| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống hạn, mặn

Thứ Tư 17/01/2024 , 19:04 (GMT+7)

Tỉnh Kiên Giang đã tiến hành đắp hàng chục đập tạm và vận hành hệ thống cống để phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và cấp nước sinh hoạt.

Mặn xâm nhập sớm và tăng nhanh

Ngày 17/1 tại TP Rạch Giá, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị về công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và cấp nước mùa khô 2023 - 2024.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang chủ trì hội nghị.

Đập tạm ngăn mặn T3 - Hòa Điền được xây dựng trên kênh Rạch Giá – Hà Tiên theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của UBND tỉnh Kiên Giang, sẽ hoàn thành trong tháng 1/2024. Ảnh: Trung Chánh. 

Đập tạm ngăn mặn T3 - Hòa Điền được xây dựng trên kênh Rạch Giá – Hà Tiên theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của UBND tỉnh Kiên Giang, sẽ hoàn thành trong tháng 1/2024. Ảnh: Trung Chánh. 

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đến trung tuần tháng 1/2024, nông dân trong tỉnh đã thụ hoạch được gần 51.000/72.395ha lúa vụ mùa 2023 - 2024 (lúa - tôm), diện tích còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 1. Lúa đông xuân 2023 - 2024 diện tích gieo trồng đạt 280.265/279.000ha, đã thu hoạch được 130ha, diện tích còn lại chủ yếu ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu, đây là những vùng đã cơ bản đã hoàn thiện hệ thống cống kiểm soát mặn, đảm bảo cho yêu cầu sản xuất.

Theo ông Lê Hữu Toàn, hiện mới vào đầu mùa khô nhưng độ mặn trên các sông có xu hướng tăng nhanh, độ mặn phổ biến cao hơn cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm từ 1,5 - 8,5‰.

Để bảo vệ sản xuất, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả với tình hình hạn, mặn, bao gồm vận hành các cống trên địa bàn hợp lý để ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Triển khai xây dựng đập tạm ngăn mặn trên kênh Rạch Giá – Hà Tiên (tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương) bằng cừ lsrael theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của UBND tỉnh, sẽ hoàn thành trong tháng 1/2024.

Các địa phương đã triển khai, đắp mới, gia cố 27/58 đập đất ngăn mặn theo thời vụ tại huyện An Biên và An Minh để bảo vệ lúa đông xuân 2023 - 2024 và nước sinh hoạt cho người dân.

Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé, cống Xẻo Rô để điều tiết nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh. Ảnh: Trung Chánh.

Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé, cống Xẻo Rô để điều tiết nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh. Ảnh: Trung Chánh.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng cống âu thuyền Vàm Bà Lịch để đảm bảo kiểm soát mặn từ sông Cái Bé vào kênh Ông Hiển, đảm bảo nguồn nước ngọt sinh hoạt cho khu vực Châu Thành và TP Rạch Giá; sớm trình UBND tỉnh phê duyệt và thi công hệ thống điện 3 pha để vận hành hệ thống cống tuyến ven biển An Biên, An Minh.

Chi nhánh ĐBSCL Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé, cống Xẻo Rô để ngăn mặn, giữ ngọt phù hợp với yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất, từng khu vực. Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống cống tuyến đê biển Tây và phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, có giải pháp khắc phục ngay các điểm xâm nhập mặn, thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt vùng nông thôn.

Ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang đã chủ động thực hiện các phương án cấp nước an toàn cho người dân vùng nông thôn và đô thị. Đến thời điểm hiện tại, tình hình sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo.

Kiên Giang sẽ ưu tiên đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là các khu vực ven biển và hải đảo. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang sẽ ưu tiên đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là các khu vực ven biển và hải đảo. Ảnh: Trung Chánh.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Minh Thành chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, kịp thời thông báo tình hình xâm nhập mặn, diễn biến nguồn nước cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình cấp nước vùng nông thôn, hải đảo để kịp thời phục vụ người dân.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương ưu tiên cân đối nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024.

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mặn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để có biện pháp ứng phó cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Ưu tiên đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học. Tuyên truyền, vận động mọi người sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, hướng dẫn người dân kiểm tra chất lượng nguồn nước trước khi bơm tưới, thường xuyên kiểm tra các cống, đập để phát hiện khắc phục rò rỉ kịp thời.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã duy tu, sửa chữa cống Kênh 12, Kênh 13, Kênh 3, Kênh 3B trên địa bàn huyện U Minh Thượng; đóng tất cả các cống trên tuyến đê bao ngoài vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng từ giữa tháng 12/2023 để kiểm soát mặn và trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho khu vực phía trong đê bao vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.