Đến nay, sau gần 4 năm triển khai, bằng sự nỗ lực, ý chí quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà, đã từng bước đưa địa phương khởi sắc trên hành trình cán đích NTM.
Xuất phát điểm thấp
Khi mới chia tách, huyện Long Mỹ đứng trước nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, đời sống người dân chủ yếu dựa vào SX nông nghiệp, hạ tầng giao thông yếu kém… Từ thực tế đó, toàn huyện không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng NTM để đưa Long Mỹ vươn lên sánh tầm với các huyện bạn. Đến nay, huyện đã có 4/8 xã về đích NTM. Từ đó, rút dần khoảng cách giữa thành thị và vùng nông thôn.
Ông Đặng Hoàng Vũ - Phó Chủ tịch huyện Long Mỹ |
Ông Trần Cao Cường, ngụ xã Thuận Hưng, tâm tình: “Xã Thuận Hưng hôm nay đã thay da đổi thịt, đường sá khang trang, xe cộ chạy tấp nập, nhà nào cũng có điện thắp sáng, tivi mở cả ngày. Ngày xưa, đâu được như thế, dân chúng tôi phải thắp đèn dầu, muốn xem tivi phải lội sình lầy đi vài cây số. Có thể nói xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nên ngay khi triển khai, người dân đã đồng thuận cao”.
Về xã Thuận Hưng trên những con đường bê tông thẳng tắp, sạch sẽ, hai bên trồng rất nhiều hoa, những hàng rào cây xanh góp phần tô thêm sắc thắm cho xã NTM. Cùng với đó, việc mua bán, trao đổi hàng hóa được người dân thực hiện tại chỗ, khá thuận tiện. Để có được ngày hôm nay, Đảng bộ, chính quyền xã Thuận Hưng đã cùng với nhân dân dày công, tốn nhiều sức lực vẽ lên bức tranh tươi đẹp cho vùng quê nghèo, với nền kinh tế thuần nông này.
Bà Quách Diễm Thúy, ngụ xã Thuận Hưng, vui mừng: “Chính quyền rất quan tâm đến đời sống người dân. Họ luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xem chúng tôi cần gì, muốn gì để tìm hướng giúp đỡ phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ dân thiếu sinh kế, nhà ở dột nát đã được xã lập danh sách đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí giúp ai cũng có chỗ ở ổn định, có vốn làm ăn. Tôi rất biết ơn và trân trọng sự sâu sát của chính quyền cơ sở”.
Ông Huỳnh Thanh Pháo, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, rất nhiều khó khăn và thách thức. 19 tiêu chí NTM muốn đạt được không phải một sớm, một chiều. Vấn đề lớn nhất là kinh phí. Vì vậy, xã luôn tận dụng các nguồn lực để xây dựng và đưa xã Thuận Hưng về đích NTM từ nội lực. Tiêu chí nào dễ, không tốn kém kinh phí thì xã vận động người dân làm trước. Thuận lợi là được bà con đồng tình, hưởng ứng cao”.
Mô hình trồng hoa ven lộ giao thông nông thôn. |
Theo Chủ tịch UBND xã, mặc dù đã cán đích NTM, nhưng không vì thế mà địa phương lơ là, thiếu sâu sát, mà luôn cử cán bộ, đảng viên xuống địa bàn hỗ trợ, tư vấn kịp thời cho người dân những khúc mắc, tồn tại họ gặp phải trong làm ăn kinh tế. “Đạt chuẩn NTM là một quá trình lâu dài. Để duy trì và tiến tới xã NTM kiểu mẫu, nâng cao lại càng khó, cần sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân”, ông Pháo khẳng định.
Ông Đặng Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ: “Huyện rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo. Bởi xây dựng NTM là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Nhận thức được tầm quan trọng đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng MTM, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nội dung cũng như mục đích, ý nghĩa của chương trình trong cán bộ, các ngành, các cấp và người dân. Từ đó, đã huy động được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong thực hiện chương trình này”. |
Chính sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Long Mỹ là liều thuốc tinh thần để địa phương vượt qua mọi trở ngại và quyết tâm chinh phục đích đến NTM.
Điểm sáng nông thôn
Huyện Long Mỹ có thế mạnh về SX nông nghiệp, vì vậy ngành nông nghiệp huyện đang xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí sự nghiệp nông nghiệp được phân bổ năm 2019 để hỗ trợ cây, con giống cho người dân thực hiện các mô hình SX, như trồng bưởi da xanh, hệ thống tưới và sử dụng phân lân nung chảy Ninh Bình,… Đồng thời, chỉ đạo các trạm trực thuộc cùng tổ kỹ thuật nông nghiệp các xã theo dõi, hỗ trợ người dân về kỹ thuật trong quá trình SX.
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Mỹ, thông tin: “Kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của huyện, vừa qua huyện đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình SX có hiệu quả, hướng nông dân chuyển dần sang SX nông sản sạch, không tồn dư thuốc BVTV khi thu hoạch. Thực tế, nông nghiệp Long Mỹ đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận. Đời sống người dân nâng lên với mức thu nhập bình quân 34 triệu đồng/người/năm”.
Song song đó, để đảm bảo tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, từ đầu năm đến nay, huyện đã giới thiệu việc làm cho 510 lao động đi làm việc tại các DN trong và ngoài tỉnh. Tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để phát vay 8 dự án và thu hút 19 lao động nhàn rỗi trong gia đình có việc làm thường xuyên từ Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm.
“Ngành nông nghiệp huyện phối hợp ngành chuyên môn tỉnh thực hiện các cuộc tư vấn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho người dân. Nội dung tư vấn chủ yếu gồm nuôi cá trê vàng, trồng đậu bắp, sử dụng biogas trong chăn nuôi heo, bón phân lân nung chảy... Qua tư vấn, tập huấn kỹ thuật, người dân đã triển khai, áp dụng vào SX hiệu quả, kinh tế gia đình từng bước ổn định”, ông Việt đánh giá.
Đến nay, toàn huyện có trên 97% hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của các cấp chính quyền trong việc đưa nước sạch về nông thôn.
Nông dân tích cực bón phân, chăm sóc vườn cây phát triển kinh tế nông hộ. |
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an xã với đội nghiệp vụ Công an huyện và các ngành, đoàn thể nên ANTT trên địa bàn huyện Long Mỹ ổn định. Huyện có 6/8 xã được công nhận đạt tiêu chí về ANTT. Bằng sức mạnh của phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ, chủ động phòng ngừa tấn công không để các đối tượng ẩn nấp hoạt động phạm pháp hoặc hình thành băng nhóm tội phạm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành và phong trào quần chúng, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng có liên quan. |
Bà Trần Ngọc Hồng, ngụ xã Lương Tâm, hồ hởi: “Trước đây, chúng tôi lấy nước dưới kênh mương để tắm giặt, nấu ăn nên rất lo nước không sạch, ảnh hưởng đến sức khỏe. Mùa hạn, thiếu nước càng khổ.
Từ khi có nước sạch, đời sống thay đổi hẳn, tắm giặt, nấu ăn bằng nước sạch nên sức khỏe đảm bảo, ai cũng mừng”.
Ghi nhận môi trường trên địa bàn huyện Long Mỹ khá sạch sẽ, thóng mát. Tại nơi công cộng không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn bừa bãi. Hồ ao, kênh mương, bờ đê, đường làng ngõ xóm, nơi đông người được vệ sinh thường xuyên.
Các tuyến đường trong ấp dọn dẹp quang đãng. Nhờ trồng cây xanh tạo cảnh quan dọc theo các tuyến đường chính trong xã, trong khuôn viên của các hộ gia đình nên các vùng quê Long Mỹ trông sáng, xanh, sạch, đẹp.
Tại các khu dân cư tập trung đều có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải, không có hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng.
Đồng thời, có các điểm thu gom nước thải và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp trước khi nước thải đổ vào kênh, mương, sông, hồ.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện Long Mỹ không để xảy ra tình trạng phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nông nghiệp hết hạn hoặc vỏ bao bì, dụng cụ đựng các sản phẩm này sau khi sử dụng bị vứt, đổ bừa bãi ra môi trường.
Gần 80% hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước họp vệ sinh, đảm bảo “3 sạch” theo quy định.