| Hotline: 0983.970.780

Mấy lời tiễn đưa Nguyễn Khắc Phục

Thứ Hai 23/05/2016 , 08:06 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã tạ thế lúc 3h40 sáng 20/5/2016 tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) sau gần 11 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.

Tên ông đến với tôi khi tôi chưa diện kiến, tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” nghe đâu bị đốt, nhưng không tìm đọc.

Tôi chỉ thực sự kính trọng ông khi, cũng thời điểm 1984 ấy cái bút ký mà giờ tôi cũng quên tên nó, in trên báo Văn nghệ nói về chứng bệnh buồn ngủ đang lây lan như dịch.

Máy bay buồn ngủ, Hà Nội buồn ngủ, buồn ngủ những người đang đi trên đường, chống chân xuống đường gục lên ghi đông, ngủ, đang quét rác, chống cằm lên cán chổi tre, ngủ; những người đang chuyện trò mà rồi cứ thi nhau gà gật, ngay cả người nói cũng vừa gà gật vừa nói.

Ôi cái năm 1984, đến bo bo cũng đã không còn có mà ăn, kho vàng xuất gần hết để mua nửa triệu tấn gạo tấm của Ấn Độ. Ăn gạo tấm xát trắng đến lõi thì dễ tưởng tượng ra bệnh chứng này, nó sinh từ gốc thiếu vitamin B1 toàn quốc.

Nhưng để nâng thành khái luận hội chứng cho một thảm họa giống nòi rồi viết nó tưng tửng mà ám ảnh đến thế, rồi lại đăng lên được Báo Văn nghệ thời ấy, thì chỉ tài năng xuất chúng Nguyễn Khắc Phục mới làm nổi.

Lần đầu tiên tôi gặp ông là lúc ông nói về vi tính, về giao diện và về mạng, tại tổ thơ Báo Văn nghệ vốn là cái phòng gì đó chừng 3m2 cải tạo thành, giữa rất đông người nghe nhưng không rõ mặt ai vì khói thuốc mù mịt.

Tàn buổi sáng thì chỉ còn lại ông với tôi tiếp tục nói về giao diện, rồi từ nguyên lý giữa các giao diện khả dĩ phái sinh các khuynh hướng sáng tạo luôn bất ngờ để tương thích nhau trong cùng một văn bản, về cuối đời ông kịp viết xong tiểu thuyết “Hỗn độn” như để xong đi một việc khởi từ buổi sáng mù mịt khói năm xưa.

Với tôi, nhờ buổi sáng mù mịt khói thao thao về giao diện này, tôi luyện để cái giống nhau, cái bất tương thích của nhiều thời, giữa thời nọ với thời kia có thể gói lại trong một câu văn không quá phức hợp.

Chỉ đến khi ông đưa tôi đi uống rượu thịt chó ở Lê Văn Hưu, mới chuyển sang nói chuyện về lịch sử. Tôi có cảm giác, giữa tri thức hiện đại nhất của nhân loại với kiến văn lịch sử xa xưa nhất của dân tộc Việt Nam đều sống vô cùng sục sôi nhưng cũng vô cùng ổn thỏa trong con người tài tử này.

Tôi có cảm giác, ngay cả nhà sử học Dương Trung Quốc (hai người đều yêu mến tương kính nhau) cũng khó có đủ tự tin để nói chuyện với ông về lịch sử.

Thuộc sử, đã đành, nhưng dùng nó như một đại (diện) thế luận cho mọi chuyện thật chính xác là Đỗ Chu đệ nhất, chỉ trong vài ba câu với liều lượng tục nhân dân dã vừa đủ còn sử dụng nó như một cái cờ lê vạn năng để tháo gỡ mọi ách tắc của thời đại hay lau chùi thay phụ kiện để các biến cố hôm nay vận hành trơn tru trở lại thì Nguyễn Khắc Phục đương kim đệ nhất, theo như tôi biết.

Yêu lịch sử dân tộc khó ai bằng ông, nhưng một hôm ông đưa tôi cuốn tiểu thuyết ngắn - “Huyền đô” - lấy bối cảnh là trận lụt năm Thìn (1964) xảy ra tại Huế.

Nước ngâm lâu ngày, các hàng cột hiên, các căn nhà rường dẹo dọ gẫy đổ. Một chiều kia nàng công chúa cháu nội vua từ chỗ trọ lụt trở về nhà, cùng người nhà đào chân cột để tìm cuốn kim sách, khả dĩ bán để lấy tiền sống đỡ lúc gieo neo.

Ai ngờ kim sách không phải là vàng, là tập giấy bồi phủ nhũ như vàng thật, sau một tuần ngâm nước đã mủn rã ra. Nó ở trong cuốn nào, anh Phục? Ông không nói được nữa. Ngồi với ông tuần trước, cái ống thở trong miệng, nên chỉ nói bằng đôi mắt, chỉ nhắm mở mắt hay qua lại con ngươi mọng nước. Bây giờ thì lại càng không…

Nhưng một mảng lớn sáng tạo của Nguyễn Khắc Phục tôi không đủ thì giờ để theo học, ấy là viết kịch bản văn học/phim và kịch bản lễ hội. Tôi tiếc các kịch bản "Lễ hội", người ta ngại nọ kia không làm theo, hay nếu làm theo thì cũng không dám nhấn đậm.

Ví dụ mười cái xe conteiner xếp dãy trồng tre làm nên bờ sông Như Nguyệt/ phòng tuyến Như Nguyệt, nơi từ đâu đó giọng Lý Thường Kiệt ngâm thơ thần truyền qua loa, loa nọ truyền loa kia, tạo nên chuỗi âm thanh hùng vĩ vang rền là điểm nhấn cho Lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì đã bị biên tập lược bỏ.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (sinh năm 1947, quê ở Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) được biết tới với tiểu thuyết "Bay qua cõi chết", "Ngôi đền", "Thuyền nhân", "Thăng Long ký"... Ông cũng được mệnh danh là ông vua kịch bản lễ hội. Nhà văn qua đời để lại khoảng 70 vở kịch sân khấu, 12 kịch bản điện ảnh, vài trăm tập phim truyền hình và nhiều kịch bản lễ hội.

Hay như kịch bản tôn vinh nhà thơ Phạm Tiến Duật: Võng ông ra khuôn viên bệnh viện 108, với nguyên trạng y cụ dây dẫn dịch truyền loằng ngoằng, khách ngồi đứng quanh võng ông nằm, dưới các gốc cây cột võng cho khách ngồi đứng xem, mặc quân phục mũ tai mèo hoặc thanh niên xung phong, treo la liệt những khẩu hiệu viết chữ vôi lên tường, lên cót.

Rồi hát bài hát "Trường Sơn đông - Trường Sơn tây" phổ thơ Phạm Tiến Duật, đọc thơ Phạm Tiến Duật trên nền nhạc guitar rồi piano. Nghĩa là dựng hẳn lại khí thiêng Trường Sơn và con chim khiếu của nó là Phạm Tiến Duật nằm giữa. Bệnh viện không cho làm, lấy cớ là chưa có tiền lệ nên phải xin phép lôi thôi.

Nguyễn Khắc Phục là một con người thật nhiều Phật tính. Một tuần viết xong vở kịch, nhận trăm hay dăm chục triệu rồi vút lên một trại trẻ mồ côi kiếm sống cạnh bãi rác Diên Khánh cho một ít, để nhà cho vợ con một ít; một ít mang ra Hà Nội bia rượu với bạn bè, còn bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Thế rồi khi bạn bè, như Phạm Tiến Duật nằm liệt, Nguyễn Khắc Phục bỏ ra ròng rã ba tháng bên giường bệnh, làm tuyển, lo kiếm tiền in ra "Tuyển tập Phạm Tiến Duật" xong gần như chạy bộ vào 108 trao sách, Phạm Tiến Duật như vồ lấy rồi cứ giữ khư khư như thể đó là chỗ níu bám cuối cùng với dương thế…

Thôi anh chả ở nữa thì đi cho chân cứng đá mềm. Một con người tài năng dư thừa, sáng kiến dư thừa, dự kiến lớn khó ai vượt qua. Nhưng tôi đoán anh đã nhẹ nhõm ra đi. Hy vọng, sông mê cháo lú không xóa hết nổi tri thức và sáng kiến quá khổ một con người.

Để linh hồn anh khi tái sinh, có nền tảng, có đà mà tiếp tục làm những gì còn dang dở, lần ấy thì xin làm kỹ hơn, anh ạ. Cầu mong thần thức Nguyễn Khắc Phục được thanh thản.

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Hiệp hội Golf Việt Nam tăng số lượng giải đấu

Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) đã công bố hệ thống giải đấu golf năm 2025, bao gồm 9 giải chuyên nghiệp, 6 giải nghiệp dư và 10 giải đấu trẻ.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.