| Hotline: 0983.970.780

Trồng vải thiều chuẩn an toàn, 'cháy hàng' ngay tại vườn, giá 40.000 đồng/kg

Thứ Năm 18/05/2023 , 08:39 (GMT+7)

BẮC GIANG Cùng với mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, huyện Lục Ngạn quản lý chặt các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu vải thiều năm 2023.

Canh tác an toàn, nông dân lợi đủ đường

Năm 2023, để chủ động trước sự biến đổi liên tục của thị trường và nâng cao giá trị sản xuất, ngay từ đầu vụ, các hợp tác xã (HTX), tổ sản xuất, chủ vườn vải trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã tích cực mở rộng vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ nhằm tạo sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo anh Ngô Văn Liên, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Hải (thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang), sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi các chủ vườn phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu mà phía thị trường nhập khẩu đưa ra. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Ngô Văn Liên, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Hải (thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang), sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi các chủ vườn phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu mà phía thị trường nhập khẩu đưa ra. Ảnh: Trung Quân.

Anh Ngô Văn Liên, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Hải, thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: Tổng diện tích vải của HTX bao gồm cả liên kết sản xuất là 50ha. Trong đó, 10ha được cấp chứng nhận GlobalGAP và xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, các diện tích còn lại đều được cấp chứng nhận VietGAP. Tổng sản lượng vải trung bình hàng năm của HTX khoảng 400 - 500 tấn.

Theo anh Liên, khi sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, các chủ vườn phải tuân thủ nghiêm ngặt, đáp ứng các điều kiện của các thị trường xuất khẩu như: Chỉ sử dụng những loại thuốc BVTV có trong danh mục cho phép, đúng liều lượng, dừng việc phun thuốc BVTV trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày để đảm bảo đủ thời gian cách ly theo quy định; kỹ thuật chăm sóc thống nhất, có nhật ký ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất…

Anh Liên cũng cho rằng, cái lợi lớn nhất khi canh tác vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP là người trồng giảm được nhiều chi phí về phân bón, thuốc BVTV. Bởi lẽ, việc phun thuốc có thời điểm, theo đợt, có nhật ký nên không còn tình trạng phun tràn lan theo kinh nghiệm như trước đây, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả.

Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc cây, các chủ vườn sẽ tăng dần tỷ lệ phân bón hữu cơ, giảm dần tỷ lệ phân bón hóa học, tận dụng chất thải từ chăn nuôi, lá cây, cỏ… ngâm ủ với men vi sinh để làm phân bón hữu cơ.

Nhật Bản được đánh giá là thị trường có yêu cầu khắt khe nhất về chất lượng quả vải, do đó, khi sản phẩm được thị trường này chấp nhận, việc đảm bảo các tiêu chuẩn của những thị trường khác cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn.

Ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất vải hữu cơ thôn Đồng Giao 2, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) chăm sóc vườn vải sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất vải hữu cơ thôn Đồng Giao 2, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) chăm sóc vườn vải sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

“Khi canh tác vải theo tiêu chuẩn an toàn, không chỉ giúp người trồng tiết kiệm chi phí sản xuất mà giá bán sản phẩm cũng cao hơn so với sản xuất thông thường. Minh chứng là trong vụ vải 2022, giá bán vải xuất khẩu dao động từ 35.000 - 37.000 đồng/kg, trong khi vải thông thường chỉ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Có những vườn nhờ tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật nên chỉ cần bán cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại vườn đã "cháy hàng" với giá luôn ở mức cao (40.000 đồng/kg)”, anh Liên cho hay.

Đang tất bật dọn vườn, chăm sóc vườn vải hữu cơ phục vụ xuất khẩu năm 2023, ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất vải hữu cơ thôn Đồng Giao 2, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) vui vẻ chia sẻ: Tổ sản xuất có 9 hộ tham gia với diện tích 10ha.

Năm 2021, khi canh tác vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, các thành viên của Tổ đã xuất khẩu được 20 tấn đi thị trường Nhật Bản. Năm 2022, từ diện tích này, HTX chuyển sang canh tác vải theo hướng hữu cơ và ngay lập tức đã giành được thắng lợi khi xuất khẩu được 20 tấn đi thị trường Nhật Bản và 20 tấn đi thị trường châu Âu.

Theo ông Mến, canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã khó, canh tác hữu cơ còn khó hơn. Bởi lẽ, khi canh tác hữu cơ, người trồng chỉ sử dụng chế phẩm thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh hại nên số lần phun phòng phải tăng lên. Bên cạnh đó, vườn trồng sử dụng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ nên trong thời gian đầu phải luôn duy trì được độ ẩm thì phân bón mới phát huy được hiệu quả. Do đó, số lần bơm nước, tưới cây, chăm sóc cũng sẽ nhiều hơn so với canh tác thông thường.

Lục Ngạn đang mở rộng xây dựng các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn GAP và hữu cơ để phục vụ các thị trường xuất khẩu có yêu cầu cao. Ảnh: Trung Quân.

Lục Ngạn đang mở rộng xây dựng các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn GAP và hữu cơ để phục vụ các thị trường xuất khẩu có yêu cầu cao. Ảnh: Trung Quân.

“Ban đầu, các thành viên ai cũng lo lắng vì không biết canh tác theo phương pháp mới thì hình thức, chất lượng quả vải có bị ảnh hưởng, doanh nghiệp có thu mua không? Chế phẩm thảo mộc có bảo vệ được quả vải trước sâu đục cuống quả hay không...? Trong khi đó, tổng chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nếu tính chi ly thì cao hơn gấp đôi so với sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và gấp 3 lần so với sản xuất thông thường”, ông Mến bộc bạch.

Ông Mến cho rằng, việc sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn là xu thế chung của toàn thế giới. Do đó, nếu các nhà vườn kiên trì, nghiêm túc trong quá trình thực hiện các yêu cầu, tiêu chuẩn thì chắc chắn sản phẩm sẽ xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Lúc này, các đầu mối tiêu thụ tất yếu sẽ tự tìm đến, sản phẩm có cơ hội đi vào những thị trường lớn, giá bán, lợi nhuận của người trồng cũng nhờ đó tăng lên.

"Trước mắt, Tổ sản xuất dự kiến sẽ thu hoạch vụ vải năm nay khoảng từ ngày 5 - 20/6, sản lượng ước đạt khoảng 60 - 70 tấn. Tổ sản xuất đặt mục tiêu sang năm 2024 sẽ được cấp chứng nhận hữu cơ", ông Mến thông tin.

Theo ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng NN-PTNT Lục Ngạn, quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng các vườn vải phục vụ xuất khẩu được thực hiện rất nghiêm ngặt. Định kỳ 1 - 2 tuần, cán bộ chuyên môn sẽ tiến hành kiểm tra quy trình và tra nhật ký sản xuất của các vườn để kịp thời hướng dẫn, bổ sung phương pháp chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, khuyến khích các hộ tự kiểm tra, giám sát, nhắc nhở lẫn nhau thực hiện nghiêm túc các yêu cầu từ phía các cơ quan chuyên môn và thị trường nhập khẩu.

Quản chặt mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói

Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm 2023, diện tích trồng vải toàn huyện hơn 17.300ha, sản lượng khoảng 97.600 tấn. Trong đó, diện tích vải sớm hơn 3.900ha (sản lượng 25.000 tấn), vải chính vụ hơn 13.300ha (sản lượng 72.600 tấn).

Huyện cũng đặt mục tiêu diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP 13.200ha, sản lượng khoảng 81.300 tấn; xây dựng mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn hữu cơ quy mô 20ha, thực hiện tại 3 xã, dự kiến sản lượng 125 tấn.

Huyện duy trì 84 mã số vùng trồng (MSVT) với diện tích hơn 11.800ha (Trung Quốc 35 mã; Mỹ, Australlia, EU 15 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã); quản lý chặt chẽ và duy trì 173 mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) đủ điều kiện xuất khẩu.

Huyện Lục Ngạn triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng. Ảnh: Hoàng Anh.

Huyện Lục Ngạn triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng NN-PTNT Lục Ngạn, để hoàn thành được các mục tiêu này, UBND huyện Lục Ngạn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ việc cấp, quản lý các MSVT, mã số CSĐG. Trong đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh giám sát, cấp mới MSVT, mã số CSĐG và số hoá vùng trồng. 

Đối với MSVT và mã số CSĐG đã được cấp, thường xuyên rà soát, đánh giá và quản lý chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của nước nhập khẩu và các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, giám sát việc sử dụng thuốc BVTV, nhật ký đồng ruộng; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng mã số CSĐG, bao bì, tem nhãn cũng như các điều kiện theo tiêu chuẩn cơ sở TCCS 775:2020/BVTV và các văn bản chỉ đạo của cơ quan chuyên môn.

Huyện yêu cầu các chủ thể tuyệt đối không được tự ý cho mượn, trao đổi, dùng chung MSVT, mã số CSĐG trong quá trình xuất khẩu để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp cho mượn hoặc tự ý sử dụng MSVT khác không đúng mục đích theo quy định.

Đối với các MSVT và mã số CSĐG đăng ký chuẩn bị cấp, tiếp tục rà soát lại toàn bộ các CSĐG trên địa bàn huyện, chỉ giữ lại các CSĐG đủ điều kiện xuất khẩu. Chỉ đạo, hướng dẫn các MSVT và các CSĐG quả tươi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện khi Hải quan Trung Quốc kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp.

Trong công tác tổ chức sản xuất, huyện Lục Ngạn thành lập các tổ chỉ đạo sản xuất vải thiều cấp huyện, cấp xã và tổ kiểm tra, hướng dẫn công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ kiểm tra, giám sát MSVT và mã số CSĐG quả vải tươi xuất khẩu sang Trung Quốc; phối hợp giữa các tổ để chỉ đạo, hướng dẫn người dân sản xuất vải đáp ứng các yêu cầu về số lượng và chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu…

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.