Chuyên gia Nhật Bản sẽ sang Việt Nam giám sát xuất khẩu vải thiều. 5 vị trí công tác ngành nông nghiệp phải định kỳ chuyển đổi. Tích trữ nước ngọt ứng phó xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Nông dân lo lắng vì chanh dây rớt giá.
CHUYÊN GIA NHẬT BẢN SẼ SANG VIỆT NAM GIÁM SÁT XUẤT KHẨU VẢI THIỀU
Toàn tỉnh Bắc Giang có 37 mã số vùng trồngvải xuất khẩu Nhật Bản với diện tích trên 297 ha. Dự kiến năm nay, sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, Nhật Bản yêu cầu dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép chỉ là 0,01 mg/kg, đây là mức thấp nhất và ở ngưỡng này thì gần như không phát hiện thuốc BVTV trên quả xuất khẩu vải thiều. Để đạt được tiêu chuẩn này, ngành nông nghiệp địa phương đã khuyến cáo nông dân không sử dụng thuốc nằm trong danh mục và đảm bảo thời gian cách ly. Trước khi thu hoạch 10 - 15 ngày, các nhà vườn không được sử dụng bất kỳ loại thuốc BVTV nào. Theo Cục Bảo vệ Thực vật, Nhật Bản yêu cầu vải xuất khẩu phải được xử lý bằng công nghệ xông hơi, khử trùng và có chuyên gia Nhật Bản giám sát. Trong 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, Nhật Bản ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật trực tiếp giám sát xuất khẩu vải thiều. Nhưng năm nay, cụ thể vào ngày 2/6, Nhật Bản cử chuyên gia kiểm dịch thực vật trở lại Việt Nam trực tiếp giám sát, chứng nhận cho các lô hàng xuất khẩu vải thiều.
5 VỊ TRÍ CÔNG TÁC NGÀNH NÔNG NGHIỆP PHẢI ĐỊNH KỲ CHUYỂN ĐỔI
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 01/2023 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi 5 vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại chính quyền địa phương.
5 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi gồm:
1- Quản lý động vật thuộc danh mục quý hiếm.
2- Kiểm dịch động vật.
3- Kiểm lâm.
4- Kiểm soát thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, bệnh động vật, gia súc, gia cầm.
5- Theo dõi, quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, thú y, thủy sản.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/7/2023. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc là từ đủ 02 năm đến 05 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm được phân công làm việc ở vị trí công tác đó của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Thông tư này áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
TÍCH TRỮ NƯỚC NGỌT ỨNG PHÓ XÂM NHẬP MẶN TẠI ĐBSCL
Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2022-2023 ở mức tương đương mùa khô năm 2021-2022. Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Chính vì vậy, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là cấp 1-2. Đồng thời, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp, phục vụ nông nghiệp và dân sinh, đồng thời cần hạn chế tưới nước nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước, người dân cần kiểm tra nồng độ mặn.
NÔNG DÂN LO LẮNG VÌ CHANH DÂY RỚT GIÁ
Những ngày này, nông dân trồng chanh dây ở Gia Lai đang hoang mang, lo lắng vì chanh dây đột ngột rớt giá từ trên 10.000 đồng/kg chanh xô, xuống chỉ có 4.000 đồng/kg. Ông Lê Tấn Hùng- Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết: hiện 20% trong trong số 700 ha chanh dây ở huyện, đã được liên kết tiêu thụ với một số doanh nghiệp. Nhưng ngay cả những nông dân liên kết vẫn không được hưởng mức giá tốt. Lý do là thời điểm ký kết là lúc giá chanh ở mức cao, nông dân đã chọn phương án bán theo giá thị trường. Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai có vùng nguyên liệu chanh dây trên 5.000 ha được trồng rộng khắp 15/17 huyện, thị xã, thành phố; cùng 3 nhà máy chế biến chanh dây lớn, có tổng công suất lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Bên cạnh đó, Gia Lai cũng có 20 cơ sở đóng gói và 19 vùng trồng đã được cấp mã số.