| Hotline: 0983.970.780

Mở cửa thị trường nông sản giữa Việt Nam và bang Nebraska

Thứ Năm 13/07/2023 , 17:03 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất phía Nebraska (Hoa Kỳ) cùng hợp tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản hai bên có thế mạnh và có tính chất bổ sung.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với ông Jim Pillen, Thống đốc bang Nebraska, Hoa Kỳ chiều ngày 13/7. Ảnh: Linh Linh. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với ông Jim Pillen, Thống đốc bang Nebraska, Hoa Kỳ chiều ngày 13/7. Ảnh: Linh Linh. 

Chiều 13/7, Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với ông Jim Pillen, Thống đốc bang Nebraska, Hoa Kỳ về thúc đẩy hợp tác trong khoa học kỹ thuật nông nghiệp và thương mại.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam và bang Nebraska bắt đầu có quan hệ thương mại trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trong năm 2020, 8 doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết thỏa thuận mua hàng với các công ty của Hoa Kỳ để nhập khẩu bò sống, lúa mì, bột bã ngô (DDGS), khô đậu tương, khô đậu nành, ngô, gỗ.

Nebraska là bang có thế mạnh về nông nghiệp. Cụ thể theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Nebraska là nhà cung cấp số một tại Hoa Kỳ cho Việt Nam về các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất khẩu của bang sang Việt Nam đạt 86,3 triệu USD trong năm 2022 trong đó có các mặt hàng chủ lực bao gồm đậu tương (đạt 45 triệu USD trong năm 2022), thịt bò đạt 16,1 triệu USD trong năm 2022…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nhu cầu hợp tác đầu tư phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi, giết mổ và sản xuất thức ăn chăn nuôi là rất lớn. Ảnh: Linh Linh. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nhu cầu hợp tác đầu tư phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi, giết mổ và sản xuất thức ăn chăn nuôi là rất lớn. Ảnh: Linh Linh. 

Bộ trưởng cho biết, trong Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành trồng trọt đặt mục tiêu đổi mới cơ cấu cây trồng và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn nhằm phát huy lợi thế là ngành sản xuất chiến lược đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn (cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới, lúa gạo chất lượng cao...). Có bước đi phù hợp để thúc đẩy phát triển các cây trồng mới có triển vọng như cây dược liệu, cây cảnh, nấm ăn...

Đối với ngành chăn nuôi, chiến lược hướng tới đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về thực phẩm cho thị trường trong nước; phát triển các ngành hàng có tiềm năng như thịt gia cầm, trứng, sữa; duy trì chăn nuôi lợn và gia súc lớn. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học, và dịch bệnh.

"Chúng tôi đặt mục tiêu tới năm 2030 duy trì thường xuyên 29 - 30 triệu con lợn; 500 - 550 triệu gia cầm; trên 14 triệu con gia súc (bò, bò sữa, trâu, dê, cừu). Vì vậy nhu cầu hợp tác đầu tư phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi, giết mổ và sản xuất thức ăn chăn nuôi rất lớn. Đây là lĩnh vực tiềm năng để các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm tìm hiểu và cùng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đem lại lợi ích cho cả hai bên", Bộ trưởng cho biết.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp của bang Nebraska tăng cường đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tưới tiêu, thủy lợi chăn nuôi, trồng trọt và chế biến nông sản.

Bộ cũng mong muốn mở rộng chương trình hợp tác về khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực với các cơ sở nghiên cứu và trường đại học của bang Nebraska.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất phía Nebraska cùng hợp tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản hai bên có thế mạnh và có tính chất bổ sung. Theo đó, để mở cửa thuận lợi, đề nghị phía Nebraska có giải pháp hỗ trợ về thiết bị chuẩn hóa, đào tạo cán bộ trong các cơ quan kiểm dịch nhằm thích ứng với yêu cầu của Hoa Kỳ về kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Thống đốc bang Nebraska Jim Billen đánh giá cao cơ hội hợp tác và học hỏi lẫn nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua. Ảnh: Linh Linh. 

Thống đốc bang Nebraska Jim Billen đánh giá cao cơ hội hợp tác và học hỏi lẫn nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua. Ảnh: Linh Linh. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề xuất Nebraska tạo cơ hội để tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp hai bên tìm hiểu nhau, từ đó, có thể chủ động nắm bắt thông tin, cập nhật tình hình và chia sẻ bài học, kinh nghiệm, tiến tới hỗ trợ nhau trong hợp tác và phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, tỉ trọng xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Bộ trưởng cũng đề nghị Nebraska phối hợp với các đối tác Việt Nam thực hiện một số khảo sát thị trường nông sản Việt Nam và Hoa Kỳ quan tâm, để xác định các sản phẩm tiềm năng để tăng cường xúc tiến thương mại song phương theo hướng đôi bên cùng có lợi.

Thống đốc Nebraska Jim Pillen đánh giá cao cơ hội hợp tác và học hỏi lẫn nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông Pillen cho biết, một trong những lợi thế của Nebraska là có thể đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt dựa vào ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Ông Pillen cũng cho biết hai bên có thể hợp tác trong lĩnh vực nhiên liệu tái tạo và thay thế, các biện pháp khai thác bền vững để giảm thiểu phát thải từ nông nghiệp, đào tạo và nghiên cứu.

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.