Google tôn vinh nữ chủ bút Việt Nam đầu tiên
Vào ngày 1/2/1918, tờ Nữ Giới Chung đầu tiên được xuất bản. Đây là tờ báo mà bà Sương Nguyệt Anh làm Tổng biên tập.
Và để tôn vinh người phụ nữ chủ bút (hay Tổng biên tập của một tờ báo phụ nữ) đầu tiên của Việt Nam, Google Doodle đã thay đổi để nhớ đến bà.
Trên trang chủ Google Doodle, họ đã nhắc đến những đóng góp của bà như sau:
"Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách trong sáng, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Cô là người tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam và mở đường cho các thế hệ sau.
Cô ấy có mối quan hệ với mọi người từ mọi tầng lớp xã hội và đối xử với mọi người một cách tôn trọng. Có một số đường phố mang tên Nguyệt Anh ở các thành phố như Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Vũng Tàu."
Tiểu sử về bà Sương Nguyệt Anh
Bà Sương Nguyệt Anh (1864 - 1922) sinh tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là con gái thứ tư (cho nên trong gia tộc thường gọi bà là Năm Hạnh) của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Mẹ bà là Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba thuộc huyện Cần Giuộc.
Tên thật của bà là Nguyễn Thị Khuê (theo "Nguyễn chi thế phổ"), nhưng tên ghi trên bia mộ lại là Nguyễn Ngọc Khuê, tự là Nguyệt Anh. Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút hiệu khác như Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh...
Bà học giỏi, thường làm thơ bằng chữ Hán hay quốc ngữ để bày tỏ tâm sự trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than đau khổ. Bà cũng chính là nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam. Tờ báo "Nữ giới chung" do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của phụ nữ, được xuất bản tại Sài Gòn.
Khi bà sinh ra, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, đã rất nổi tiếng ở Nam bộ với truyện thơ Lục Văn Tiên, với những bài thơ chống Pháp chói ngời tinh thần yêu nước, với tác phẩm Ngư Tiều vấn đáp y thuật.
Thuở nhỏ, bà cùng chị là Nguyễn Thị Xuyến, được cha (Đồ Chiểu) truyền dạy nên giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Khi cả hai khôn lớn, nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.
Sinh ra trong một gia đình nhà Nho, lại được sự giáo dục kỹ lưỡng của người cha danh tiếng lẫy lừng Gia Định, bà không chỉ được yêu mến bởi tính tình điềm đạm, đôn hậu mà còn nổi tiếng thông minh, sắc sảo.
Suốt thời thanh xuân, bà nổi danh cả về tài sắc lẫn đức hạnh, song cốt cách lại giản dị, tự nhiên. Ngay cả khi gia đình rơi vào cảnh khó khăn, bà nghỉ học để vừa chăm lo việc gia đình, vừa giúp đỡ cha già bốc thuốc chữa bệnh.
Năm 1888, Sương Nguyệt Anh được 24 tuổi thì cha mất. Tri phủ Ba Tường - ông Phủ Xuyên đến hỏi bà làm vợ không được nên mang lòng oán hận, đang tìm cách hãm hại.
Để tránh tai họa, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, bà kết duyên với một phó tổng sở góa vợ tên Nguyễn Công Tính (có sách ghi Nguyễn Công Trinh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Công Tín), sau đó sinh được cô con gái là Nguyễn Thị Vinh.
Cuộc hôn nhân đẹp đẽ đã sớm kết thúc bi thảm khi ông Tính bị Phủ Xuyên âm mưu sát hại. Chồng chết khi con gái vừa tròn 2 tuổi, bà tuy mới 30 nhưng quyết không đi thêm bước nữa, thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống.
Cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ "Sương", thành "Sương Nguyệt Anh", có nghĩa là "Nguyệt Anh góa chồng".
Những năm 1906-1908, hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu bà bán một phần điền sản và vận động quyên góp để giúp học sinh xuất dương sang Nhật du học.
Năm 1917, Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung nghĩa là "tiếng chuông của nữ giới".
Tờ báo ra số đầu tiên ngày 1/2/1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội.
Nhưng dù ngòi bút của Sương Nguyệt Anh có khéo léo đến đâu, tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại. Tháng 7 năm 1918, tờ Nữ giới chung bị đình bản.
Sau đó mắt bà thường xuyên đau nhức và sức khoẻ cũng dần suy kiệt. Nghe lời thầy thuốc, Sương Nguyệt Anh dẫn cháu ngoại trở về Mỹ Chánh Hoà (Ba Tri), nương náu nơi nhà người em út tên là Nguyễn Đình Chiêm để chạy chữa, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đôi mắt bà bị mù loà hẳn.
Từ đấy, sớm chiều bà lại tiếp tục dò dẫm bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn. Sáng sớm ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (tức 9/1/1922), Sương Nguyệt Anh trút hơi thở cuối cùng, lúc 58 tuổi.
Google Doodle là biểu tượng đặc biệt, hình ảnh khác nhau thay thế tạm thời cho biểu tượng, logo của Google.
Thay vì logo truyền thống với dòng chữ "Google" khô khan thì đội ngũ thiết kế của hãng đã biến tấu nó thành những hình ảnh hài hước, vui vẻ, ý nghĩa nhằm nhắc nhở mọi người về các ngày lễ hội, kỷ niệm hay sự kiện đặc biệt của thế giới.
Việc này không chỉ đóng góp không nhỏ vào việc "phổ cập" kiến thức theo cách thông minh mà nó còn tạo cho người dùng thói quen chờ Google Doodle xem "hôm nay có gì mới".