| Hotline: 0983.970.780

Một doanh nghiệp trái cây nguy cơ đền hợp đồng

Thứ Bảy 21/08/2021 , 13:40 (GMT+7)

Nhà máy chế biến trái cây của Cty Hùng Phát (Tiền Giang) đang đối mặt đền hợp đồng khi khó có thể giao 1.600 tấn thanh long và 500 tấn chanh dây cho đối tác.

Ngày 29/7/2021 Sở KH-ĐT tỉnh Tiền Giang có công văn số 1620 yêu cầu dừng thực hiện phương án sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” từ ngày 5/8/2021 của các doanh nghiệp ngoài Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đã được công nhận. 

Ngày 3/8/2021, BCĐ Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 2054, quy định bộ tiêu chí tạm thời về việc thẩm định, công nhận và kiểm tra sau công nhận phương án “3 tại chỗ” đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trụ sở Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát  tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TL.

Trụ sở Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát  tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TL.

Theo đó, bộ tiêu chí tạm thời áp dụng với đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành nghề sản xuất ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, cộng đồng như: Sản xuất sản phẩm cung cấp cho chuỗi cung ứng hàng hóa giữa doanh nghiệp - nhà nông - người tiêu dùng. Áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng nêu trên và đang thực hiện phương án "3 tại chỗ".

Nhận được văn bản trên, Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát đã rà soát lại toàn bộ các nội dung phương án “3 tại chỗ”, các quy định, quy trình và nội quy trong doanh nghiệp, sắp xếp lại điều kiện vật chất làm việc và ăn ở cho người lao động theo bộ tiêu chí của Quyết định 2054.

Sau đó, công ty đã làm công văn 21038 gửi tới UBND tỉnh Tiền Giang, Sở KH-ĐT, UBND thị xã Gò Công mong muốn tiếp tục được hoạt động và thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại nhà máy chế biến Gò Công. 

Ngày 4/8/2021 UBND thị xã Gò Công gửi văn bản phản hồi thông báo rằng UBND tỉnh Tiền Giang từ chối cho nhà máy chế biến Gò Công tiếp tục được hoạt động và thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Lý do là công ty không nằm trong đối tượng được xét duyệt của Quyết định 2054.

7.000 tấn thanh long của Công ty Hùng Phát đã ký với nông dân có nguy không thực hiện được. Ảnh: MĐ.

7.000 tấn thanh long của Công ty Hùng Phát đã ký với nông dân có nguy không thực hiện được. Ảnh: MĐ.

“Chúng tôi cho rằng lý do này không thỏa đáng. Theo kế hoạch sản xuất, trong giai đoạn từ ngày 5/8/2021 chúng tôi đã ký kết mua 7.000 tấn xoài, 7.000 tấn trái thanh long đỏ, 2.000 tấn trái chanh dây và một số loại trái cây khác từ các hộ nông dân và hợp tác xã tại Long An, Gò Công và một số tỉnh khác”, ông Valentin Trần, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát phản ánh.

Thực tế nhà máy chế biến Gò Công của Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát đã phải dừng hoạt động từ ngày 5/8/2021 tới nay. Với yêu cầu ngưng sản xuất, việc thu mua nguyên liệu trái cây tươi sẽ không thể thực hiện được, nên những hộ nông dân/ hợp tác xã này sẽ chịu thiệt hại đáng kể về mặt kinh tế và làm gãy đổ chuỗi cung ứng. 

Bên cạnh đó, những hợp đồng xuất khẩu trái cây (1.600 tấn thanh long và 500 tấn chanh dây) mà công ty Hùng Phát đã ký kết với các đối tác nước ngoài sẽ bị ngưng trệ và đối mặt với các án phạt khi không hoàn thành hợp đồng.

Không những công ty mà người dân cũng bị thiệt hại nặng nề nếu doanh nghiêp không thể tiếp tục hoạt động. Ảnh: MĐ.

Không những công ty mà người dân cũng bị thiệt hại nặng nề nếu doanh nghiêp không thể tiếp tục hoạt động. Ảnh: MĐ.

Trước đó, công ty Hùng Phát đã đầu tư thời gian, con người và chi phí để thực hiện phương án này. Theo thống kê chưa đầy đủ, cho tới ngày 12/8/2021, công ty đã chi trả số tiền hơn 2 tỷ 141 triệu đồng cho phương án “3 tại chỗ”.

Chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 định kỳ bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên (5 lần) cũng như phương pháp RT-PCR (2 lần) và kết quả các lần xét nghiệm đều là 100% người lao động lưu trú tại công ty đều âm tính với virus SARS-CoV-2”, ông Valentin Trần cho biết.

Công ty Hùng Phát gửi văn bản đến UBND tỉnh Tiền Giang mong muốn được hoạt động trở lại. Ảnh chụp màn hình văn bản số Công văn 21047 của Công ty Hùng Phát.

Công ty Hùng Phát gửi văn bản đến UBND tỉnh Tiền Giang mong muốn được hoạt động trở lại. Ảnh chụp màn hình văn bản số Công văn 21047 của Công ty Hùng Phát.

Trao đổi về vấn đề nhà máy chế biến trái cây của Công ty Hùng Phát xin hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, ông Bùi Quang Thông, Giám đốc Sở KH-ĐT Tiền Giang cho biết: “Trước đó, tại Công ty Hùng Phát ở TP Mỹ Tho đã xuất hiện một số ca F0. Còn đối với nhà máy chế biến trái cây của công ty ở thị xã Gò Công, hiện các đơn vị đã và đang phối hợp hướng dẫn công ty thực hiện theo Bộ tiêu chí tạm thời của Quyết định 2054.

Chúng tôi mong muốn và luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động và sớm hoạt động trở lại. Hiện, công nhân tại các doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” đang sản xuất đã được tiêm vacxin đầy đủ. Còn công nhân không nằm trong trong phương án “3 tại chỗ” của công ty thì về địa phương đăng ký tiêm.”

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.