| Hotline: 0983.970.780

Lợi thế nào khiến trái cây Việt Nam được ưa chuộng tại Trung Quốc?

Thứ Bảy 28/09/2024 , 16:10 (GMT+7)

Dựa trên sức bật từ chính sách và dư địa to lớn của Tây Bắc, Tây Nguyên, ngành hàng trái cây được dự báo sẽ giữ đà tăng trưởng trong nhiều năm nữa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham gia cắt băng xuất hành mùa nhãn Hưng Yên. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham gia cắt băng xuất hành mùa nhãn Hưng Yên. Ảnh: Bảo Thắng.

Lợi thế từ đa dạng chủng loại sản phẩm

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc liên tục tăng thời gian qua, dự báo năm 2024 có thể đạt kỷ lục 5 tỷ USD. Nhiều sản phẩm như sầu riêng, thanh long, chuối, xoài... được thị trường quốc gia tỷ dân ưa chuộng và còn nhiều dư địa tăng trưởng bởi cơ cấu nhập khẩu rau quả của Trung Quốc đang dồn vào nhóm trái cây.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, có nhiều yếu tố tác động khiến trái cây Việt Nam được Trung Quốc đón nhận. Đầu tiên là về chủng loại và quy mô sản xuất: với vị trí địa lý trải dài trên 15 vĩ độ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng sự phân hoá của độ cao địa hình, Việt Nam có đa dạng những tiểu vùng sinh thái để có thể phát triển nhiều chủng loại cây ăn quả, từ các loại quả nhiệt đới, á nhiệt đới cho đến các loại quả ôn đới.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, hiện cả nước có khoảng 30 loài cây ăn quả với 260 giống đang được trồng phổ biến ngoài sản xuất. Trong số đó, rất nhiều loại quả nhiệt đới mà Trung Quốc gặp hạn chế hoặc không có lợi thế sản xuất như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, vú sữa, mít… Đặc biệt, nhiều loại quả có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, lên tới hàng trăm nghìn, hàng triệu tấn mỗi năm gồm chuối, thanh long, sầu riêng, xoài, vải, nhãn, dứa, chanh leo.

Về mẫu mã, chất lượng, nhiều giống cây ăn quả của Việt Nam có chất lượng tốt, thơm ngon, đã tạo dựng được thương hiệu như vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên, nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh, thanh long Bình Thuận, sầu riêng DONA, Ri6, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, măng cụt Chợ Lách.

"Trung Quốc là thị trường lớn, truyền thống từ lâu của trái cây nước ta, có nhiều phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng gần gũi, tương đồng. Do đó, nhiều loại trái cây Việt Nam đã sẵn có thị phần, uy tín, được đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc biết đến từ lâu. Đó là một lợi thế cực lớn", ông Mạnh cho biết.

Bên cạnh yếu tố chất lượng, trái cây Việt Nam cũng được thiên nhiên ưu đãi về mùa vụ. Cùng với quá trình tuyển chọn giống, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, đa số các sản phẩm chủ lực của nước ta đều rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch thành công. Lượng quả tươi cung cấp đủ không những cho thị trường mà còn cả xuất khẩu. Trong đó, một số nhóm có khả năng cung cấp gần như quanh năm như chuối, dứa, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng, nhất là tại các tỉnh phía Nam. Thực tế đến nay, nhiều loại cây ăn quả vùng Nam bộ đã thực hiện rải vụ đạt 50% hoặc trên 50% diện tích.

Cuối cùng không thể bỏ qua vị trí địa lý gần gũi với Trung Quốc. Theo Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Việt Nam hiện có khoảng 20 cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở trao đổi hàng hóa trực tiếp với phía bạn. Đây là lợi thế mà các quốc gia có sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Malaysia không có được. Lợi thế này giúp nông sản Việt giảm thời gian vận chuyển và chi phí giá thành, đảm bảo được độ tươi ngon và chất lượng quả tươi đến tận tay người tiêu dùng Trung Quốc.

Những năm qua, hàng loạt chương trình tập huấn cho người dân về canh tác theo VietGAP được các cơ quan chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương tổ chức. Ảnh: Bảo Thắng.

Những năm qua, hàng loạt chương trình tập huấn cho người dân về canh tác theo VietGAP được các cơ quan chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương tổ chức. Ảnh: Bảo Thắng.

Sức bật từ các khung chính sách

Có được thành quả như hôm nay là nhờ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, bắt nguồn từ Quyết định 899/2013/QĐ-TTg và sau đó là Quyết định 255/2021/QĐ-TTg về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, xác định các sản phẩm chủ lực mang tầm quốc gia và có giá trị kinh tế cao.

Hơn 10 năm trước, Cục Trồng trọt đã kiến nghị Bộ NN-PTNT thành lập Ban chỉ đạo sản xuất rải vụ cây ăn quả chủ lực trồng tập trung vùng Nam bộ (Quyết định số 2819/QĐ-BNN-TCCB ngày 28/11/2013).  Những sản phẩm như sầu riêng, xoài, nhãn, chôm chôm và thanh long được ưu tiên đầu tư để rải vụ thu hoạch, tránh việc dội chợ khi vào chính vụ thu hoạch.

Mới đây, Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, trong đó nêu rất rõ các giải pháp phát triển cho 14 loại cây ăn quả chủ lực, trong đó nhiều loại có thế mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc như sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít... Thêm vào đó, Đề án Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 tiếp tục thổi một luồng sinh khí cho ngành hàng. Năm 2024, Việt Nam có thể xuất khẩu rau quả đến 7 tỷ USD, nhưng con số ấy sẽ không dừng lại, có thể vươn lên 8 - 10 tỷ USD trong năm 2030 khi mà tỷ trọng nhóm rau quả chế biến đạt 30% trở lên.

"Cây gậy chính sách giúp Việt Nam thực hiện một cách xuyên suốt đường lối phát triển", Phó cục trưởng Nguyễn Quốc Mạnh nhấn mạnh. Tất nhiên đi kèm với đó, Việt Nam cần xây dựng những vùng chuyên canh, bao gồm cả sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến.

Bốn nhiệm vụ được ông Mạnh vạch ra để đẩy nhanh tốc độ phần giá trị gia tăng này. Thứ nhất, xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả đạt chuẩn, ước khoảng 5 - 6 triệu tấn vào năm 2030. 

Thứ hai, trên cơ sở định hướng phát triển sản xuất rau quả trên phạm vi toàn quốc, mỗi địa phương lựa chọn ưu tiên phát triển một số loại rau quả chủ lực có lợi thế, mang tính đặc sản vùng miền và có khả năng liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận để tạo ra vùng rau quả tập trung, quy mô hàng hóa lớn.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo các loại giống rau quả có năng suất, chất lượng, chống chịu tốt với hạn, mặn và sâu bệnh; phát triển sản xuất rau quả hữu cơ, thực hiện tốt các biện pháp thâm canh bền vững; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để có thể thu hoạch rải vụ, khắc phục và hạn chế tính thời vụ.

Cuối cùng, thực hiện từng bước chuyển đổi số trong sản xuất rau quả dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về đất đai, cây trồng, môi trường, thời tiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

"Chúng ta luôn luôn coi trọng thị trường Trung Quốc, tìm kiếm nhiều cơ hội để mở cửa rộng hơn nữa cho các sản phẩm, đồng thời lắng nghe những ý kiến phản hồi để cải tiến mẫu mã, chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cũng như cơ cấu lại sản xuất cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, phong tục tập quán của bạn", Phó cục trưởng bày tỏ.

Lễ hội trái cây sắp được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc là cơ hội để nông sản Việt quảng bá hơn nữa hình ảnh. Ảnh: Bảo Thắng.

Lễ hội trái cây sắp được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc là cơ hội để nông sản Việt quảng bá hơn nữa hình ảnh. Ảnh: Bảo Thắng.

Giấc mơ "Ba Tây"

Những năm qua, miền Tây Nam bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) vươn lên trở thành vựa trái cây chủ lực của cả nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn 2 vùng nữa có lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực... để phát triển cây ăn trái là Tây Bắc và Tây Nguyên.

Dù còn một số tồn tại về cơ sở hạ tầng và đầu tư cho phát triển cây ăn quả tại 2 khu vực này, Cục Trồng trọt đã chủ trì xây dựng, tham mưu ban hành nhiều đề án, cơ cấu giống và kỹ thuật canh tác, tổ chức các hội nghị sản xuất... để thúc đẩy sản xuất cây ăn quả tại đây. 

Trong đó, có những đề án mang tính chuyên ngành như Đề án Phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh vùng Tây Bắc đến năm 2030; Công nhận, lưu hành các giống mới, chất lượng, có giá trị hàng hóa, phù hợp với 2 khu vực này như sầu riêng DONA, chôm chôm DONA, chanh leo Đài Nông 1, bơ Booth 7, bơ Hass, dứa MD2, xoài GL4, nhãn ánh vàng... Đặc biệt, Cục đã tham mưu và trình Bộ NN-PTNT ban hành Quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây bơ, cây sầu riêng trong vườn cà phê vối, tạo điều kiện phổ biến, áp dụng, thúc đẩy sản xuất cây ăn quả của từng vùng.

Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, sự quan tâm vào cuộc đầu tư của các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là nỗ lực vươn lên của bà con nông dân, sản xuất cây ăn quả vùng Tây Bắc, Tây Nguyên có sự bứt phá, phát triển đa dạng hóa chủng loại và quy mô sản xuất, nhất là các cây ăn quả lợi thế của vùng.

Tính riêng 4 tỉnh Tây Bắc, gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, diện tích cây ăn quả tăng hơn 3 lần trong 10 năm, từ 32.600ha (năm 2014) lên 113.200ha (năm 2023). Hoặc 5 tỉnh Tây Nguyên tăng gần 6 lần, từ 32.200ha (năm 2014) lên 181.200ha (năm 2023).

Nhiều tỉnh kể trên đã đứng trong hàng ngũ sản xuất cây ăn quả lớn của cả nước như Sơn La, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng. Cơ cấu sản xuất của vùng khá đa dạng, với nhiều loại quả có quy mô sản xuất lớn, giá trị kinh tế cao so với các vùng khác như sầu riêng, xoài, chuối, chanh leo, bơ, nhãn, na... Nhiều giống, chủng loại có thời vụ thu hoạch tự nhiên khác biệt so với phần còn lại của Việt Nam, nhất là sầu riêng, chanh leo, vải, nhãn... tại Tây Nguyên, góp phần vào lợi thế rải vụ quả tươi kéo dài quanh năm ở nước ta.

"Những tiểu vùng khí hậu và thổ nhưỡng của Tây Bắc, Tây Nguyên là cơ sở để hình thành, phát triển quy mô sản xuất hàng hóa, không chỉ đóng góp tích cực vào xuất khẩu tươi, mà còn tạo tiền đề đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển trái cây hiệu quả, bền vững trên địa bàn; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội của vùng", ông Mạnh dự báo.

"Khi rau quả đạt kỷ lục xuất khẩu 5,6 tỷ USD năm 2023, và chỉ mất 9 tháng đầu năm 2024 để tái lập kỳ tích, nhiều trái cây Việt Nam đã lần lượt chiếm thị phần lớn, thậm chí vươn lên dẫn đầu tại Trung Quốc. Nguyên nhân bởi các nước cạnh tranh với Việt Nam không có hàng để xuất bán", ông Nguyễn Quốc Mạnh phân tích.

Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp đồng tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, dự kiến diễn ra trong hai ngày 29 và 30/9.

Với chủ đề “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon”, lễ hội được tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc. 

Đây là lần đầu tiên một lễ hội trái cây tầm cỡ được tổ chức tại nước ngoài, với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam, cũng như các hiệp hội chuyên ngành nông sản, nhà nhập khẩu, cung tiêu của Trung Quốc.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.