| Hotline: 0983.970.780

Xả lũ hồ thủy điện - Bài toán cân não

Thứ Sáu 02/10/2020 , 07:10 (GMT+7)

Trên thế giới và cả Việt Nam, việc điều tiết vận hành xả lũ hồ thủy điện vào cuối mùa mưa lũ, luôn là bài toán hóc búa với công tác phòng, chống thiên tai.

Đập Tam Hiệp (Trung Quốc) xả lũ để bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2020.

Đập Tam Hiệp (Trung Quốc) xả lũ để bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2020.

Câu chuyện không chỉ riêng Việt Nam

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, chia sẻ: Hồ chứa thủy điện trên các lưu vực sông không chỉ có vai trò trữ nước để phát triển kinh tế xã hội, mà còn có sứ mệnh cắt lũ.

Vào thời điểm lũ cuối vụ, nếu vận hành hợp lý, chúng ta không những tiết kiệm được một “kho” nước khổng lồ để phát điện mà còn đảm bảo an toàn cho vùng hạ du – nơi gắn với nhịp sống kinh tế phát triển năng động với hàng chục triệu người dân sinh sống.

Nhưng, đây không phải là chuyện dễ dàng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng; những trận mưa trái quy luật, vượt tần suất xuất hiện ngày càng nhiều trong khi năng lực dự báo khí tượng thủy văn chưa theo kịp để cung cấp dữ liệu đầu vào chuẩn xác, phục vụ công tác vận hành hồ chứa nhằm cân bằng nguồn nước giữa lưu lượng đến và lưu lượng xả theo thời gian thực.

Ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo tại một cuộc họp liên quan đến xả lũ hồ thủy điện lưu vực sông Hồng vào tháng 9/2020. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo tại một cuộc họp liên quan đến xả lũ hồ thủy điện lưu vực sông Hồng vào tháng 9/2020. Ảnh: Minh Phúc.

Cần phải nhấn mạnh rằng, những khó khăn trên không phải chỉ riêng Việt Nam mới có. Ngay tại Trung Quốc – quốc gia có nhiều đập thủy điện nhất thế giới, trong đó công trình đập Tam Hiệp có quy mô lớn nhất toàn cầu.

Khó ai trong ngành công tác dự báo khí tượng thủy văn của Trung Quốc có thể dự báo được các đợt mưa trong mùa lũ năm nay kéo dài nhiều tháng, khiến mực nước 751 con sông ở Trung Quốc vượt quá “mức độ cảnh báo”, ảnh hưởng cuộc sống của 70 triệu người dân ở 28 tỉnh nước này.

Còn nhớ khi đập Tam Hiệp hứng chịu đợt lũ thứ 5 trong năm 2020, mực nước hồ chứa này đã được đẩy lên mức kỷ lục vào sáng ngày 22/8. Không thể ngờ rằng vào cuối mùa lũ, nhưng lưu lượng dòng chảy vào lòng hồ thủy điện Tam Hiệp lại lên tới 75.000 mét khối/giây ở thời điểm đỉnh lũ và dòng chảy ra tối đa ở mức 49.400 mét khối/giây, với một phần nước lũ được chứa trong hồ.

Cơ quan quản lý đập Tam Hiệp hôm 19/8 lần đầu tiên từ trước đến nay đã cho mở toàn bộ 10 cửa xả lũ nhằm giảm nhẹ tác động của lũ lụt đối với công trình.

Động thái xả lũ hồ thủy điện trên sông Dương Tử, kết hợp với lũ sông Gia Lăng đã khiến Trùng Khánh ở tây nam Trung Quốc bị ngập lụt nghiêm trọng, buộc thành phố phải kích hoạt phản ứng cấp cao nhất đối với lũ lụt, gần 300.000 người phải sơ tán khẩn cấp.

Bài học đắt giá từ Băng Cốc – Thái Lan

Hàng năm Thái Lan chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai trong đó có: Lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, hạn hán, cháy nổ, sóng thần. Hầu hết các thảm họa lớn tại Thái Lan có liên quan tới nước. Lượng nước chảy về từ thượng lưu con sông Chao Phraya, đổ xuống đồng bằng và thoát ra Vịnh Thái Lan.

Những năm gần đây, lượng nước đổ về quá lớn, vượt quá khả năng của hồ chứa, tiêu thoát của các con sông, kết hợp với mực nước biển dâng gây ngập lụt thường xuyên vào mùa mưa.

Vào năm 2011, những đợt lũ xuất hiện sớm, liên tục duy trì ở mức cao, kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10, khác với quy luật lên nhanh, xuống nhanh ở khu vực này.

Sơ đồ các đập lớn trên lưu vực sông Chao Phraya. Đồ họa: Tổng cục Phòng, chống thiên tai.

Sơ đồ các đập lớn trên lưu vực sông Chao Phraya. Đồ họa: Tổng cục Phòng, chống thiên tai.

Đặc biệt, vào đầu tháng 10, hầu hết các hồ chứa đã đầy và phải xả lũ làm gia tăng ngập lụt ở hạ lưu. Những con đê bảo vệ những khu công nghiệp đã vỡ, dẫn đến nước lũ tràn vào rất nhiều nhà máy và làm hỏng hàng loạt các dây chuyền sản xuất.

Trong tháng 10, Thái Lan tiếp tục chịu mưa lớn do ảnh hưởng của siêu bão Nalgae. Khi con đê ngăn nước vào kênh dẫn nước Khlong Prapa vỡ vào ngày 20/10, nước lũ tràn vào kênh và chảy xuống khu Sam Sen ở trung tâm Băng Cốc, làm ngập rất nhiều khu vực dọc bờ sông.

Khu vực trường đại học Thammasat, vốn được xem là khu vực chủ chốt cho việc tị nạn của người dân khi lũ tới cũng đã bị ngập.

Tại Băng Cốc, mức độ ngập lụt vùng ven đô từ 1 - 2m, trung tâm thành phố ngập 0,5m, một số khu vực ngập sâu nhất tới 4m. Toàn bộ các khu công nghiệp vùng ven đô bị ngập nước.

Tiến hành cứu trợ tiền (162 USD/hộ dân) trong đó tại Băng Cốc là 100 triệu USD cho trên 600.000 hộ dân tại 30 huyện, 45,1 triệu USD cho 2,2 triệu hộ dân tại 62 tỉnh bị ảnh hưởng. Tổ chức cấp, phát lương thực, thực phẩm cho nhân dân.

Người dân Thái bám vào dây thừng để chống chọi nước lũ hôm 25/10. Ảnh: nationmultimedia.com.

Người dân Thái bám vào dây thừng để chống chọi nước lũ hôm 25/10. Ảnh: nationmultimedia.com.

Nhận thấy đây là bài học đắt giá liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát – Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã cử đoàn công tác của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đi thực tế, tìm hiểu tình hình lũ lụt tại Thái Lan từ ngày 19/12 đến ngày 24/14.

Ông Hoài  lúc đó có mặt trong đoàn công tác sang Thái Lan. Ông cho biết, nguyên nhân Thái Lan dẫn đến thiệt hại trên, ngoài những tác động khách quan từ thiên tai (do mưa lớn kéo dài tại khu vực thượng lưu vượt 40% so với trung bình nhiều năm), còn do nhận định thiếu chính xác về diễn biến lũ.

Do đó, cơ quan quản lý nhà nước đã cho một số hồ chứa, nhất là hồ Bhumibol giữ vai trò quan trọng nhất việc cắt lũ cho thủ đô Băng Cốc (như hồ Sơn La, Hòa Bình của Việt Nam) tích nước sớm, không còn khả năng điều tiết lũ cho hạ du.

Khi lũ về vượt quá khả năng, hồ chứa đã phải xả, góp phần tăng mức độ ngập lũ tại hạ lưu. Đặc biệt, lưu lượng xả tối đa của hồ Bhumibol chỉ ở mức 1.200 m3/s (rất nhỏ so với mức xả năm 1996 của hồ Hòa Bình trên sông Đà là 22.000 m3/s, lưu lượng đỉnh lũ năm 2000 tại Tân Châu là 26.500 m3 /s, tại Châu Đốc là 7.400 m3/s).

Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn đã đề xuất tăng cường năng lực cho công tác dự báo, song chưa được chấp nhận. Bên cạnh đó, hệ thống lòng dẫn tiêu thoát bị lấn chiếm, co hẹp do phát triển đô thị, khu công nghiệp, công trình hạ tầng, dẫn đến việc tiêu thoát lũ chậm, đặc biệt tại khu vực phía đông Băng Cốc.

Đó là những sự cố thiên tai và bài học kinh nghiệm không thể nào quên đối với những người làm công tác phòng, chống thiên tai. Từ đó, vận dụng một cách hiệu quả, linh hoạt để vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện Việt Nam sau này, nhất là với các hồ quan trọng như thủy điện Hòa Bình và Sơn La.

  • Tags:
Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.