Đây là ý kiến được nêu tại Hội nghị Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) sáng 6/12 do Bộ NN-PTNT tổ chức. Hội nghị với sự tham dự của đại diện Ngân hàng Thế giới, đại diện Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và địa phương nhằm định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành NN-PTNT trong giai đoạn 2026-2030.
'Mềm hóa' vốn vay
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang tham gia hai dự án quan trọng là Dự án Chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (WB11) và Dự án giảm phát thải khí carbon. Trước đây, các khoản ODA thường có sự hỗ trợ từ các chính phủ để “làm mềm” vốn vay, mang lại lợi ích quan trọng trong việc nâng cao năng lực và thay đổi nhận thức của người dân.
Tuy nhiên, với các đề xuất gần đây, hầu hết các nhà tài trợ chỉ tập trung vào các dự án xây dựng hạ tầng mà không đi kèm các chương trình nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi sản xuất của người dân, điều này có thể dẫn đến thiếu tính bền vững.
Đại diện Đồng Tháp kiến nghị các tổ chức tài trợ cần xem xét mức lãi suất vốn vay, hiện đang ở mức cao, và cân nhắc tìm kiếm nguồn tài trợ nhằm tập trung vào nâng cao nhận thức, đảm bảo sự bền vững cho các dự án. Đặc biệt, các dự án ODA về giảm phát thải khí carbon, trong bối cảnh các chương trình lớn đang được triển khai tại ĐBSCL, cần được ưu tiên với các điều kiện vay ưu đãi hơn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn đáp ứng cam kết toàn cầu tại COP26 về giảm phát thải.
Đồng thời, với những tỉnh khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tỉnh Đồng Tháp kêu gọi các chính sách ưu đãi và cơ chế đặc thù để có thể triển khai hiệu quả các dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực giảm phát thải và chuyển đổi bền vững cho vùng.
Ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhìn nhận, những hợp tác với các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB) thời gian trước đây rất hiệu quả. Một phần là do, ngành nông nghiệp đã khai thác một cách hiệu quả những hỗ trợ kỹ thuật từ các dự án ODA.
Lấy ví dụ về Dự án VnSAT, ông Phát nhấn mạnh, rằng nhờ các hỗ trợ kỹ thuật, mà năng suất cà phê của Việt Nam đã gấp 3 lần mức trung bình của thế giới, đạt từ 2,5 - 3 tấn/ha. Điều này góp phần quan trọng giúp Việt Nam trở thành cường quốc cà phê, và hiện là nước xuất khẩu lớn thứ nhì thế giới.
Hoặc về sản xuất lúa gạo, Dự án VnSAT giúp cơ bản hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, và khoảng 200.000ha tiếp tục được kế thừa, phát triển trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
“Có lẽ chúng ta cần tính toán và sử dụng hợp lý hơn những hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn ODA, để nâng cao hiệu quả và khả năng thu hút đầu tư”, ông Phát bày tỏ.
Day dứt nếu 'món quà' từ các tổ chức trao cho người dân bị chậm
Chia sẻ tại Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận với nguồn vốn ODA.
Đối với lãi suất của vốn vay ODA không ưu đãi, Bộ trưởng cho biết Việt Nam không thể tự giảm lãi suất này, song cần thay đổi cách tiếp cận đối với nguồn vay ODA với tư duy không coi ODA là nguồn vốn đầu tư hạ tầng, mà nguồn ODA còn cần tăng cường năng lực, khuyến nghị chính sách, nâng cao năng lực các cấp, cộng đồng và địa phương.
Ví dụ như với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là điển hình cho sự phối hợp toàn diện, trong đó không chỉ có trồng lúa chất lượng, giảm phát thải mà còn có các chương trình lồng ghép khuyến nông cộng đồng, cơ giới hóa và chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần “mềm hóa” lãi suất vay bằng các khoản viện trợ không hoàn lại, giúp người dân, địa phương cảm thấy cân bằng hơn, giảm được cú sốc từ lãi suất tăng, trước sự thật cần nhìn nhận thẳng thắn là, có địa phương vẫn luôn coi ODA là nguồn vốn lãi suất thấp để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, lãnh đạo Bộ NN-PTNT kêu gọi các nhà tài trợ đồng hành chặt chẽ hơn khi Chính phủ đang tiến hành cải cách thể chế và tinh gọn bộ máy quản lý theo tinh thần Nghị quyết 18. Quốc hội cũng đang sửa đổi các luật liên quan đến ODA, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các nhà tài trợ. Bộ trưởng đề nghị các đối tác đơn giản hóa quy trình làm việc, giảm bớt sự chồng chéo giữa các bộ ngành, để các dự án không bị chậm trễ và phát huy tối đa giá trị cho người dân.
“Nếu một dự án liên quan tới quá nhiều đơn vị cấp bộ, hoặc quá nhiều địa phương, thì 'món quà' mà các tổ chức trao cho người dân sẽ bị chậm lại. Điều này khiến chúng tôi, những cơ quan quản lý thấy day dứt”, Bộ trưởng nói.
Các dự án sẽ có thêm nhiều giá trị nữa từ chính cách thức tiếp cận dự án của đối tượng thụ hưởng, ở đây là các địa phương và người dân.
“Với sự đồng hành của các bạn quốc tế, chúng ta không thể để tình trạng kết thúc dự án là kết thúc mọi việc. Mà kết thúc dự án lại là bắt đầu cho những điều mới mẻ khác, như nông nghiệp thông minh, giảm phát thải, giúp nhận thức của người dân được nâng lên một tầm cao mới”, Bộ trưởng gợi mở.
Các dự án cần có sức lan tỏa, không chỉ giới hạn trong một tỉnh mà phải tác động đến nhiều địa phương khác, đồng thời tạo giá trị liên ngành như xây dựng hạ tầng nông nghiệp nhưng cũng hỗ trợ giao thông và sinh kế.
Bộ trưởng đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhìn nhận toàn diện hơn về các dự án ODA, không chỉ tập trung vào lãi suất, mà cần tháo gỡ những nút thắt để sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn.