Bài toán “tích hay xả”
Việc vận hành linh hoạt hồ Hòa Bình để dung hòa mục tiêu đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du với phát triển kinh tế xã hội là rất phức tạp; đôi khi nảy sinh mâu thuẫn, quan điểm trái chiều giữa các tổ chức dùng nước và cơ quan quản lý nhà nước.
Bởi vậy, mỗi lần mực nước hồ Hòa Bình và các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng chạm mực nước dâng bình thường trong mùa mưa lũ, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các Bộ, ngành liên quan (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia...), các cơ quan, đơn vị nghiên cứu liên tục họp bàn trong bầu không khí khá căng thẳng.
Trở lại câu chuyện vận hành xả lũ hồ chứa Hòa Bình và Sơn La để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong những ngày cuối mùa mưa lũ (9/2020), quan điểm tích nước hay xả nước khi mực nước đã đạt đến mực nước dâng bình thường, đặt Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vào tình huống “cân não”.
Ông Nguyễn Văn Hải – Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) chia sẻ: Việc lên phương án vận hành hồ chứa thủy điện trong giai đoạn lũ muộn là khó khăn nhất. Bởi khi hồ đã tích đầy nước phục vụ phát điện trong mùa khô, nếu xảy ra tình huống bất lợi thì gần như không có dung tích cắt lũ”.
Đối với kịch bản bất lợi như hiện nay, công tác phòng, chống thiên tai buộc phải tuân thủ các thứ tự ưu tiên.
Theo đó, đảm bảo an toàn công trình hồ đập là quan trọng số một, sau đó đến an toàn hạ du rồi mới đến đảm bảo nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và phát điện. Riêng đối với hồ Hòa Bình, được xem là chốt chặn cuối cùng đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, nguyên tắc bất di bất dịch khi mực nước vượt cao trình 117m là phải mở cửa đáy xả lũ.
Còn đối với hồ Sơn La, do mới được đầu tư xây dựng và kết cấu công trình vững chắc nên dù mực nước đã đạt mực nước dâng bình thường là 215m, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho phép tích nước cao hơn mực nước dâng bình thường.
Đây là bài toán khó, bởi nếu chấp thuận theo kiến nghị của EVN, lũ vẫn tiếp tục dồn về hồ thủy điện Sơn La mà không còn dung tích phòng lũ thì bắt buộc phải xả cấp tập xuống hạ du, gây ra những thiệt hại lớn.
Khi kết quả dự báo sai số lớn
Ông Nguyễn Văn Hải cho biết, hiện nay, chúng ta đang kẹt giữa một khó khăn lớn chưa thể giải quyết được. Đó là tính chính xác của công tác dự báo khí tượng thủy văn và tính toán lưu lượng nước chảy đến các hồ.
Nếu tính toán đúng thì chúng ta sẽ có đủ cơ sở để điều hành một cách mềm mại, khoa học, làm sao cân bằng giữa lưu lượng nước đến và lưu lượng xả để không bị lãng phí nguồn nước mà vẫn đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, độ tin cậy của công tác dự báo hiện nay vẫn là dấu hỏi. Có thể lấy số liệu dự báo của năm 2017 để minh chứng cho điều này. Khi chúng ta dự báo lưu lượng đến hồ Hòa Bình khoảng thời gian 10/10 chỉ từ 3.000 – 5.000m3/giây thì thực tế lên gần 16.000 m3/giây, và khi dự báo lưu lượng nước về hồ khoảng 16.000m3/giây thì thực tế lại giảm xuống chỉ còn 3.500 – 4.000m3/giây.
Trong tình thế bị động, chỉ trong ngày 11/10/2017, chúng ta đã phải xả 8 cửa đáy để đảm bảo an toàn cho hồ Hòa Bình và chấp nhận nguy cơ rủi ro ở vùng hạ du.
Điểm đặc biệt của các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, nhất là hồ Sơn La và Hòa Bình là phụ thuộc 70% vào lưu vực nằm ở phía Trung Quốc. Bởi vậy, chúng ta càng phải tính toán cẩn trọng trong công tác vận hành để đảm bảo hài hòa các lợi ích, nhất là phòng lũ khi các hồ chứa bên Trung Quốc xả lũ cấp tập.
Cũng theo ông Hải, khi xảy ra những tình huống bất lợi và khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai, việc quy trách nhiệm và thẩm quyền cho từng tổ chức, cá nhân là rất quan trọng.
Trước đây, khi thực hiện theo Quyết định 1622 của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng, vẫn có ý kiến cho rằng chủ hồ (EVN) là đơn vị vận hành.
Nhưng khi có lệnh mở cửa xả đáy do mực nước vượt quá mực nước dâng bình thường, chủ hồ EVN vẫn chưa mở. Bởi, về nguyên tắc kinh tế thì của chủ hồ bao giờ cũng muốn giữ tối đa nguồn nước, nhưng khi mực nước dâng cao vượt mức cho phép thì trách nhiệm nặng nề lại thuộc về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.
Do đó rất cần nghiên cứu để thay đổi quy trình vận hành hồ chứa thủy điện lưu vực sông Hồng để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế.
Một bài học nữa cũng đáng được quan tâm, đó là người dân và chính quyền địa phương ở vùng hạ du lưu vực sông Hồng không được phép lơ là, chủ quan.
Phải luôn xác định tình huống hồ thủy điện có thể xả lũ bất cứ lúc nào trong mùa mưa lũ để chủ động bố trí cơ cấu mùa vụ nuôi trồng thủy sản trên sông; lựa chọn các cây trồng, hoa màu ngắn ngày trên diện tích vùng đất bãi để thu hoạch nhanh khi nước sông Hồng dâng cao.
Sau 4 năm thủy điện trên sông Hồng không xả lũ, đến năm 2016 khi hồ Hòa Bình mở 3 cửa xả đáy, rất nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông đã bị thiệt hại do sốc môi trường.
Nguyên nhân là do bà con và chính quyền địa phương lơ là, nghĩ rằng hồ chứa thủy điện có khả năng cắt lũ nên không thu hoạch hoặc di chuyển lồng bè khỏi vùng an toàn. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai phải được triển khai thường xuyên, liên tục, nhất là trong mùa mưa bão.
Hồ Hòa Bình được thiết kế dung tích phòng lũ khoảng 3 tỷ m3 nước. Nếu sử dụng hiệu quả nguồn nước từ dung tích cắt lũ này để phát điện cho mùa khô sẽ cực kỳ giá trị.
Ước tính, tổng lưu lượng nước xả qua một cửa xả đáy hồ Hòa Bình mỗi ngày có thể phát được 30 triệu kWh điện. Nếu nhân với giá điện bình quân hơn 1.000 đồng/kwh thì sẽ có giá trị kinh tế rất lớn.
Tuy nhiên, chúng ta không thể đánh đổi vài chục tỷ đồng mỗi ngày để đánh mất an toàn công trình và tài sản, tính mạng của hàng chục triệu người dân vùng hạ du.