| Hotline: 0983.970.780

Lũ lịch sử năm 1996, nguy cơ vỡ đê sông Hồng

Thứ Sáu 02/10/2020 , 07:20 (GMT+7)

Khi ấy là trung tuần tháng 8/1996, sau nhiều đợt mưa lớn, lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đang ở mức cao, trên mức báo động số 3.

Tháng 8/1996, bão Niki (hay còn gọi là cơn bão số 4 năm 1996) tại miền Bắc gây ra một trận lụt kinh hoàng.

Tháng 8/1996, bão Niki (hay còn gọi là cơn bão số 4 năm 1996) tại miền Bắc gây ra một trận lụt kinh hoàng.

Thời điểm đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đưa ra dự báo: cơn bão số 4 với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12, 13 sẽ đổ bộ vào đồng bằng Bắc Bộ theo hướng Tây bắc, chạy dọc theo sông Hồng về phía thượng lưu và sẽ gây ra mưa rất to từ 300 - 400mm trên diện rộng.

Trong khi mực nước hồ Hòa Bình đang ở mức rất cao, không còn dung tích cắt lũ cho hạ du. Thời điểm dự báo bão đổ bộ vào đất liền lại trùng hợp với triều cường. Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đánh giá đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm. Thậm chí còn xấu hơn cả tình huống xảy ra trận lũ lịch sử năm 1971 nên đã báo cáo khẩn cấp lên Thủ tướng Chính phủ.

Ngay sau khi nhận được báo cáo, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (được Thủ tướng phân công trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão) triệu tập ông Nguyễn Cảnh Dinh - Trưởng ban BCĐPCLBTW, ông Nguyễn Công Tạn - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và ông Đặng Hữu - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bàn giải pháp ứng phó khẩn cấp với tình huống thiên tai nghiêm trọng này.

Tham dự cuộc họp, ngoài các vị lãnh đạo cấp cao có anh Nguyễn Công Sự - Thư ký của ông Trần Đức Lương và tôi - Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐPCLBW, tháp tùng ông Nguyễn Cảnh Dinh.

Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương yêu cầu ông Nguyễn Cảnh Dinh báo cáo tình hình mới nhất về mưa lũ, bão và diễn biến của hệ thống đê điều.

Ông Dinh trình bày: Tôi vừa đi thị sát và chỉ đạo công việc hộ đê ở Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên về hôm qua thấy tình hình đê điều đã và đang xảy ra hàng loạt sự cố. Các đồng chí chủ tịch UBND các tỉnh đều khẳng định rằng địa phương sẽ huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ, quyết tâm bảo vệ an toàn đê theo mức thiết kế.

Trong tình huống nguy hiểm này, nếu Trung ương ra lệnh xả lũ từ hồ Hòa Bình xuống thì các tuyến đê thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình không thể giữ nổi. Vì vậy, tôi thấy không thể ra lệnh mở cửa xả đáy cấp tập với lưu lượng lớn dẫn đến lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vượt mức thiết kế đê.

Ông Dinh vừa nêu ý kiến đó, ông Đặng Hữu lập tức phát biểu: Mực nước hồ Hòa Bình cao như hiện nay mà xảy ra mưa lớn tới 300 - 400mm nữa mà không cho xả lũ trước thì nguy cơ mất an toàn của đập dâng là rất cao.

Ai cũng biết vỡ đập hồ Hòa Bình thì trở thành thảm họa quốc gia. Tôi là chủ tịch Hội đồng nghiệm thu quốc gia đối với công trình thế ký này, qua nhiều lần thảo luận về các tình huống nguy hiểm dẫn đến mất an toàn đập dâng nên rất thấu hiểu tình huống này.

Tôi cho rằng mức nước hồ cao như hiện nay, nếu dự báo mức độ mưa lớn tới 300 - 400mm mà chính xác thì bắt buộc phải xả lũ trước để bảo đảm an toàn cho đập dâng, vì hậu quả vỡ hồ trong tình huống này nguy hiểm hơn rất nhiều so với vỡ một đoạn đê cụ thể.

Ông Trần Đức Lương gợi ý: Anh Dinh xem có thể chọn phương án chủ động phá một số đoạn đê ở những khu vực mà hậu quả thiệt hại về người và tài sản ít nhất khi bắt buộc phải xả lũ từ hồ Hòa Bình?

Ông Dinh đỏ bừng, nói: Thời xưa cụ khâm sai đại thần Phan Kế Toại từng trả lời thẳng thắn khi cấp trên yêu cầu cụ ra lệnh phá đê trong tình huống khẩn cấp: “Dân ở đâu cũng là dân ta cả, tôi không thể ra lệnh phá đê gây ngập lụt vùng này để cứu dân vùng khác. Chính quyền các địa phương phải tự huy động dân cứu hộ đê đến mức cao nhất để bảo vệ chính nhà mình, địa phương mình. Cố gắng hết sức rồi mà trời vẫn hại mình thì đành chịu vậy”.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Công Tạn (khi đó Thủ tướng chưa giao làm Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương) chứng kiến cuộc tranh luận căng thẳng giữa ông Nguyễn Cảnh Dinh và ông Đặng Hữu, hiểu rõ tính chất khó khăn, phức tạp, nguy hiểm của tình huống gay cấn này.

Khi Phó Thủ tướng Trần Đức Lương hỏi ý kiến, ông Tạn trả lời: Tôi đồng tình với ý kiến của anh Dinh. Cuối cùng Phó Thủ tướng kết luận: Tình huống thiên tai lúc này cực kỳ nguy hiểm, nhưng đây mới chỉ là dự báo.

Mặc dù phát biểu căng trong cuộc họp, nhưng khi về cơ quan, ông Nguyễn Cảnh Dinh vẫn giao cho Thứ trưởng Phan Sĩ Kỳ và tôi bí mật rà soát, chuẩn bị các phương án: phân lũ sông Hồng vào sông Đáy; phương án nổ mìn phá đê phân lũ sông Đà vào Lương Phú; phương án nổ mìn phá đê xả lũ sông Thái Bình ở Chí Linh, Hải Dương và phương án phá đê xả lũ sông Thương ở Ba Tổng, Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang theo quy hoạch cũ của Bộ Thủy lợi.

May thay, cơn bão số 4 không đổ bộ vào Đồng bằng Bắc Bộ theo đường đi đã dự báo, cũng không gây ra mưa lớn trên diện rộng, hồ Hòa Bình không phải xả lũ cấp tập, lũ cao trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình dần dần xuống thấp, tình huống thiên tai xấu hơn năm 1971 đã không xảy ra!

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.