Mặn có thể xuất hiện sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm
Nhận định tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô 2023 - 2024, trong bản tin dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL mới nhất do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện cho thấy, mực nước chảy về châu thổ sông Mê Kông vào đầu mùa khô 2024 tại trạm Kratie, Biển Hồ đều thấp hơn mực nước mùa khô 2017 - 2018 và 2022 - 2023.
Do nguồn nước về ĐBSCL vào mùa khô 2023 - 2024 thuộc nhóm năm ít nước, kết hợp với ảnh hưởng của El Nino nên khả năng mặn xâm nhập trong mùa khô 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng dự báo mặn có thể xuất hiện sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Theo đó, mặn có thể ảnh hưởng đến vùng cây ăn trái cách biển từ 30 - 45km trong tháng 1. Từ tháng 2 - 3, mặn tăng cao, các vùng sản xuất cách biển từ 50 - 65km khả năng lấy nước tưới bị hạn chế. Do đó, các địa phương vùng ĐBSCL cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn để lấy nước tích trữ phục vụ sản xuất.
Đến cuối tháng 1, các địa phương ở vùng thượng ÐBSCL là An Giang, Ðồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ nguồn nước đảm bảo cung cấp cho sản xuất nông nghiệp.
Tại các địa phương vùng giữa ĐBSCL trong tháng 1 ranh mặn 4g/l ảnh hưởng sâu nhất trên các cửa sông khoảng 30 - 45km.
Đối với các địa phương vùng ven biển, nguồn nước hiện còn đảm bảo, cần tranh thủ tích nước ngọt để đảm bảo sản xuất trong các tháng mùa khô, tăng cường giám sát mặn...
Do đó, các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn phù hợp với điều kiện từng vùng.
Xâm nhập mặn cũng có thể xuất hiện bất thường ở vùng ven biển, làm ảnh hưởng đến nguồn nước và hệ thống thủy lợi như: Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú – Tiếp Nhựt. Các địa phương cần chuẩn bị phương án ứng phó và tích trữ nước hợp lý khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng của mặn, nhất là vùng trồng cây ăn trái ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam thuộc tỉnh Bến Tre và huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Từ những nhận định trên, bên cạnh việc khẩn trương nạo vét các kênh thủy lợi, các địa phương vùng ĐBSCL đang đẩy mạnh vận hành công trình thủy lợi theo diễn biến thực tế nguồn nước.
Thời điểm này, Công ty Cổ phần Thủy lợi Sóc Trăng đã bố trí nhân viên trực các cống 24/24 giờ để kịp thời lấy nước ngọt vào kênh nội đồng.
Đồng thời, duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cống trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo không rò rỉ nước mặn khi mặn xâm nhập trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh. Hệ thống kênh thủy lợi được nạo vét phục vụ tốt cho nông dân trữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 635 cống, 1.000km kênh và 95km đê biển. Thực tế, hệ thống công trình thủy lợi này chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh. Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đầu tư hệ thống cống dọc theo Quốc lộ Nam Sông Hậu từ âu Rạch Mọp đến các hệ thống cống dài xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách. Sau khi hoàn thành, hệ thống thủy lợi này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả kiểm soát nguồn nước, đảm bảo vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản của tỉnh Sóc Trăng.
Đối với hệ thống thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt và các hệ thống thủy lợi khác trên địa bàn, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã lập dự án đề nghị vay vốn trung ương để xây dựng âu thuyền Đại Ngãi, âu thuyền Mỹ Xuyên. Khi hoàn thành sẽ tạo vùng thủy lợi khép kín đảm bảo kiểm soát tốt hạn mặn cho địa phương.
Coi trọng yếu tố phòng là chính
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong mùa khô năm 2023 - 2024, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, nhiệt độ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C, nguy cơ làm gia tăng bốc hơi, tăng nhu cầu sử dụng nước của cây trồng và vật nuôi.
Nguồn nước về ĐBSCL trong mùa khô 2023 - 2024 có khả năng thiếu hụt từ 10 - 15% so với trung bình nhiều năm, nguồn nước ngọt khó khăn ngay từ đầu mùa khô, nhất là các khu vực ven biển, xa dòng chính sông Cửu Long.
Hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Từ tháng 2 - 4/2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%. Từ cuối tháng 1 - 4/2024, tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Kông về hạ lưu và ĐBSCL xuống dần ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10%. Mực nước sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều với xu thế xuống dần.
Ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang cho biết, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024 trên sông Cái Lớn và Cái Bé xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 - 15 ngày. Hiện tại, độ mặn cao nhất tại trạm Gò Quao (cách biển 35km) là 2,7‰, cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1‰, cao hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 2,5‰.
Xâm nhập mặn khu vực Kiên Giang tăng nhanh vào cuối tháng 1/2024, độ mặn cao nhất mùa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020. Dự báo độ mặn cao nhất mùa khô 2023 - 2024 trên sông Cái Lớn, Cái Bé xuất hiện vào tháng 4/2023 và khả năng duy trì ở mức cao đến giữa tháng 5/2024.
Mưa trái mùa diễn ra ít trong mùa khô, kết hợp với nắng nóng, nền nhiệt độ ở mức cao khiến cho nước bốc hơi mạnh, mặn xâm nhập sâu và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang Lê Xuân Hiền khuyến cáo, khu vực các đảo nhỏ, vùng ven biển các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Giang Thành và TP Phú Quốc cần chủ động tích trữ nước sinh hoạt, có phương án cấp nước sinh hoạt bổ sung cho người dân.
Về sản xuất nông nghiệp, cần có kế hoạch sản xuất phù hợp, chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi ít sử dụng nước ngọt, có phương án phòng chống cháy rừng trong các tháng cao điểm mùa khô (tháng 3 - 4/2024).
Thực tiễn qua các đợt hạn, mặn lịch sử cho thấy, công tác chỉ đạo điều hành các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cần được thực hiện sớm và phải coi trọng yếu tố phòng là chính. Các giải pháp cần áp dụng quyết liệt nhưng linh hoạt, phù hợp với đặc thù các địa phương.
Tại Kiên Giang, ngay từ đầu mùa khô, ngành nông nghiệp đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả với tình hình hạn mặn bao gồm vận hành các cống trên địa bàn hợp lý để ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đã tiến hành đắp mới, gia cố 27/58 đập đất ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ các vùng trồng cây ăn trái, lúa đông xuân 2023 - 2024 và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Gang đã tiến hành duy tu, sửa chữa cống Kênh 12, Kênh 13, Kênh 3, Kênh 3B trên địa bàn huyện U Minh Thượng, đóng tất cả các cống trên tuyến đê bao ngoài vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng từ giữa tháng 12/2023 để kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho khu vực phía trong đê bao vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng.
Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa và cây ăn trái, gồm 1,6 triệu ha trồng lúa, diện tích còn lại trồng cây ăn trái cần nước ngọt để tưới trong mùa khô 2024. Trong đó, khoảng 400.000 - 500.000ha thường xuyên chịu tác động của hạn, mặn vào mùa khô.
Bộ NN-PTNT đã và đang khẩn trương điều chỉnh cơ chế hoạt động của các công trình thủy lợi tại ĐBSCL từ ngăn mặn - trữ ngọt để sản xuất lúa sang điều tiết mặn - ngọt.
Đứng trước thách thức nguồn nước ngọt suy giảm, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh chương trình tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 700.000 - 800.000ha được tưới tiết kiệm.