| Hotline: 0983.970.780

Mùa nấu mật mía cuối năm

Thứ Sáu 10/01/2020 , 08:31 (GMT+7)

Hàng năm, khoảng 2 tháng trước tết âm lịch, nông dân ở xã miền núi Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương (Nghệ An) lại tất bật, rộn ràng vào mùa nấu mật mía để kịp phục vụ khách hàng gần xa.

07-04-07_x_ging_son_dong_trong_mi
Ép mía lấy nước nấu mật ở xã Giang Sơn Đông.

Những ngày này đến xóm Phương Đông, nhà nào cũng như nhà nào họ làm việc vừa tất bật, vừa khẩn trương, người đi chặt mía, người lo ép nước mía, người nấu mật. Các lò nấu mật đỏ lửa suốt ngày đêm để cho ra những mẻ mật đặc quẹo, sánh mịn, thơm ngon… kịp giao hàng cho khách.

Nghề nấu mật mía ở Giang Sơn Đông đã có từ 70- 80 năm nay, ngày xưa nghề này chỉ có khoảng 5-7 hộ gia đình làm và hoàn toàn bằng lao động thủ công. Ngày nay, việc ép mía hoàn toàn bằng máy, vừa nhanh, vừa đảm bảo vệ sinh, nên chất lượng mật tốt hơn, an toàn hơn cho người dùng.

Toàn xã Giang Sơn Đông hiện có 150 hộ chuyên làm nghề nấu mật mía, tập trung chủ yếu ở 2 xóm Phương Đông và Nam Tân. Mỗi một hộ có ít nhất 1 lò nấu mật, mỗi lò nấu mật có từ 3-4 chảo gang to, mỗi chảo nấu được khoảng 40 lít mật.

Gia đình anh Nguyễn Văn Việt có thâm niên nấu mật mía hơn 20 năm nay, mỗi ngày gia đình anh ép 2 tấn mía, nấu được 200 kg mật. Còn anh Nguyễn Văn Tám lại chuyên dùng máy ép để đi ép mía cho các hộ gia đình có nhu cầu ép. Vào mùa nấu mật những tháng cuối năm anh phải dùng máy ép mía đi làm suốt cả ngày lẫn đêm để đảm bảo các lò nấu mật không bị gián đoạn và cung cấp kịp thời mật mía cho khách hàng.

Để có mật tốt, mật ngọt và nhiều mật, bà con chỉ trồng duy nhất giống mía Tân Đại Đường, cứng cây, hầu như không bị đổ, nước trong cây mía nhiều và rất ngọt. Vì vậy nước ép từ cây mía ra nấu thành mật hao hụt ít, thành mật cao. Toàn xã Giang Sơn Đông vụ mía này trồng được 60 ha mía, bằng giống mía nói trên để ép nấu mật.

Quy trình nấu mật cũng không giản đơn, nước mía sau khi ép được đổ vào chảo nấu. Trong suốt thời gian nấu phải giữ lửa trong lò luôn luôn ổn định, lửa không quá to, không quá nhỏ. Nếu để lửa cháy quá to dễ làm cho mật bị cháy sém, màu mật thâm đen không đẹp, không ngon. Nếu để lửa trong lò cháy yếu ớt sẽ kéo dài thời gian nấu, mật không đủ độ chín, chất lượng mật không đồng đều.

Trong suốt thời gian nấu mật, người nấu phải thường xuyên dùng vợt có lưới bằng vải màn luồn tay vớt bỏ hết phần bọt đen và tạp chất nổi lên trên mặt chảo để đảm bảo chất lượng mật vừa ngon, vừa sạch, vừa có màu sánh sáng như màu cánh gián trông rất đẹp và hấp dẫn. Thời gian để nấu xong một chảo mật mất ít nhất 4 giờ đồng hồ.

Những ngày cuối năm âm lịch, khách hàng trong và ngoài tỉnh đổ xô về xã Giang Sơn Đông để mua mật mía. Chị Phan Thị Minh đi từ thị trấn Yên Thành lên đây để mua mật cho biết, suốt 15 năm nay, chị chỉ mua mật ở đây, vì mật thơm ngon, màu sắc đẹp, khách hàng rất thích, mua về bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Lần này chị mua cả 1 thùng phuy 200 lít với giá 3,2 triệu đồng, đem về bán hết sẽ quay trở lại mua tiếp.

Còn anh Nguyễn Văn Tám ở tận thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đi xe ô tô bán tải ra đây mua 1 lần gần 2 tấn mật đem về vừa bán phục vụ ngày tết Nguyên đán, vừa để nấu kẹo cu đơ bán quanh năm.

Để kịp có đủ mật bán cho khách hàng khỏi phải chờ đợi lâu, nhiều hộ gia đình ở Giang Sơn Đông phải thuê lao động ở các địa phương khác về làm với giá nhân công mỗi ngày trả từ 200.000 - 250.000 đồng/người.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông phấn khởi cho biết, nấu mật mía là nghề truyền thống mang lại thu nhập khá cho người dân trong xã, giúp nhiều gia đình nghèo thoát nghèo, gia đình trung bình thành hộ khá và gia đình khá càng khấm khá hơn. Năm 2020, UBND xã đã có kế hoạch khuyến khích bà con mở rộng thêm 20 - 30 ha mía nguyên liệu để mở rộng quy mô nghề nấu mật mía.

Ông Nguyễn Văn Hiền là người dân ở xã Giang Sơn Đông có nhiều năm hành nghề trồng mía, nấu mật cho hay: Gia đình có 8 sào ruộng, 5 sào ruộng có đủ nước để cấy lúa, còn lại 3 sào nữa chúng tôi trồng mía để ép nấu mật.

Cuối năm vào những tháng cuối mùa đông, mía thu hoạch về thân mía ép lấy nước nấu mật, lá và ngọn mía làm thức ăn cho trâu bò, bã mía phơi khô làm chất đốt thay củi, hoặc băm nhỏ ủ lẫn vào phân chuồng làm phân bón. Nhờ trồng mía để nấu mật đã giúp gia đình tôi và rất nhiều gia đình khác trong xã có nhà cửa khang trang như ngày hôm nay.

Theo tính toán của bà con nông dân ở 2 xóm Phương Đông và Nam Tân, bình quân 1 sào (500 m2) mía thu hoạch về ép lấy nước, nấu ra được từ 600 - 650 kg mật thành phẩm đạt tiêu chuẩn mật tốt nhất, bán với giá 12.000 đ/kg mật, doanh thu đạt từ 7.200.000 - 7.800.000 đồng/sào, quy ra 1 ha doanh thu từ 144 - 156 triệu đồng. 

Như vậy riêng năm 2019, toàn xã Giang Sơn Đông có 60 ha mía sẽ thu về từ 8,6 - 9,3 tỉ đồng. Trong đó có nhiều gia đình vụ mật này trừ hết mọi chi phí, phần lãi thu về được từ 40 - 45 triệu đồng là chuyện bình thường.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.