Sau khi Covid-19 được khống chế, hoạt động điện tử tái khởi động khá chậm chạp. Thế nhưng, dòng phim về đề tài giang hồ được trình chiếu trên mạng, vẫn đang thịnh vượng một cách đáng lo ngại.
Bằng chứng là bộ phim “Ông trùm” phần 3 của Ưng Hoàng Phúc liên tục tung hai tập “Ông trùm Bùi Viện” đầy lạc quan về số lượt người xem cũng như doanh thu.
Tiện ích công nghệ cho phép nhiều người tin tưởng về khả năng phát triển vượt trội của các web drama (phim chiếu mạng). Đáng tiếc thay, điện ảnh trên nền tảng số của Việt Nam chỉ thấy sự tung hoành của các loại phim về giang hồ.
Nhà sản xuất phim giang hồ trên mạng là những ai? Xin thưa, họ đều là ca sĩ, diễn viên, danh hài đã thành danh như Việt Hương, Nam Thư, Thu Trang, Lâm Chí Khang, Hồ Quang Hiếu…
Và những thước phim có hàng triệu lượt thưởng thức của họ đều xoay quanh các cảnh chém giết như “Thập tam muội”, “Tay buôn, buông tay”, “Chết thì chịu”, “Trật tự mới”, “Thập tứ cô nương”, Người của giang hồ”, “Hiếu bến tàu”, “Đại ca đi học”…
Phim về giang hồ được chiếu trên mạng của Việt Nam có gì hay? Kịch bản rất ấm ớ, những góc quay cũng bình thường, diễn xuất không mấy ấn tượng. Vậy mà vẫn lôi kéo người xem bằng những cảnh đánh đấm, giành giật, múa dao, vung kiếm… Nói trắng ra, đó là loại sản phẩm giải trí rất rẻ tiền và vô bổ.
Sau khi bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm chiếu vì quá nhiều cảnh bạo lực, những nhà sản xuất lập tức chuyển hướng khai thác.
Họ không làm phim để chiếu rạp nữa, mà làm phim để chiếu mạng. Trên kênh YouTube, không có ai kiểm soát nội dung và sự dễ dãi của đám đông giúp dòng phim giang hồ ung dung đáp ứng thị hiếu và tìm kiếm lợi nhuận từ quảng cáo.
Vì sao dòng phim giang hồ tự do tác oai tác quái không gian giải trí internet? Vì các sản phẩm này không bị khống chế bởi Luật An ninh mạng lẫn Luật Điện ảnh.
Ai cũng có thể làm nhà sản xuất, ai cũng có thể làm đạo diễn và ai cũng có thể làm diễn viên. Thậm chí một gã côn đồ vừa bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố là Đường “Nhuệ” cũng vỗ ngực xưng mình là tài tử điện ảnh khi xuất hiện trong những bộ phim giang hồ trên mạng như “Chạm mặt giang hồ 1, 2”, “Luật lệ giang hồ 1, 2, 3”, “Tỷ phú đè đại gia”, “Gangster – Gã giang hồ”…
Sự ảnh hưởng tiêu cực của dòng phim giang hồ đến giới trẻ rất rõ ràng, nhưng những nhà quản lý văn hóa dường như chưa có biện pháp chấn chỉnh hiệu quả.
Nâng cao sức đề kháng để công chúng khước từ sản phẩm độc hại là việc lâu dài, mà trước mắt cần cảnh tỉnh thái độ nghề nghiệp của giới nghệ sĩ.
Không thể chống chế hồn nhiên như diễn viên Nam Thư bao biện “khán giả muốn xem thì nghệ sĩ chúng tôi sẽ thực hiện bằng những tâm huyết và công sức lao động của mình”.