Theo truyền thống, lễ cúng tất niên thường được tổ chức vào chiều ngày 30 Tết (hoặc 29 Tết nếu tháng Chạp không đủ 30 ngày). Tuy nhiên, ngày nay, các gia đình có thể sắp xếp tổ chức tiệc tất niên sớm hơn một chút tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình.
Vào ngày cúng Tất niên, cả đại gia đình thường tụ tập, quây quần bên mâm cơm tất niên, cùng nhau trò chuyện, cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống và cùng tổng kết lại một năm đã qua.
Mâm cơm cúng Tất niên tại miền Bắc
Tại miền Bắc, một mâm cơm cúng Tất niên truyền thống thường bao gồm: Bánh chưng, giò các loại (giò lụa, giò xào, giò bò), gà luộc, thịt đông, nem rán, đĩa xào thập cẩm (su hào, mộc nhĩ, miến, lòng gà), canh măng, chè kho, dưa hành muối, nộm đu đủ thịt bò khô hoặc nộm su hào, canh miến.
Ngoài các món mặn, gia chủ dâng hoa tươi hoặc cành đào nhỏ, trầu cau, trà rượu, gạo muối.
Với các gia đình cúng chay thì có thể dâng cúng mâm cơm chay đơn giản hơn: Bánh chưng chay, chè kho, chè bà cốt (chè con ong), cơm, đậu rán, giò chay, canh củ quả chay hoặc canh măng chay, nộm đu đủ, xôi đậu xanh.
Mâm cơm cúng Tất niên tại miền Trung
Mâm cúng Tất niên ở miền Trung sẽ khác hơn so với miền Bắc. Một mâm cơm cúng ngày 30 Tết của miền Trung thường bao gồm: bánh chưng, bánh tét, đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa gà bóp rau răm, đĩa thịt đông, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa ram.
Mâm cơm cúng Tất niên tại miền Nam
Mâm cúng Tất niên ngày 30 Tết tại miền Nam sẽ bao gồm các món: bánh tét kèm đĩa củ cải ngâm nước mắm; canh măng nấu (dùng măng tươi thay cho măng khô), thêm bát canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa); đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, nem rán, chả giò, dưa giá, củ kiệu.
Sau khi hoàn thành mâm cỗ cúng, người lớn tuổi trong nhà sẽ thắp hương và đọc văn khấn, rồi các thành viên khác làm lễ vái. Nội dung chính là mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình.