| Hotline: 0983.970.780

Loại Glyphosate khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam

Thứ Tư 10/04/2019 , 13:33 (GMT+7)

Glyphosate là hoạt chất có tác dụng diệt cỏ hiệu quả cao, nhưng mức độc hại của nó đã được cảnh báo từ lâu. Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, việc loại bỏ hoạt chất Glyphosate là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật hiện hành, hài hòa với quy định quốc tế.

Chiều nay (10/4) tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức công bố Quyết định 1186 của Bộ NN-PTNT về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV ngày 10/4/2019 đã loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam

Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, việc loại bỏ hoạt chất Glyphosate là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật hiện hành, hài hòa với quy định quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn và điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Glyphosate là hoạt chất thuốc trừ cỏ được sử dụng rộng rãi trên thế giới vì tác dụng diệt cỏ hiệu quả cao. Tại Việt Nam, từ năm 1994, Glyphosate đã được đăng ký vào Danh mục Thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và đến nay có 104 tên thương mại chứa Glyphosate được đăng ký (Ban hành theo Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 9/2/2018 và Thông tư số 13/2018/TT-BNNPTNT ngày 8/10/2018).

Mức độc hại của thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate đã được cảnh báo từ lâu. Việc lạm dụng các loại hóa chất diệt cỏ, trừ sâu bệnh trong thời gian dài không những gây ảnh hưởng môi trường mà còn để lại hậu quả nặng nề trước hết với sức khỏe của người dân - những người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất này và cả những người tiêu dùng.

Việc loại bỏ hoạt chất Glyphosate là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật hiện hành, hài hòa với quy định quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn và điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam

Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC (International Agency for Research on Cancer) thuộc Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố kết quả đánh giá khả năng gây ung thư nhóm 2A đối với thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate có nguy cơ cao gây các bệnh ung thư máu, phổi, tiền liệt tuyến. 

Nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe của con người, vật nuôi, môi trường, không mạo hiểm coi thường với tính mạng của người dân, đồng thời hướng đến nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký ban hành Quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV ngày 10/4/2019 về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

Ngày 12/4/2016, Cục bảo vệ thực vật đã tạm dừng đăng ký mới đối với tất cả sản phẩm có chứa chất Glyphosate, đồng thời tiếp tục rà soát và thu thập thông tin, bằng chứng khoa học liên quan ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái. 

Với chủ trương bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường sống, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững và thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn thuốc BVTV để xem xét các báo cáo liên quan đến việc loại bỏ hoạt chất Glyphosate ra khỏi Danh mục.

Trên cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn các thành viên Hội đồng đã nhất trí đề nghị loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Glyphosate ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam ngay khi có kết luận chính thức.

Phun thuốc trừ cỏ

Hiện nay, trên 40 nước, bang trên thế giới đều có động thái mạnh mẽ trong việc ban hành các quy định pháp lý nhằm điều chỉnh quản lý việc sử dụng Glyphosate: Từ không tiếp tục gia hạn; hạn chế sử dụng; cấm sử dụng theo mục đích phi nông nghiệp hoặc từng khu vực đến cấm sử dụng hoàn toàn thuốc trừ cỏ chứa Glyphosate.

Đã có nhiều căn cứ quan trọng, các thông tin, cũng như cảnh báo của các tổ chức quốc tế, các bằng chứng khoa học khẳng định ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate đối với sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường.

Với quan điểm quản lý cỏ dại chứ không phải diệt trừ cỏ dại để bảo vệ tài nguyên đất nhằm mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững Bộ NN-PTNT quyết định loại bỏ hoạt chất diệt cỏ Glyphosate

Với quan điểm quản lý cỏ dại chứ không phải diệt trừ cỏ dại để bảo vệ tài nguyên đất nhằm mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Chỉ áp dụng biện pháp sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ các loài cỏ dại có khả năng cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng để quản lý cỏ dại một cách khoa học và hiệu quả. Hiện nay, trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đã có 54 hoạt chất thuốc trừ cỏ hiệu quả và an toàn có thể thay thế hoạt chất Glyphosate.

Đặc biệt, theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện các tổ chức cá nhân cũng đã chủ động đăng ký các loại thuốc trừ cỏ chứa các hoạt chất thế hệ mới, có nguồn gốc sinh học hiệu quả, an toàn để thay thế Glyphosate.

Xem thêm
Dự án khai thác than bùn làm phân hữu cơ thu hút khoản đầu tư lớn

Khai thác than bùn chế biến phân bón hữu cơ đang nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư, khi nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ đang tăng nhanh.

Các mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi cần được hưởng mức thuế chung 1%

Cục Chăn nuôi vừa có công văn gửi Tổng cục Hải quan, đề xuất, kiến nghị áp dụng thuế suất chung 1% với mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.

Toàn Thắng Corporation hợp tác chiến lược với Hannam Bio Hàn Quốc

Toàn Thắng Corporation và Hannam Bio sẽ hợp tác trong phát triển sản xuất vi sinh vật có lợi, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành thủy sản.

Bình luận mới nhất