| Hotline: 0983.970.780

Lo 'hà bá' nuốt đất đai, hoa màu

Thứ Tư 31/03/2021 , 08:51 (GMT+7)

Mỗi mùa mưa lũ về, nhiều hộ dân ở Quảng Nam lại đối mặt với nỗi lo sạt lở. Đến nay, đã có hàng chục ha đất nông nghiệp bị 'nuốt chửng'.

Sạt lở ngày càng lấn sâu vào đất canh tác hoa màu của người dân xã Điện Hồng (TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Sạt lở ngày càng lấn sâu vào đất canh tác hoa màu của người dân xã Điện Hồng (TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Theo người dân thôn Lạc Thành Đông (xã Điện Hồng, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) sống dọc sông Bình Phước, những năm trước đây, bãi đất ven bờ sông này có diện tích rất rộng lớn. Ngoài là nơi ở của nhiều hộ dân trong thôn thì còn là khu vực sản xuất nông nghiệp của bà con với diện tích lên đến vài chục ha. Thế nhưng, diện tích này đang này càng thu hẹp qua từng năm.

Bà Nguyễn Thị Nga (trú thôn Lạc Thành Đông) cho biết, hầu như năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu vào mùa mưa lũ thì bà cũng như những người dân trong thôn lại nơm nớp nỗi lo sạt lở. Bà Nga cũng không nhớ được hiện tượng sạt lở này bắt đầu xảy ra chính xác từ năm nào, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Mỗi năm, bờ sông sạt lở vào đến cả chục mét khiến cho nhiều diện tích đất canh tác hoa màu của chúng tôi bị cuốn trôi. Như gia đình của tôi, trước đây có đến hơn 6 sào đất sản xuất nông nghiệp nhưng do sạt lở nên bây giờ chỉ còn khoảng 2 sào trồng lạc.

Ngoài ra, lán trại chăn nuôi gia cầm của nhà tôi dựng lên dọc bờ sông này cũng đã 2 lần bị cuốn đi vì sạt lở”, bà Nga vừa nói vừa chỉ tay vào lán trại dựng lên lần thứ 3 của mình bây giờ cũng đang bị ảnh hưởng khi chỉ còn cách bờ sông chừng nửa mét. Khả năng, trong mùa lũ năm nay cũng sẽ bị cuốn đi.

Lán trại của người dân đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi trong mùa mưa lũ sắp tới. Ảnh: L.K.

Lán trại của người dân đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi trong mùa mưa lũ sắp tới. Ảnh: L.K.

Cùng chung sự lo lắng, bà Nguyễn Thị Hai (trú thôn Lạc Thành Đông) cho biết thêm, sạt lở không chỉ ảnh hưởng đến đất đai sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con trong thôn. Bởi, trước đây, một xóm nhỏ của thôn đã phải di dời khỏi khu vực này để đảm bảo an toàn trước tình trạng sạt lở. Không những vậy, nhiều ngôi mộ dọc bờ sông cũng đã bị nước cuốn trôi.

“Chúng tôi cũng đã nhiều lần báo cáo trình trạng này lên cơ quan chức năng. Thời gian gần đây, nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh, Trung ương về khảo sát, rồi hứa sẽ sớm triển khai các phương án giải quyết tình trạng sạt lở nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Người dân trong thôn rất mong các cấp ngành sớm xây dựng kè dọc bờ sông để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất”, bà Hai chia sẻ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay có khoảng hơn 1km bờ sông Bình Phước bị sạt lở nặng, ăn sâu vào đất canh tác hoa màu của người dân địa phương. Có những điểm nước chảy mạnh tạo thành hàm ếch hoặc các bờ vách dựng đứng cao từ 2 - 3m. Rất nhiều diện tích hoa màu đang đứng trước nguy cơ bị “nuốt chửng”.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng thừa nhận, tình trạng sạt lở ven sông này đã xảy ra trong khoảng 20 năm qua. Đến nay, con sông đã “ăn” sâu vào bờ tầm 700m. Chính quyền đã tiến hành di dời hơn 50 hộ dân ở thôn Lạc Thành Đông sống gần bờ sông đến chỗ ở khác để đảm bảo an toàn.

Cũng theo ông Hồng, từ năm 1999 đến nay đã có khoảng 25ha đất hoa màu của nhân dân bị cuốn xuống sông. Trung bình mỗi năm, sạt lở ăn sâu vào bờ thêm từ 5 đến 10m. Ngoài ra, thôn Lạc Thành Tây của xã cũng bị sạt lở với tổng chiều dài các điểm lên đến hàng trăm mét.

“Hiện tại, diện tích sản xuất nông nghiệp của bà con dọc bờ sông còn hơn 700ha. Ngoài ra, tại khu vực này còn có trên 3.000 ngôi mộ và trụ điện đường dây 500KV có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ. Chúng tôi đã kiến nghị sự việc này lên lãnh đạo TX Điện Bàn cũng như lãnh đạo tỉnh và đã có về khảo sát, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai”, ông Hồng nói.

Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế TX Điện Bàn cho rằng, vấn đề nan giải để khắc phục tình trạng này chính là kinh phí. Để kè 1km kiên cố chống sạt lở chi phí lên tới 35 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn lực của TX Điện Bàn còn hạn chế. “Tại những điểm sạt lở nhẹ thì TX Điện Bàn cũng khắc phục tạm, bên cạnh đó, lãnh đạo thị xã cũng làm văn bản gửi cho UBND tỉnh Quảng Nam rồi tỉnh gửi ra Trung ương nhưng đến nay vẫn rất khó. Ước tính nếu làm kè cứng kiên cố toàn bộ điểm sạt lở trên địa bàn thị xã phải cần khoảng 1.000 tỷ đồng”, ông Chơi nói.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

Các quận và phường ở Hải Phòng sẽ không còn Hội đồng nhân dân

HẢI PHÒNG Sau khi được Quốc hội thông qua, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 với nhiều điểm mới phù hợp với xu hướng phát triển.