Tìm hiểu về Google Doodle hôm nay 8/3/2024
Google Doodle hôm nay đã công bố một sản phẩm cảm động nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Trung tâm của bức ảnh là một nhóm phụ nữ chia sẻ hiểu biết qua nhiều thế hệ trong một "chiếc chăn thêu biểu tượng của sự tiến bộ".
Doodle đặc biệt này tôn vinh lòng dũng cảm và khả năng của phụ nữ, ghi nhận những nỗ lực không ngừng của họ nhằm đạt được bình đẳng giới trong bối cảnh những thách thức toàn cầu.
Đánh dấu lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên của Liên Hợp Quốc vào năm 1975, Google Doodle nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày 8/3, gắn liền với các cuộc biểu tình lịch sử về Ngày Phụ nữ ở Saint Petersburg (Nga) và thành phố New York (Mỹ).
Những cuộc biểu tình này, mặc dù diễn ra ở những năm và địa điểm khác nhau, đều có chung mục tiêu như yêu cầu việc làm công bằng, quyền bầu cử và quyền tiếp cận cơ quan công quyền.
Các cuộc tuần hành Ngày 8/3 hiện đại giải quyết các thách thức đương đại bao gồm chênh lệch về giới tính và tiền lương theo chủng tộc, quyền sinh sản và phòng chống bạo lực. Google Doodle lần này tôn vinh những người phụ nữ đã định hình xã hội, ủng hộ sự bình đẳng và đóng vai trò là những nhân vật truyền cảm hứng.
Sophie Diao - Nghệ sĩ minh họa cho Google Doodle nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2024. Diao đã tiết lộ về Doodle này rằng, những buổi họp mặt gia đình cô ở Trung Quốc, với những người thân chủ yếu là nữ, đã ảnh hưởng sâu sắc đến tầm nhìn nghệ thuật của Diao.
Mùa hè của cô tràn ngập sự ấm áp và đoàn kết khi cô gắn bó với bà ngoại, các dì, anh chị em họ và những già làng thông thái, nấu ăn và chơi bài.
Diao muốn truyền tải vòng tay ấm áp của các thế hệ và những khoảnh khắc đáng trân trọng. Diao hy vọng công việc của mình khuyến khích mọi người thu hẹp khoảng cách thế hệ, nhận ra giá trị của việc học hỏi từ cả những trải nghiệm trong quá khứ và góc nhìn mới mẻ của tuổi trẻ.
Sự tiến bộ mà phụ nữ đạt được trong suốt lịch sử phần lớn nhờ vào sự dũng cảm của những người đi trước. Nhân kỷ niệm Ngày 8/3 năm 2024, Google Doodle nhắc nhở chúng ta tôn vinh những người tiên phong này và những người tiếp tục phát huy di sản của họ.
Lịch sử ra đời ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của những nữ công nhân Mỹ.
Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng những người chủ tư bản trả lương họ rất rẻ mạt.
Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1899, nữ công nhân Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ công nhân ngành dệt và ngành may tại thành phố Chicago và New York. Mặc dù bị những người chủ tư bản ra tay đàn áp, những người phụ nữ vẫn đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ.
Cuộc đấu tranh của công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt là những phụ nữ ở nước Đức. Phong trào đấu tranh đã xuất hiện hai nữ chiến sĩ nổi bật là bà Clara Zetkin (người Đức) và bà Rosa Luxemburg (người Ba Lan).
Nhận thức sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã phối hợp với Krupskaya (vợ của Lenin) vận động thành lập Ban Thư ký phụ nữ quốc tế. Bà Clara Zetkin được cử làm Bí thư.
Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Copenhagen (thủ đô Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế phụ nữ - ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu: "Ngày làm 8 giờ. Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em".
Từ đó, ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động toàn thế giới.
Google Doodle là biểu tượng đặc biệt, hình ảnh khác nhau thay thế tạm thời cho biểu tượng, logo của Google.
Thay vì logo truyền thống với dòng chữ "Google" khô khan thì đội ngũ thiết kế của hãng đã biến tấu nó thành những hình ảnh hài hước, vui vẻ, ý nghĩa nhằm nhắc nhở mọi người về các ngày lễ hội, kỷ niệm hay sự kiện đặc biệt của thế giới.
Việc này không chỉ đóng góp không nhỏ vào việc "phổ cập" kiến thức theo cách thông minh mà nó còn tạo cho người dùng thói quen chờ Google Doodle xem "hôm nay có gì mới".