Nhắc đến huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, là nhắc đến một trong những vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích khoảng 28.000 ha, giá trị sản xuất từ cây ăn quả hàng năm đạt khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng, đặc biệt là đặc sản nức tiếng vải thiều Lục Ngạn.
Hiện nay, toàn huyện có hơn 17.300 ha trồng vải thiều chuyên canh, trong đó có hơn 13.300 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 107 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; sản lượng quả tươi đạt khoảng 100.000 tấn/năm.
Huyện Lục Ngạn cũng đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 88 mã số vùng trồng đảm bảo điều kiện xuất khẩu chính ngạch và 179 cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu.
Đặc sản vải thiều Lục Ngạn đã khẳng định được chất lượng, uy tín thương hiệu ở khắp thị trường trong và ngoài nước, đã xuất khẩu đến các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Đông Nam Á… và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Năm 2023 sản lượng vải thiều Lục Ngạn được dự báo sẽ đạt khoảng 98.000 tấn. Tính đến ngày 3/6, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ ước đạt gần 13.300 tấn.
Tới thăm mô hình vườn vải du lịch sinh thái tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã không ngừng bày tỏ cảm xúc: “Quá tuyệt vời!”
Chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn và người dân trồng vải địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích, nhắc đến nông nghiệp là nhắc đến sức ép mùa vụ. Đối với sản phẩm trái cây, sức ép mùa vụ càng lớn hơn do thời gian thu hoạch cũng như thời gian bảo quản ngắn.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng, để có thể hướng tới việc giảm thiểu rủi ro mùa vụ cần phải đa dạng hóa các kênh tiêu thụ nông sản. Và mô hình vườn vải du lịch sinh thái chính là một kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ rất hiệu quả. Đây cũng là một kênh tiêu thụ rất đặc biệt khi du khách đến có thể trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận được chất lượng trong từng trái vải, cảm nhận được trách nhiệm cao của người nông dân.
“Thị trường trong nước sẽ dần dần biết đến ở Bắc Giang, ở Lục Ngạn có thương hiệu mô hình vườn vải du lịch sinh thái hoạt động trên tinh thần đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”, tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, các nhà phân phối nội địa đang gặp phải rào cản rất lớn đó là sự mù mờ về chất lượng sản phẩm, mù mờ trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Chính những mô hình độc đáo như vườn vải du lịch sinh thái sẽ giải quyết sự mù mờ cho các nhà phân phối nội địa, qua đó kết nối chuỗi tiêu thụ nông sản từ vườn tới hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại.
“Nếu như trước kia mô hình du lịch nông nghiệp hoạt động theo nguyên lý đưa vườn cây ra ngoài chợ thì giờ đây, mô hình vườn vải du lịch sinh thái đã đưa được chợ về trong vườn. Người tiêu dùng sẽ không cần phải ra chợ, ra siêu thị để mua vải thiều mà có thể mua vải thiều ngay tại vườn. Điều đó sẽ làm thay đổi hình ảnh trái vải thiều Lục Ngạn trong mắt người tiêu dùng, đặc biệt làm thay đổi hình ảnh người nông dân hiện đại không chỉ nắm bắt, đón đầu cơ hội mà đã biết tự tạo ra cơ hội cho chính mình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Để tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ra thị trường quốc tế, UBND huyện Lục Ngạn đề nghị Bộ NN-PTNT sớm ký Nghị định thư kiểm dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với quả vải thiều Lục Ngạn để thuận lợi cho việc xuất khẩu chính ngạch vải thiều sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hiện nay ga đường sắt liên vận Kép tại huyện Lạng Giang cơ bản đã hoàn thành các điều kiện có thể đáp ứng việc kiểm dịch thực vật đối với các mặt hàng nông sản khi xuất khẩu qua Trung Quốc.
Do đó, UBND huyện Lục Ngạn đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch tạo điều kiện thuận lợi nhất để xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc qua tuyến đường sắt liên vận quốc tế. Đồng thời hỗ trợ xúc tiến để mở rộng vận tải, xuất khẩu vải thiều bằng đường sắt đến thị trường rất tiềm năng khu vực các nước Trung Á và Nga...