Bỏ nhà đi ở nhờ vì lo sợ sạt lở
Lục Yên là một trong những địa phương của tỉnh Yên Bái bị thiệt hại nặng nề do hoàn lưu bão số 3 gây ra, đã có 14 người chết và 9 người bị thương do sạt lở tại các xã Minh Xuân, Động Quan, Liễu Đô, Tân Phượng.
Toàn huyện có gần 400 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có hơn 70 nhà bị sập đổ hoàn toàn và hơn 80 hộ dân bị hư hỏng nặng nhà ở. Các ngành chức năng và chính quyền sở tại đã phải hỗ trợ di dời hơn 2.000 hộ dân với gần 7.500 nhân khẩu trong vùng nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt đến nơi an toàn.
Đến nay, vẫn còn hàng trăm hộ chưa thể trở về nhà vì tử thần sạt lở đang rình rập; nhiều hộ ở nhờ nhà người thân hoặc ở tạm tại các nhà văn hóa thôn, trường học…
Nhiều xóm làng ở huyện Lục Yên tiêu điều sau bão lũ, những ngôi nhà khang trang, kiên cố nằm ven các sườn đồi núi phải bỏ hoang vì không đảm bảo an toàn, cứ khi có những trận mưa lại làm người dân nơm nớp lo sợ. Nhiều khu vực xảy ra hiện tượng nứt lún nghiêm trọng, người dân không còn dám sinh sống tại các ngôi nhà mà họ từng sinh sống qua nhiều thế hệ.
Ông Lý Văn Thư ở thôn 8, xã Động Quan bộc bạch, vợ chồng ông dành dụm cả đời mới xây dựng được ngôi nhà trị giá hơn 700 triệu đồng. Trong đợt mưa lớn kéo dài khủng khiếp do hoàn lưu bão số 3 vừa qua, quả đồi phía sau nhà xuất hiện các vết nứt, đất đá trượt xuống khiến ngôi nhà bị siêu vẹo, nhiều vị trí tường nứt toác. Ngay sau đó, gia đình ông đã phải nhờ họ hàng di chuyển đồ đạc đến dựng lán tạm tại khu đất của người em trai để sinh sống.
“Gia đình tôi có 5 khẩu, cuộc sống của cả gia đình bây giờ rất khó khăn. Chúng tôi không biết phải làm sao với ngôi nhà đã dành bao công sức và tiết kiệm cả đời để xây dựng này,” ông Thư bất lực nói.
Cũng có hoàn cảnh tương tự, gia đình chị Đặng Thị Thanh ở thôn Ngòi Vằn, xã Phúc Lợi cũng phải bỏ ngôi nhà tích cóp cả đời xây dựng để đi ở nhà nhà người thân vì lo sợ sạt lở do phía trên đồi đã xuất hiện nhiều vết nứt dài.
Chị Thanh chua xót, “nhiều năm làm việc vất vả mới tích góp xây được ngôi nhà, thế mà bây giờ không dám ở vì nguy cơ sạt lở đe dọa tính mạng cả nhà, đi không được, ở cũng không xong. Nhiều ngày qua, cả nhà phải đi ở nhờ. Bây giờ muốn khắc phục cũng khó vì khối lượng đất đá quá lớn, mà có thuê máy móc san gạt phần có nguy cơ sạt lở thì ta luy càng cao, đến khi mưa lũ cũng không dám ở.
Không chủ quan vì sạt lở vẫn đang rình rập
Chỉ cần đi vào khu vực các xã vùng ven của huyện Lục Yên, dễ dàng nhìn thấy những ngôi nhà hoành tráng với kiến trúc hiện đại được căng dây cảnh báo nguy hiểm. Đất đá, cây cối trượt sạt ngổn ngang, tất cả đều đang đứng trước nguy cơ trở thành những ngôi nhà hoang không thể sinh sống. Phía sau những ngôi nhà là nhiều vết nứt dài chạy ngang sườn đồi, những vùng sụt lớn, có nơi sâu tới nửa mét. Nếu có mưa lớn hoặc những tác động ngoại cảnh sẽ trượt sạt xuống vùi lấp nhà cửa, ruộng vườn.
Đặc biệt, khu vực các xã An Lạc, Phúc Lợi, Động Quan… nơi tập trung các ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc hiện đại là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các vết nứt trên đồi ngày càng mở rộng khiến cho các hộ dân trong khu vực cảm thấy không an toàn để tiếp tục sinh sống. Nhiều gia đình đã phải sơ tán, mang theo đồ đạc và những vật dụng cần thiết, di dời đi ở nhờ để tránh rủi ro tiềm ẩn.
Theo ông Hà Văn Cam, Phó Chủ tịch xã Động Quan, người dân trong xã chủ yếu sản xuất nông lâm nghiệp, dành dụm cả đời và vay mượn thêm mới xây dựng được những ngôi nhà kiên cố.
Chưa bao giờ xảy ra mưa lũ khủng khiếp như năm nay, mưa kéo dài làm đất đồi no nước hóa bùn, tình trạng sạt lở diễn ra ở nhiều khu vực, nhiều ngôi nhà trong xã phải di dời người và tài sản khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Đến nay, sau khi tạnh mưa nhiều ngôi nhà vẫn phải bỏ không vì nguy cơ sạt lở chực chờ. Hàng trăm m3 đất đá sẵn sàng ập xuống các ngôi nhà, nếu bất cẩn, chủ quan thiệt hại sẽ vô cùng thảm khốc.
Trước mắt, chính quyền địa phương chỉ có thể hỗ trợ người dân những vấn đề thiết yếu, nếu không có chỗ ở nhờ thì bố trí sống tạm tại các nhà văn hóa thôn. Tại các khu vực nguy cơ sạt lở cao, xã cắm biển căng dây cảnh cáo nguy hiểm, tuyên truyền khuyến cáo người dân không về nhà ở khi chưa đảm bảo an toàn.
Sớm xây dựng quỹ đất tái định cư cho hộ dân mất nhà
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở tràn lan như năm nay tại Lục Yên nói riêng và ở nhiều địa phương nói chung là do địa chất không ổn định, kết hợp với lượng mưa lớn trong thời gian dài khiến đất bị phá vỡ cấu trúc, dẫn đến sụt lún, sạt trượt trên diện rộng.
Trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành khảo sát và đánh giá mức độ thiệt hại, người dân địa phương phải đối mặt với nỗi lo lắng về nơi tái định cư. Nhiều gia đình buộc phải di dời đến những khu vực an toàn hơn, để lại phía sau những ngôi nhà xây dựng công phu bạc tỷ.
Ông Đinh Khắc Yên – Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, thống kê đối với các hộ bị sạt lở đất có nhu cầu bố trí tái định cư. Sớm hoàn thành việc lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các hộ dân có đất bị thu hồi và lập hồ sơ thiết kế chi tiết khu tái định cư tập trung. Trước mắt sẽ chú trọng vào những nơi, những hộ không còn chỗ ở và ở những nơi nguy cơ cao, cấp bách phải di dời thì phải bố trí ngay xong mới đến các hộ ưu tiên khác.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện các quy trình liên quan đến dự án đầu tư theo tình trạng khẩn cấp, sau khi dự án được phê duyệt hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sang đất ở. Từ đó có cơ sở làm thủ tục cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, giúp người dân vùng lũ sớm an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của UBND huyện Lục Yên, sau cơn bão số 3 toàn huyện có 1.093 hộ dân phải bố trí chỗ ở mới. Trong số đó, có hơn 250 hộ di chuyển đến vị trí đất của mình và đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất; 106 hộ tự bố trí xen ghép trong khu dân cư: 106 hộ; 53 hộ đã di chuyển vào khu tái định cư tập trung. Còn lại hơn 730 hộ đề nghị xây mới bố trí tái định cư.