Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 9 đạt trên 920 triệu USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là con số kỷ lục chưa từng có nhờ vào vụ thu hoạch sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên.
Tính chung 9 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt khoảng gần 5,7 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 10 thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Úc, Tiểu Vương quốc Ả Rập và Nga.
Riêng thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả số 1 của Việt Nam. 8 tháng Trung Quốc chi khoảng 3,1 tỷ nhập rau quả của Việt Nam, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là thị trường Mỹ, chi gần 227 triệu USD nhập khẩu rau quả Việt Nam, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp phần lớn vào tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường chính vẫn là sầu riêng. Ước tính giá trị xuất khẩu sầu riêng trong tháng 9 vượt 500 triệu USD - đây là con số lần đầu tiên được ghi nhận đối với mặt hàng này.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT), mỗi năm Trung Quốc chi 7 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng tươi và 1 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng đông lạnh. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới.
Đây là thị trường vô cùng tiềm năng với mặt hàng sầu riêng đông lạnh của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu vào thị trường này, Cục Bảo vệ Thực vật cũng lưu ý, các doanh nghiệp cần có ý thức, nâng cao nhận thức về tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, cũng như tuân thủ Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc.
Do vậy, các doanh nghiệp cần phải đăng ký, nộp đầy đủ hồ sơ được phía Trung Quốc chấp thuận, cũng như phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm được cơ quan Hải quan Trung Quốc đánh giá theo 13 tiêu chí và công nhận là tương đương với tiêu chuẩn của quốc gia này.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) đánh giá, triển vọng xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2024 tiếp tục có diễn biến tích cực. Nhất là khi đang trong thời điểm vào mùa thu hoạch của sầu riêng Tây Nguyên, kéo dài đến hết tháng 10.
Dự báo xuất khẩu sầu riêng năm 2024 có thể vượt 3 tỷ USD, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam. Vì vậy, việc cần làm là đảm bảo về chất lượng và số lượng, đồng thời tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, quy định của phía nhập khẩu thì kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ có những con số kỷ lục mới.
Bên cạnh mặt hàng sầu riêng, thì những mặt hàng còn lại được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 1,4 tỷ dân cũng có nhiều kỳ vọng và đóng góp lớn kim ngạch xuất khẩu như tổ yến, khoai lang, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải, chanh dây, thanh long…
Theo Bộ Công thương, thời tiết bất lợi, mưa nhiều từ tháng 8 đến nay, đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch và chất lượng một số loại rau quả như: thanh long, xoài, nhãn, na, mít… Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2024, nguồn cung rau quả nhìn chung vẫn khá dồi dào, sản lượng sầu riêng, ổi, mít, chanh leo, cam đều tăng, riêng thanh long giảm sản lượng hơn 6%.
Dự báo sang quý IV/2024, xuất khẩu rau quả tiếp đà tăng trưởng khả quan bởi nhu cầu tăng từ các thị trường thế giới vào dịp cuối năm cùng với những lợi thế từ các Hiệp định thương mại, các Nghị định thư đã được ký kết.
Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, dự kiến năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh đạt khoảng 34.000 - 35.000 ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn. Hiện Đắk Lắk và các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang vào mùa thu hoạch sầu riêng và kéo dài đến hết tháng 10, qua đó, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chung của cả nước.
Với những thuận lợi trong xuất khẩu rau quả những tháng qua, cũng như sự chủ động về nguồn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu, kỳ vọng cả năm 2024 xuất khẩu rau quả có thể ước đạt 7 tỷ USD.