng nói nếu ngày đó Việt Nam có tàu ngầm, có thể Trung Quốc đã không dám công nhiên chà đạp luật pháp quốc tế, xả súng vào các chiến sĩ Việt Nam trong ngày 14/3/1988.
Đại tá Phạm Tân, Thuyền trưởng tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: Thanh Phong) |
Đại tá Tân từng nhiều lần ra Trường Sa công tác, ông nắm rõ các dòng hải lưu theo từng mùa ở vùng đảo xa xôi của Tổ quốc.
“Anh em ngày nay được trang bị hiện đại hơn chúng tôi ngày xưa. Điều kiện sinh hoạt cũng khá hơn nhiều. Cùng với đó là việc tăng cường thông tin trên các mặt trận, gồm cả ngoại giao, tôi tin rằng dù bất kỳ hoàn cảnh nào, anh em ngoài đảo cũng sẽ giữ vững chủ quyền đất nước”, Đại tá Tân nói.