Cuộc sống bà con xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái đổi thay nhờ trồng măng bát độ, toàn xã hiện có trên 2.000ha, mỗi năm mang lại thu nhập trên 100 tỷ đồng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, sạt lở đất.
Măng Bát Độ: Chống xói mòn, sạt lở lại có thể làm giàu
Thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên nằm dưới một thung lũng bằng phẳng bao quanh là những dãy đồi núi cao trùng điệp, cả thôn có khoảng 50 nóc nhà với gần 270 nhân khẩu, trên 90% là đồng bào Mông. Cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng khấm khá, những ngôi nhà xây khang trang nằm thấp thoáng dưới những tán rừng tre Bát Độ thể hiện sự ấm no, thanh bình.
Gia đình chị Sổng Thị Cha bắt đầu trồng tre Bát Độ từ năm 2010, đến nay có hơn 2 ha. Mỗi năm thu nhập từ măng Bát Độ gần 100 triệu đồng giúp nhà chị đẩy xa đói nghèo.
Phỏng vấn chị SỔNG THỊ CHA - Thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái
"Trước đây mình trồng ngô, trồng cây đồi sạt lở nhiều, giờ đây trồng măng bát độ không sạt lở nữa, nên rất yên tâm".
Hiện nay, cả thôn Đồng Ruộng có gần 200 ha tre Bát Độ được trồng trên các dãy núi bao quanh các khu dân cư thay cho các cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô, sắn trước đây. Không những mang lại sinh kế bền vững, những đồi tre còn góp phần giữ rừng, chống sạt lở đất.
Phỏng vấn chị SỔNG THỊ PÀNG - Thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái.
"Đến mùa măng buổi chiều mình lên rừng lấy măng, chiều về không có gì ăn thì mua muối, mua đồ về ăn. Bây giờ vui vì khu không còn sạt lở, phấn khởi lắm".
Không riêng ở thôn Đồng Ruộng, hiện nay ở hầu khắp các thôn trong xã Kiên Thành đều trồng tre Bát Độ để phát triển kinh tế, toàn xã hiện có trên 2.000 ha. Mỗi năm cây tre Bát Độ mang lại thu nhập trên 100 tỷ đồng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, sạt lở đất.
Phỏng vấn ông DƯƠNG KIM HƯNG - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái
Tất cả các rừng của cây khác đều sạt lở hết chỉ riêng diện tích tre bát độ trên địa bàn xã không có chỗ nào sạt lở vì cây măng bát độ có bộ rễ cắm sâu và rất vững chắc. Cây măng bát độ có ảnh hưởng tốt tới môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân.
Với hệ thống bộ rễ rất khỏe, bám chặt vào đất và trải rộng trên diện tích đất lớn, tre Bát Độ giúp giữ đất rừng không bị sạt lở trong các trận mưa lũ. Đặc biệt, canh tác tre không cần bổ sung bất kỳ hóa chất từ phân bón hay thuốc trừ sâu, tre sẽ tự lớn lên trong điều kiện tự nhiên. Vì thế có thể bảo vệ môi trường đất tránh khỏi những ảnh hưởng từ hóa chất hơn so với các loại cây khác.