Hôm 16/4, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”. Trong đó, Bộ Tài chính Mỹ xác định trong năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho thấy Việt Nam thao túng tiền tệ, dựa trên quy định của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.
Dù Việt Nam vẫn có đủ 3 tiêu chí, như kết luận "thao túng tiền tệ" Mỹ đưa ra hồi giữa tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ lần này viết, sẽ tiếp tục "phân tích nâng cao về chính sách ngoại hối và vĩ mô của Việt Nam".
Ba tiêu chí Mỹ đưa ra xem xét gồm: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD. Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP. Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6/12 tháng đánh giá, với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong 12 tháng.
Báo cáo hôm 16/4 là bản đánh giá Mỹ thực hiện dưới thời Tổng thống Joe Biden. Cũng trong công bố này, Mỹ cho biết hiện không có nước nào, trong nhóm theo dõi, bị coi là thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục giám sát Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan về các chính sách tiền tệ.
Thao túng tiền tệ là vấn đề được luật pháp Mỹ đưa thành đạo luật vào năm 1988, qua đó yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi và báo cáo hàng năm về tình hình tỷ giá hối đoái giữa Mỹ và những đối tác thương mại lớn. Nếu phát hiện quốc gia nào đang thao túng tiền tệ, đạo luật yêu cầu Bộ Tài chính thương lượng loại bỏ việc thao túng, để tạo công bằng trong trao đổi thương mại.
Với Mỹ, mác “thao túng tiền tệ” chủ yếu được xác định dựa trên việc một quốc gia liên tục phá giá đồng nội tệ nhằm làm hàng hoá xuất khẩu rẻ đi. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND trong vòng một năm qua đi ngang, ở mức khoảng 23.000 đồng đổi 1 USD.