| Hotline: 0983.970.780

Lời khuyên của quốc tế khi thực hiện 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Thứ Ba 12/12/2023 , 22:32 (GMT+7)

Hậu Giang Quan tâm tới sức khỏe đất, tập trung vào nhóm trồng chất lượng cao, giảm phát thải, là những ý kiến của nhóm chuyên gia CGIAR về đề án 1 triệu ha lúa.

Ông Oscar Ortiz khuyên Việt Nam tập trung vào cơ cấu giống trong thời gian tới. Ảnh: Thanh Thủy.

Ông Oscar Ortiz khuyên Việt Nam tập trung vào cơ cấu giống trong thời gian tới. Ảnh: Thanh Thủy.

"Chúng tôi cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác, đưa các tổ chức quốc tế đến gần hơn với Việt Nam để thúc đẩy các thực hành nông nghiệp tốt, cũng như tăng cường quản lý nông nghiệp cần thiết, tạo cơ sở vững chắc để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại vùng ĐBSCL", ông Oscar Ortiz, Giám đốc cấp cao CGIAR nói với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Ortiz, Chính phủ Việt Nam triển khai đề án 1 triệu ha lúa vào lúc này là vô cùng thích hợp. Bởi thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu... khiến nguồn cung lương thực, thực phẩm luôn có nguy cơ bị đứt gãy.

Việt Nam có những lợi thế nhất định khi triển khai đề án này, bởi có sự kế thừa từ thành công của Dự án VnSAT. Đề án được triển khai thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu (từ nay đến năm 2025) phát triển tiếp từ 182.000ha của vùng dự án VnSAT.

Lãnh đạo CGIAR khuyến cáo, Việt Nam nên tập trung phát triển những giống lúa gạo mới, tăng cường sức chống chịu, cũng như có thể ứng phó với các thay đổi bất thường của thời tiết. "Đây là nhiệm vụ quan trọng, nhất là khi tính đến lúa gạo là một thế mạnh của Việt Nam", ông bày tỏ.

Là hệ thống nghiên cứu nông nghiệp được tài trợ lớn trên thế giới, CGIAR đã đi tiên phong trong nhiều công cụ và kỹ thuật mới giúp chuyển đổi sản xuất lương thực. Tổ chức đặc biệt ưu tiên việc sử dụng các phương pháp tiếp cận bền vững hơn, thích ứng với nhu cầu địa phương theo hướng thuận thiên.

"Các nhà khoa học và nông dân đang hợp tác để giảm lượng khí thải từ nông nghiệp, đồng thời bảo vệ an ninh lương thực và thu nhập. Bên cạnh đó là những hỗ trợ chính sách và phát triển khối tư nhân để các doanh nghiệp gạo có thể mang về lợi ích cho nông dân", ông Ortiz nói thêm.

Bà Ismahane Elouafi cho rằng cần đa dạng hóa cây trồng ở những vùng đất khắc nghiệt.

Bà Ismahane Elouafi cho rằng cần đa dạng hóa cây trồng ở những vùng đất khắc nghiệt.

Bà Ismahane Elouafi, Giám đốc điều hành CGIAR cho rằng, để có thể xây dựng hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa, cần quan tâm hơn đến sức khỏe đất. Bà chia sẻ: "Tương lai của hành tinh và nhân loại phụ thuộc vào sức khỏe đất. Nó không chỉ chịu trách nhiệm duy trì sự sống mà còn thu giữ các bon, giảm áp lực trong bầu khí quyển do phát thải khí nhà kính tạo ra".

Đại diện CGIAR phân tích, hệ thống nông sản thực phẩm đang ngày càng bị đe dọa bởi khủng hoảng khí hậu. Đặc biệt, 500 triệu nông dân quy mô nhỏ, đang cung cấp 1/3 sản lượng lương thực cho thế giới, sống ở các khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các cú sốc khí hậu.

Thêm vào đó, khoảng 780 triệu người trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi nạn đói, con số này sẽ tăng lên đáng kể theo từng mức độ mà thế giới nóng lên.

Do đó, bà Elouafi đánh giá, nông nghiệp sẽ là trung tâm để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Đây cũng là lĩnh vực duy nhất có tiềm năng hấp thụ các bon. Việc chuyển đổi các phương pháp tiếp cận để cải thiện sức khỏe và tính bền vững của đất, vì thế, là điểm khởi đầu quan trọng

"Đất tốt hơn có thể giúp giảm lượng khí thải trong nông nghiệp và cải thiện khả năng lưu trữ các bon. Song song với đó, còn là hỗ trợ năng suất cây trồng cao hơn, thu nhập tốt hơn cho nông dân và chế độ ăn uống bổ dưỡng hơn cho tất cả mọi người. Đó cũng là tiền đề cho các vùng diện tích lúa chất lượng cao, giảm phát thải", bà nhấn mạnh.

Một số quốc gia có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt ở các vùng đất khô cằn như Trung Đông và Bắc Phi, cũng như Trung và Tây Á, đã hành động để hỗ trợ sự thay đổi này. Đây là một trong những khu vực nóng nhất trên toàn cầu, nơi có 11 trong số 17 quốc gia chịu áp lực về nước nhiều nhất trên thế giới. 

Tuy nhiên, nhờ một loạt các giải pháp, tập trung vào 4 nhóm giải pháp: Đa dạng hóa cây trồng; Thực hành tái sinh; Tưới nước hiệu quả; Hệ thống đo lường và giám sát, các quốc gia này đã trở thành điển hình về sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu chính là Isarel.

Dành lời khuyên cho Việt Nam khi triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, bà Elouafi khuyên cần nhìn đến sự đa dạng của hệ thống lương thực thực phẩm. Bởi chúng ta phụ thuộc vào rất ít các loại mùa vụ, chỉ có gạo, vì vậy nên dễ bị rơi vào khủng hoảng quốc tế.

Các hệ thống canh tác hiện tại, ở những vùng đất khắc nghiệt, thường tập trung vào việc chỉ trồng một vụ một năm, đòi hỏi việc sử dụng nhiều phân bón và làm cạn kiệt chất dinh dưỡng trong đất. Cả hai cách làm này đều gây tổn hại cho việc phát triển lâu dài của đất.

Bằng cách đa dạng hóa sản xuất cây trồng, nông dân có thể giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính. Một cách tiếp cận được chuyên gia CGIAR khuyến cáo, là luân phiên các loại cây trồng khác nhau, không để đất trống và ngăn chặn các bon thoát ra ngoài.

Đối với vụ thứ hai, nông dân có thể chọn loại cây cần ít thời gian và nước tưới, chẳng hạn như cây họ đậu chín sớm.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.