Từ một nền điện ảnh là công cụ tuyên truyền, giáo dục của Đảng và Nhà nước, bước qua cơ chế thị trường, chúng ta đã tự nguyện chấp nhận những thuộc tính hàng hóa của sản phẩm phim ảnh; đã coi trọng hơn tính chất giải trí trong quá trình chuyển tải nội dung phim.
Liên hoan phim lần thứ 10 ở Hải Phòng, đầu năm 1990, đã tặng Bông Sen Vàng cho phim “Vị đắng Tình yêu” của đạo diễn Lê Xuân Hoàng. Đây là một phim thể hiện rõ yêu cầu hút khách tới rạp. Câu chuyện tình yêu tay ba có phần cũ, tầm tư tưởng và thẩm mỹ cũng không có gì nổi trội. Bù lại, diễn viên là những gương mặt đang “ hot” vào thời ấy là Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương; cảnh quay chau chuốt, cốt chuyện mang chất melodrama..
Từ đó trở về sau, các Liên hoan phim Việt Nam đều giành cho phim thương mại, phim giải trị những sự biểu dương, khích lệ xứng đáng: Tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2011, “Hotboy nổi loạn” được sánh vai cùng “Mùi cỏ cháy”, Liên hoan phim Việt Nam năm 2013, “Bí mật thảm đỏ” đồng giải với “Những người viết huyền thoại”… Toàn bộ nền kinh tế của đất nước đã chuyển qua vận hành theo những quy luật mới-tất yếu và tự nhiên. Việc làm phim không thể là con thuyền chèo lái ngược dòng.
Tôi làm công tác giới thiệu, phê bình phim, nhưng đồng thời tôi còn làm giảng viên ở cả hai trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà nội và Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Mỗi khóa học, khi cần phải giới thiệu gương mặt đích thực của nền điện ảnh dân tộc, tôi vẫn thường chọn những bộ phim thuộc dòng chính thống để chiếu cho các em sinh viên xem. Các em suýt xoa ngạc nhiên trước những bộ phim ấy, hệt như đang xem những bộ phim nước ngoài. Và luôn đặt câu hỏi: “Vì sao nền điện ảnh nước ta đã từng có những bộ phim sâu sắc, kỹ càng, bộc lộ tài năng của những người làm phim như vậy, mà sao bây giờ phim ảnh nước mình lại “đổ đốn” đến thế?
Ngoái lại những năm tháng đã lùi vào dĩ vãng, có thể khẳng định nền điện ảnh dân tộc cách mạng từng có thời kỳ chín muồi, “đi đúng quỹ đạo” của những nền nghệ thuật điện ảnh chân chính trên thế giới; đủ sức sánh vai hoặc vượt trội so với cùng các nền điện ảnh khu vực như Thái Lan, Indonesia, Phillipin..
Hãy nhớ lại mảng phim truyện của thập niện những năm 1990.. Có thể nói, công việc làm ra những bộ phim truyện đã tích tụ được kinh nghiệm từ những năm chiến tranh, đặc biệt sau tháng 4/1975, kinh nghiệm ấy càng dồi dào, phong phú hơn khi các nhà điện ảnh của chúng ta có điều kiện tiếp xúc với điện ảnh của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hồng Công, Đài Loan...Vào thời điểm này, công việc làm phim được bổ sung thêm sức thanh xuân, khát vọng sục sôi và trình độ tay nghề của cả một lớp những đạo diễn, quay phim đào tạo cơ bản, dài ngày ở trong nước hay ở nước ngoài
Nhưng yếu tố quan trọng nhất, cơ bản nhất đưa tới những chuyển đổi mới mẻ trong cảm xúc, trong cung cách tìm tòi ngôn ngữ biểu đạt, trong việc thể hiện hiện thực chính là ngọn gió đổi mới, dám nhìn thẳng vào sự thật được bắt đầu từ Đại hội Đảng Cộng sản VN lần thứ V năm 1986. Chính điều này đã tạo nên những cởi mở, dân chủ, thông thoáng hơn ở cách nhìn nhận, đánh giá trong khâu duyệt kịch bản, duyệt phim; cả ở những khâu khác thuộc thẩm quyền của các cấp cao hơn.
Về những phim trực tiếp đề cập tới chủ nghĩa anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thử hỏi đến bao giờ chúng ta mới lại có được những bộ phim nghiêm túc, kỹ càng, được đầu tư đích đáng như “Ngã Ba Đồng Lộc”, “Mùi cỏ cháy”, “Đừng đốt”..? Có lẽ cũng là lần đầu tiên, phim về đề tài chiến tranh được thể hiện cả cái Bi lẫn cái Tráng; cả chiến công lẫn những mất mát hy sinh. Con người trong các bộ phim ấy không còn là những ma-nơ- canh xơ cứng, chỉ biết xông lên và hô hào, mà đã bắt đầu có cuộc sống riêng, mang chất “người” rõ rệt. Có thể kể ra đây những bộ phim như “Đời cát”, “Bến không chồng“, “Người đàn bà trên chuyến tầu tốc hành”…
Làn gió dân chủ, cởi mở, sự thông thoáng càng thấy rõ thành quả trong mảng phim phản ánh hiện thực đời thường. Khoảng một, hai chục năm trước, nhân vật chính trên màn ảnh khó có thể là anh lái xe ngang tàng, ương ngạnh mà ẩn sâu bên trong một tấm lòng nhân ái như trong phim “Canh bạc” hoặc là những gã lâm tặc và những cô gái “nửa đời nửa đoạn” như trong phim “Rừng đen”?
Nhiều bộ phim truyện ở thời điểm này đã nhìn thẳng vào những vấn đề xã hội gay gắt, nóng bỏng; phanh phui, mổ sẻ để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Bộ phim “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh tuy chỉ được trao Giải Đặc Biệt tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1995, nhưng theo ý chúng tôi đây là một bức tranh toàn bích về hiện tình nông thôi thời đầu mở cửa. Phim gióng lên một cách sớm sủa hồi chuông cảnh tỉnh nếu chúng ta bỏ rơi nông thôn và người nông dân chúng ta sẽ nhận lấy hậu quả.
Bộ phim “Rừng đen” của đạo diễn Vương Đức tại chỉ được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải của Ban Giám khảo, nhưng vấn đề chặt phá rừng, coi thường những quy luật của thiên nhiên được đặt ra trong phim càng gay gắt, cấp bách hơn trong ngày hôm nay. Bộ phim “Lưới trời” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một đòn đánh trực chỉ vào tệ nạn tham nhũng. Bộ phim “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình là sự cảm thông thống thiết tâm can đối với thân phận những người Việt Nam buộc phải lưu lạc kiếm sống nơi đất khách quê người.
Trong giai đoạn này cũng đã khẳng định tài năng, sức sáng tạo, những tìm tòi, độ chín của một loạt các nhà quay phim như Nguyễn Hữu Tuấn, Vũ Quang Tuấn, Nguyễn Đức Việt, Lý Thái Dũng…của các anh chị, các em diễn viên, các nhà thiết kế điện ảnh, các nhà soạn nhạc
Trong buổi hoàng kim này, nhiều đạo diễn qua những bộ phim của mình đã và đang bộc lộ một phong cách riêng: Vương Đức với phong cách phim tài liệu trong phim truyện. Sự dịu dàng, êm ái, đầy nữ tính đã định hình trong các bộ phim “Thung Lũng hoang vắng”, “ Tâm hồn mẹ”, “Lạc lối” của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Với “Ngọn đèn trong mơ”, “Hoa của trời”, “Ký ức Điện Biên” đặc biệt là “Vua bãi rác” đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đang muốn tìm tới phương pháp khái quát, trìu tượng hóa khi thể hiện hiện thực quanh ta…
Liệu có cần nhấn nhá thêm điều này nữa không: Phim truyện của những năm 1990 vẫn nối tiếp được những điểm mạnh trong truyền thống của nền điện ảnh dân tộc cách mạng (bám sát hiện thực, coi trọng tính nội dung, tính thẩm mỹ, coi trọng đối tượng phục vụ.. ) mà ngày càng hiện rõ diện mạo riếng của nền điện ảnh Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Đánh đùng một cái, loạt phim không cần đạt tới mục đích gì, không cần chuyển tải một thông tin gì, không cần tới học vấn điện ảnh và trình độ tay nghề bỗng nhiên lấn át, giành hết thị phần điện ảnh và người xem nhẩy lên vũ đài. Trên báo chí bỗng xuất hiện dai dẳng một định kiến: Xếp tất tật những bộ phim thuộc dòng chính thống này vào một giuộc là phim cúng cụ, làm ra tốn tiền của nhà nước, không ai thèm xem và chỉ để cất vào kho?
Mà nghĩ lại, cũng không phải là…” đánh đùng” đâu ! Nền điện ảnh nước nhà mới chỉ bục ra một vụ “thất lạc” vốn liếng 40, 50 chục tỷ ở trụ sở Cục Điện ảnh, nhưng thực chất những thứ virus làm ruỗng mục, phá hủy dần dần nến điện ảnh dân tộc cũng đã nẩy nòi ngay từ đầu nền kinh tế chuyển đổi qua cơ chế thị trường.
Chắc nhiều người chúng ta chưa quên việc dùng băng dĩa nhập rẻ, biến màn ảnh tivi thay cho rạp chiếu ở phía Nam cuối những năm 1980 đầu những năm 1990. Chắc nhiều người cũng không lạ gì trò bỏ cả núi tiền mua thiết bị làm phim hiện đại, nhưng không lo đào tạo người xử dụng, cốt để hưởng tỷ lệ hoa hồng.. và máy móc mua về phủ bạt nắm đó, nay đã thành đống sắt vụn.
Rồi tới đận rộ lên phong trào “người người làm phim, nhà nhà làm phim”. Việc xã hội hóa điện ảnh là một chủ trương đúng, Nhưng cũng chính từ đây đã buông lỏng, đã bỏ rơi những yêu cầu về tư tưởng, thẩm mỹ của một nền điện ảnh chân chính; lấy lờ lãi là thước đo chính, coi khán giả “nhí” là thượng đế.
Nối tiếp với dòng phim “mì ăn liền”, một chủ trương thực dụng, tinh ma ra đời: Dùng phim truyền hình thay cho phim điện ảnh; rồi ban đầu phim truyền hình phải do cơ sở làm phim của truyền hình làm ra, sau “bán cái” cho những thứ gọi là Hãng phim, là Công Ty Tư nhân sản xuất phim…Đến lúc này thì gà đã xổng ra khỏi chuồng, khó mà còn giữ được kỷ cương, phép tắc..
Điều đáng nói, đáng kể trong hai, ba chục năm nền điện ảnh nước nhà sống cuộc sống du mục, khôn sống mống chết như thế, những khung sườn vẫn vận hành đều đều: Vẫn có Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh, vẫn thông qua và bổ sung thường xuyên cái gọi là “Luật Điện ảnh”, hàng năm vẫn đều đặn tổ chức các Liên hoan phim, các cuộc hội thảo quanh những vấn đề cấp bách liên quan tới việc làm phim, vẫn có phạt vạ và cấm đoán...
Chỉ duy có điều, không một ai, không một cấp quản lý nào dám trực diện, thẳng thắn trả lời câu hỏi này: Vậy nền điện ảnh dân tộc cách mạng ra đời trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ, được gột dựng trong những năm tháng hòa bình sau Hiệp định Gienever và Hiệp định Paris, nay còn không hay đã biến thành hoài niệm?
Đã có những bộ phim “chưa sạch nước cản”, chưa vượt qua nổi tay nghề của những người làm phim nghiệp dư trên thế giới được thay mặt cho nền điện ảnh dân tộc gửi tới dự thi Oscar?
Thêm việc chuyện nữa. Nếu có đoàn khách nước ngoài nào sang Việt Nam muốn biết gương mặt đích thực của nền điện ảnh nước mình hôm nay, chắc chẳn chúng ta sẽ đành mở kho lưu trữ lấy ra những bộ phim của những năm 1990 - tức làm từ 20 năm trước - để chiếu cho bạn bè xem, chứ còn biết làm sao nữa?