| Hotline: 0983.970.780

Lúa, mía chết, dân hết kế sinh nhai

Thứ Ba 24/09/2024 , 06:00 (GMT+7)

Hàng trăm ha lúa và mía tại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đứng trước nguy cơ mất trắng do ngập úng kéo dài.

Cả cánh đồng ngập trắng băng

Mắt ông Nguyễn Hữu Long thâm quầng vì mất ngủ. Hơn 3 năm từ khi đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND xã Thành Trực (Thạch Thành, Thanh Hóa), đây là lần đầu tiên cán bộ này chứng kiến trận lụt lớn xảy ra trên địa bàn. 

Vừa qua, nước sông Bưởi dâng cao quá ngực người lớn khiến tỉnh lộ 523 đoạn chạy qua thôn Đa Đụn ngập sâu trong nước kéo dài khoảng 2km. Ông Long cùng cán bộ xã phải ứng trực 24/24 giờ tại ủy ban để ứng phó với thiên tai.

Bà Tình mất trắng mấy sào lúa đang độ chắc xanh. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Tình mất trắng mấy sào lúa đang độ chắc xanh. Ảnh: Quốc Toản.

Xong chuyện cứu người, tài sản, UBND xã Thành Trực lại lo cứu lúa, mía. Cái khó ở chỗ cánh đồng lúa làng Đa Đụn một bên ghé núi, bên kia ghé sông nên khi nước dâng cao không có chỗ thoát. Bởi vậy, hàng chục ha hoa màu của người dân chỉ còn cách “sống chung với lũ”. 

Trời hửng nắng, bà con làng Đa Đụn (xã Thành Trực) vội vã ra đồng thăm lúa. Mùi thối từ ruộng lúa ngâm nước nhiều ngày xộc thẳng vào cánh mũi người đi đường, gây cảm giác khó chịu. Tại chân ruộng, lác đác vài hộ dân tranh thủ ra đồng gặt vội mấy khoảnh lúa để kiểm tra độ chắc. Cả cánh đồng lúa rộng hàng chục ha đang độ vào hạt nhuốm bùn đất, “cúi đầu” chịu trận khi lũ về.

Hạt lúa ngâm nước lâu nên bị thối. Ảnh: Quốc Toản.

Hạt lúa ngâm nước lâu nên bị thối. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Bùi Thị Duyên và dân làng Đa Đụn vừa lo xong chuyện chạy lụt, giờ lại phải gánh thêm chuyện sinh kế trong những ngày tới. Ngoài mấy sào lúa, mía, mấy năm trước bà Duyên nuôi cả trâu, lợn để kiếm thêm thu nhập, nhưng vì lo ngại dịch bệnh nên gia đình quyết định bỏ đàn. Kế sinh nhai của 6 nhân khẩu trong nhà phụ thuộc hẳn vào đồng ruộng.

Ấy vậy mà trời chẳng thương. Toàn bộ 6 sào lúa của gia đình bà đang thối dần vì ngâm lâu trong nước. Nước rút, bà chẳng đoái hoài chuyện thu hoạch vì chỉ thêm tốn công thuê mướn.

“Lúa đang vào chắc xanh thì ngâm nước 7 ngày. Khi dân ra đồng đã ngửi thấy mùi thum thủm. Dân thử gặt về nhưng gà không thèm ăn. Giờ chỉ còn cách làm rơm rạ cho trâu bò. Cả năm chăm bón, nay sắp thu hoạch thì mất trắng. Lúa không có năng suất, nhưng thợ đòi công gặt 180 nghìn đồng/sào. Giờ bà con cũng chẳng biết tính toán như thế nào cho hợp lý”, bà Duyên chua xót.

Sống hơn nửa đời người, đây là lần thứ 2 bà Duyên cùng người dân làng Đa Đụn chịu thiệt hại lớn do mưa lũ: “Những lần trước nước lên nhanh nhưng rút cũng nhanh nên cứu được 30% diện tích. Còn năm nay xác định mất trắng cả cánh đồng”, bà Duyên nói. 

Ước tính có khoảng 61ha lúa đang chắc xanh không thể thu hoạch. Ảnh: Quốc Toản.

Ước tính có khoảng 61ha lúa đang chắc xanh không thể thu hoạch. Ảnh: Quốc Toản.

Gia đình bà Bùi Thị Tình có gần 3 sào lúa mất trắng sau lũ: “Mọi năm, nước lũ chỉ kéo dài khoảng 1-2 ngày thì rút, nhưng năm nay nước ngập lâu và rút chậm. Chưa có năm nào nước lũ ở đây cứ rút rồi lại lên, có ngày 2-3 lần.

Nước sông dâng cao, ngập úng kéo dài, những bông lúa đang độ chắc bị ngập nước, thối rễ, bốc mùi cả khu ruộng. Khi lũ về, người phụ nữ bất lực nhìn ruộng lúa ngập sâu trong nước mà không có cách cứu. Dân có nguy cơ chịu đói vì mất mùa".

Ông Lê Xuân Mậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trực cho biết: “Với địa hình xã Thành Trực, năm nào ngập lụt nặng chỉ mất 30-50% diện tích, nhưng năm nay cả cây lúa và cây mía đều thiệt hại nặng. Riêng 61ha lúa đang độ chắc xanh có khả năng lớn mất trắng. Dù chính quyền địa phương chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch sau khi nước rút với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhưng nhiều hộ dân chẳng còn mặn mà vì có thu hoạch thì lúa cũng không cho năng suất”.

Mía “đắng”

Dọc bãi bồi sông Bưởi chỉ còn lại những ruộng mía xác xơ. Vài khóm mía ven bờ không đứng vững sau con nước lớn, đổ rạp dưới nước. Phía bờ trục chính loáng thoáng một vài hộ dân chờ nước rút để thăm đồng. 

Dọc sông Bưởi có hàng chục ha mía trồng trên đất bãi. Theo người dân xã Thành Trực, việc tưới nước cho mía thì dễ nhưng tiêu nước thì khó vì phụ thuộc vào mực nước sông Bưởi lên xuống (nước dâng cao không có chỗ thoát). Bởi vậy, sau mưa bão, bà con đành nhìn cây mía bị ngập mà không biết làm gì khác.

Mía ngập sâu trong nước, nhiều bà con trồng mía tại xã Thành Trực đang mất ăn mất ngủ vì công sức nhiều tháng qua đứng trước nguy cơ trắng tay.

Mất cả 6 sào lúa đang độ chắc sữa, cả nhà bà Duyên trông chờ vào 2 mẫu mía mới cao quá đầu người. Cách đây vài ngày, ruộng mía nhà bà và nhiều hộ dân khác vẫn ngập sâu tới 1/3 thân. Cả vựa mía ngả màu đỏ cả phần ngọn và lá. Lóng mía bắt đầu mọc rễ, thân và lá nhuộm bùn, thiếu sức sống. 

Ruộng mía của nhiều hộ dân tại xã Thành Trực ngâm sâu trong nước nhiều ngày. Ảnh: Quốc Toản.

Ruộng mía của nhiều hộ dân tại xã Thành Trực ngâm sâu trong nước nhiều ngày. Ảnh: Quốc Toản.

Người phụ đứng ở đầu bở thửa, nhìn vạt mía đang tuổi trưởng thành, mắt đỏ hoe vì “lực bất tòng tâm”. Vụ này, gia đình bà vừa được hợp tác xã cung ứng số lượng lớn phân bón, tương đương 20 triệu đồng, theo phương thức trả chậm, nhưng chỉ sau một đêm, nước rửa trôi sạch chất dinh dưỡng. 

Điều bà Duyên và các hộ dân nơi đây lo lắng nhất chính là khả năng sinh trưởng và chất lượng mía sau khi nước rút. “Nước ngậm nõn, mía sẽ có nguy cơ chết cao. Cây nào sống sót sẽ đẻ nhánh và chất lượng đường sẽ không cao. Những năm trước, mía trưởng thành khi thu hoạch sẽ chặt được 3 đoạn, năm nay cùng lắm chỉ được 1 đoạn. Vụ này coi như nông dân làm không công chứ chả đùa”, bà Duyên cho biết.

Cũng giống như các hộ dân khác, năm nay gia đình bà Bùi Thị Tình có nguy cơ thất thu vụ mía. “Năm ngoái, gia đình tôi thu nhập khoảng 60 triệu đồng từ tiền bán lúa và mía. Năm nay, lúa coi như mất trắng, còn ruộng mía nước rút đến đâu, cây chết đến đó. Không biết cuối vụ có vớt vát được ít nào không”, bà Tình nói. 

Người dân ươm lại mía để trồng. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân ươm lại mía để trồng. Ảnh: Quốc Toản.

Chạy dọc bãi bồi sông Bưởi còn hàng chục ha mía nguyên liệu (mía ép lấy nước) vừa xuống giống cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều diện tích mía đã chết khô, nằm rạp dưới đất khi nước rút. 

Mía chết, người dân bắt đầu ươm lại giống, cải tạo đất để trồng mới. Gia đình bà Trần Thị Thắm, người dân thị trấn Kim Tân (huyện Thạch Thành) có 10 sào mía nguyên liệu bị ngập, chết khô sau bão. Bà cùng nhiều hộ dân khác phải chạy đôn đáo khắp nơi để tìm giống. “Với 10 sào mía cần 5 tấn mía giống. Tính cả tiền giống, công thuê trồng, phân bón để trồng lại mía, gia đình tốn khoảng 38 triệu đồng. Người dân xác định, trồng mía năm nay không đủ tiền công và vật tư đầu vào. Năm nay coi như lỗ, nhưng không trồng mía thì người dân chưa biết phải làm nghề gì khác”, bà Thắm chia sẻ.

Ông Lê Xuân Mậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trực cho biết, toàn xã có khoảng 300ha mía, thì hầu hết diện tích đều bị ngập, nhiều ha mía có nguy cơ mất trắng do ngâm nước lâu. Đối với bà con bị thiệt hại, địa phương đã thống kê và đề nghị UBND huyện Thạch Thành hỗ trợ cây giống để bà con tái sản xuất vào vụ sau.

Xem thêm
Tinh gọn tổ chức bộ máy: Phải làm nhanh, tạo đột phá mang tính cách mạng

Sáng 25/11, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bình Định tập trung khắc phục các điểm sạt lở

Lực lượng chức năng của huyện miền núi An Lão đang tập trung khắc phục các điểm sạt lở do mưa lớn để khơi thông ách tắc giao thông.