Là một trong 9 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam may mắn còn sống sót trong sự kiện Gạc Ma, mãi đến nay, cựu binh Lê Minh Thoa còn nhớ như in diễn biến vụ việc đẫm máu đã cướp đi mạng sống của 64 đồng đội.
Ngã xuống dưới lá cờ Tổ quốc
Lê Minh Thoa sinh ra trên vùng đất bán sơn địa thuộc thôn Đại Chí, xã Tây An (huyện Tây Sơn, Bình Định), trong gia đình có truyền thống với quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Nhập ngũ tháng 2/1985, anh được đưa đi đào tạo chuyên ngành cơ điện tại Cát Lái.
9 cựu binh Việt Nam tại khu an dưỡng sau khi Trung Quốc trao trả |
9 tháng sau, Thoa được điều động về làm thợ máy phục vụ trên tàu HQ 602, Lữ đoàn vận tải 125 đóng ở Tân Cảng (TP HCM). Khi ấy, quần đảo Trường Sa cần xây dựng cơ bản để phục vụ những người lính bám biển giữ đảo, bảo vệ chủ quyền. Lữ đoàn vận tải 125 nhận nhiệm vụ vận chuyển vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm từ trong bờ ra cung ứng cho những người lính trên đảo Gạc Ma.
Ngày 11/3/1988, vừa ăn xong Tết Nguyên đán, Thoa được điều chuyển sang tàu HQ 604, thuộc Hải đội 1, Lữ đoàn 125, tăng cường vận tải cho đảo Trường Sa. Là lính hải quân, được nhận nhiệm vụ trên biển là cả niềm tự hào.
Chàng lính trẻ lòng đầy háo hức trong chuyến công tác đầu tiên. Chiều 13/3/1988, tàu HQ 604 đến đảo Gạc Ma. Khi ấy, tại quần đảo Trường Sa còn có tàu HQ 605 đậu ở đảo Len Đao cùng tàu HQ 505 trực chiến.
“Tàu vừa đến đảo Gạc Ma, vài chục phút sau chúng tôi thấy một tàu hộ vệ của hải quân Trung Quốc. Loa phóng thanh phát oang oang bằng giọng lơ lớ những câu cho rằng đảo Gạc Ma là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu chúng tôi phải rời đảo. Thế nhưng các chiến sĩ Việt Nam vẫn triển khai nhiệm vụ. 12 giờ đêm hôm ấy thủy triều xuống, chúng tôi đưa vật liệu xây dựng và lương thực lên đảo, đồng thời cắm cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma”, Thoa kể.
Nhìn thấy lá cờ Tổ quốc của Việt Nam tung bay trên đảo Gạc Ma, quân Trung Quốc triển khai tấn công. Lập tức, hàng chục chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng bao quanh lá cờ làm "tường người" bảo vệ. Do lính Trung Quốc quá đông, lại được trang bị hỏa lực mạnh, nên các chiến sĩ lần lượt gục ngã dưới lá cờ Tổ quốc.
“Khoảng 6 giờ sáng 14/3/1988, ba tàu chiến Trung Quốc đồng loạt nã pháo sang tàu các tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505 của Hải Quân Việt nam. Riêng tàu HQ 604 bị cháy ca bin ngay quả pháo đầu tiên, lập tức mất liên lạc. Trung Quốc nã pháo như mưa, chẳng mấy chốc hai tàu HQ 604 và HQ 605 bốc cháy và bị chìm”, Thoa ngậm ngùi nhớ lại.
Máu loang đỏ một vùng biển
Khi tàu HQ 604 vỡ rồi chìm, lúc ấy anh Thoa đang ở hầm máy, nhưng kịp ngoi lên thoát được ra ngoài. Toàn bộ nhu yếu phẩm trên tàu cũng đều trôi ra biển. Khi ấy Thoa vớ được 2 quả bí có cuống dài, một quả bí xanh, một quả bí đỏ. Nhờ hai quả bí ấy mà anh còn sống.
Cựu binh Lê Văn Thoa và bức ảnh lưu niệm cùng những đồng đội có mặt trong sự kiện Gạc Ma 1988 |
“Tôi nắm cuống hai quả bí cố gắng bơi. Khi ấy tôi thấy lính mình còn sống rất nhiều, tay bấu vào những chiếc can nhựa đựng nước ngọt, cố vật lộn với sóng biển kiếm đường sống như tôi. Nhưng khốn nỗi quân Trung Quốc không buông tha, chúng triển khai 3 chiếc xuống máy, mỗi xuồng có ba lính Trung Quốc, một cầm lái, hai người còn lại lăm lăm súng AK quan sát chung quanh, thấy lính mình bơi trên biển là xả đạn rào rào. Máu loang đỏ cả một vùng biển”, Thoa kể.
Mỗi khi xuồng máy Trung Quốc chạy đến gần, Thoa lặn sâu xuống biển nên không bị bắn. Trôi dạt tự do đến 5 giờ chiều cùng ngày, Thoa tưởng mình đã cận kề cái chết, Bỗng anh thấy một chiếc tàu từ hướng Phillipine chạy tới. Thoa tưởng mình được cứu, nào ngờ khi tàu lại gần, nhìn thấy chữ Trung Quốc in trên mạn tàu, anh nhắm mắt lại và nghĩ đến cái chết.
Chiếc tàu kia thả xuồng máy cùng ba lính Trung Quốc đi về hướng anh đang trôi dạt. Xuồng máy chạy loanh quanh, không dám đến gần. “Thấy tôi ôm 2 quả bí tròn, chắc chúng nghĩ tôi đang ôm bom nên không dám lại gần mà từ xa ra dấu bảo tôi đầu hàng. Tôi nghĩ có đầu hàng cũng chết, nên cứ nhắm mắt không giơ tay lên. Chúng mới bắn dọa, đạn bay vèo vèo trên đầu tôi. Sau khi quan sát bằng ống nhòm, phát hiện tôi ôm quả bí, chúng mới dám chạy xuồng lại gần rồi dùng cây sào có móc kéo tôi đưa lên xuồng”, Thoa kể thêm.
Thoa bị bịt mắt bằng vải đen, đưa về tàu lớn. Đặt chân lên boong tàu, dù thương tích đầy người nhưng Thoa vẫn bị lính Trung Quốc đánh tối tăm mặt mũi. Tỉnh dậy, Thoa phát hiện bị gãy 3 cái răng, miệng ứ máu. Nhìn quanh, anh thấy 8 đồng đội của mình đã bị bắt trước đó, ai cũng bị trói chân tay, mình đầy vết thương.
“Sau hai ngày một đêm, tàu đưa chúng tôi về đảo Hải Nam. Lúc ấy, chúng tôi không được cho ăn uống, ai cũng lả người. Về đến đảo Hải Nam, chúng tôi tiếp tục chờ chiếc tàu khác đến đưa về trại giam. Nắng tháng 3 gay gắt mà lính Trung Quốc trói chúng tôi, bắt đứng chân trần trên boong tàu bằng sắt hơn một tiếng đồng hồ. Boong tàu nung bàn chân chúng tôi bỏng đến chín thịt. Sau đó chúng tôi được đưa về trại giam trên bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông”, cựu binh Gạc Ma Lê Văn Thoa kể.
Thuở sinh thời, Đại tá Lê Xuân Diệu (ảnh) ở Bình Định, nguyên Trưởng phòng chính sách quân chủng Hải quân Việt Nam, cho PV NNVN biết: "Thời điểm ấy, do chỉ có chủ trương xây dựng nên hải quân chỉ đưa ra Trường Sa toàn lính công binh. Vì thế, khi bị phía Trung Quốc tấn công với hỏa lực mạnh, lính của ta trở tay không kịp nên tổn thất lớn. Đã có 64 chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại ngoài đảo Gạc Ma. Riêng 9 chiến sĩ còn sống sót bị Trung Quốc bắt giữ, ở nhà đã làm lễ truy điệu, phong liệt sĩ, đến năm thứ 3 mới có thông tin họ còn sống”. |