| Hotline: 0983.970.780

Mở rộng liên kết, dần tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới

Thứ Ba 03/12/2024 , 15:37 (GMT+7)

Kênh bán hàng này được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá có nhiều tiềm năng và có thể giúp nông sản Việt vươn lên thị trường phía Bắc của Trung Quốc.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận diễn đàn sáng 3/12 tại tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận diễn đàn sáng 3/12 tại tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Bảo Thắng.

Mối quan hệ bền chặt giữa hai thị trường

"Thực hiện tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, hai bên đã nhất trí áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của hai bên", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn Kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc sáng 3/12.

Theo Thứ trưởng, phía Việt Nam đã hợp tác sâu rộng, chặt chẽ với nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc, trong đó có tỉnh Quảng Tây. Sau khi ký kết bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp tháng 9/2023, Bộ NN-PTNT và Chính quyền tỉnh Quảng Tây đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Hai bên thực sự trở thành đối tác quan trọng của nhau. 

Xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng đều trong năm 2023. 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch đạt 16 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng lần lượt 29%, 40% so với cùng kỳ các năm 2020 và 2021.

Các mặt hàng tăng trưởng mạnh như rau quả xấp xỉ 4,1 tỷ USD, tăng 28,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD, tăng 22,3%; thủy sản đạt 1,4 tỷ USD, tăng 23,2%. Một số mặt hàng xuất khẩu khác như sắn, cao su, gạo, hạt điều, cà phê, chè, thức ăn gia súc, sản phẩm mây tre cói thảm. 

Mối quan hệ bền chặt còn được thể hiện ở việc Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm trái cây, sản phẩm có nguồn gốc động vật (sữa, tổ yến, khỉ nuôi, cá sấu) và thủy sản. "Việc ký kết các Nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo sức bật cho nhiều loại hàng hóa, góp phần giúp việc xuất khẩu nông sản trở nên ổn định và bền vững", Thứ trưởng nhận xét.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản quan trọng của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đại diện các cơ quan Trung ương giải đáp các câu hỏi tại diễn đàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đại diện các cơ quan Trung ương giải đáp các câu hỏi tại diễn đàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhiều khó khăn, thách thức đã nổi lên, cần trao đổi, tháo gỡ như: biến động khó lường về các yếu tố chính trị, xung đột vũ trang; biến đổi khí hậu; xu hướng giảm cầu trên thế giới; quy định về kỹ thuật và thủ tục xuất nhập khẩu ngày càng chặt chẽ; sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực.

Ngoài ra, yêu cầu về chuẩn hóa sản phẩm, quy trình sản xuất và yêu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng cao; một số mặt hàng có tiềm năng chưa được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc như bưởi, bơ, na, vú sữa, dược liệu...; thông tin thị trường, thông quan chưa chuyển tải kịp thời, tổ chức kết nối sản xuất với thương lái, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa chặt chẽ. 

Trước tình hình này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các đơn vị Bộ NN-PTNT phối hợp các bên liên quan tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý tháo gỡ vướng mắc, duy trì phát triển thị trường. Đồng thời, bổ sung thêm vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; chủ động ứng phó tháo gỡ các vướng mắc, duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu.

Tiếp tục phổ biến, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc để doanh nghiệp triển khai thực hiện, đáp ứng các quy định về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc; kịp thời nắm bắt và phổ biến các quy định mới về xuất nhập khẩu, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của người dân nước nhập khẩu.

"Chúng ta cần tập trung tổ chức lại chuỗi sản xuất theo ngành hàng cụ thể gắn với các vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Ông cũng kêu gọi cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cùng doanh nghiệp đảm bảo việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi phục vụ xuất khẩu; minh bạch hóa thông tin với các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói theo mùa vụ.

Chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất phải được chuẩn hóa. Trên cơ sở đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản.

Đưa nông sản Việt đến đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc

Trong năm 2025 và các năm tới, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm phát triển thị trường Trung Quốc theo hướng bền vững, chất lượng. 

Bên cạnh duy trì giao thương, các bên cần tính tới việc kết nối thúc đẩy xuất khẩu vào các khu vực thị trường phía Nam thông qua đường biên giới đất liền, cũng như nghiên cứu tiếp cận kênh phân phối tại thị trường các tỉnh phía Bắc của Trung Quốc.

"Doanh nghiệp trong nước nên mở rộng liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc để tham gia mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối cùng", Thứ trưởng bày tỏ.

Ông Lê Thanh Hòa: Festival Lễ hội trái cây tại Bắc Kinh đã tạo được tiếng vang lớn. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Lê Thanh Hòa: Festival Lễ hội trái cây tại Bắc Kinh đã tạo được tiếng vang lớn. Ảnh: Bảo Thắng.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã phối hợp Bộ Công thương tổ chức Festival Lễ hội trái cây tại Bắc Kinh. Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa nhìn nhận, hoạt động này thực sự tạo được tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân sống tại phía Bắc Trung Quốc.

Từ hoạt động thực tiễn này, ông Hòa nhận thấy, có 5 điểm có thể tập trung khai thác, đầu tư để phát triển thương mại nông sản giữa hai bên. Đó là: sử dụng cửa khẩu thông minh; quảng bá nhiều hơn sản phẩm tiềm năng của hai nước; hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics; xây dựng chuỗi cung ứng nông sản; xây dựng thương mại điện tử xuyên biên giới.

"Cửa khẩu thông minh có thể ở cả trên đường bộ lẫn đường biển, đường sắt. Bằng mọi giá, chúng ta cần tạo điều kiện thông thoáng thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản và thủ tục kiểm dịch xuất nhập cảnh qua biên giới", ông Hòa cho biết.

Các nông đặc sản của Lạng Sơn và địa phương lân cận được trưng bày trong khuôn khổ diễn đàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Các nông đặc sản của Lạng Sơn và địa phương lân cận được trưng bày trong khuôn khổ diễn đàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Dựa trên những điều này, Phó cục trưởng Lê Thanh Hòa tin rằng thúc đẩy thương mại điện tử thông qua các kênh phân phối trực tuyến sẽ là một biện pháp quan trọng giúp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. 

Ngoài ra, ông mong muốn doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng chung tay, dồn lực phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, trước mắt chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thừa nhận, hạ tầng giao thông, kho, bãi trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu ngày càng cao, nhất là vào thời gian cao điểm, khi hoa quả, nông sản của nước ta và các nước ASEAN (Thái Lan) vào vụ thu hoạch.

Hiện việc điều phối hàng hoá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, đường chuyên dụng, lối thông quan còn phụ thuộc vào lựa chọn của doanh nghiệp. Trong khi, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, lẻ nên đôi khi chưa tuân thủ quy định, tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá.

"Các mặt hàng hoa quả tươi xuất sang Trung Quốc đều phải kiểm tra với tỷ lệ 100%, thời gian kiểm dịch bên phía Trung Quốc kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất thông quan hàng hoá và phát sinh thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp…", ông Duy chia sẻ.

Xem thêm
Dự kiến trình cấp thẩm quyền phương án giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Phiên họp của Ban Chỉ đạo về tinh gọn bộ máy của Chính phủ đã thống nhất phương án trình cấp thẩm quyền về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Theo đó dự kiến có 22 bộ, cơ quan, gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận phấn đấu tăng trưởng 3 - 3,5%

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Bình Thuận ước đạt 3,43%, vượt kế hoạch đề ra.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Long An tri ân các mạnh thường quân

Ngày 11/1, UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ tri ân các nhà tài trợ, doanh nghiệp, mạnh thường quân vì sự phát triển và an sinh xã hội tỉnh Long An năm 2024.