Mở màn chuyến công du Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp gỡ hàng loạt quan chức và lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước Việt Nam tại thủ đô Hà Nội.
Lịch trình chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới Việt Nam được Giám đốc bộ phận các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), ông Daniel Kritenbrink, và Trợ lý Ngoại trưởng về Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel thông báo tại cuộc họp báo ngày 18-5 (giờ địa phương).
Nội dung chi tiết của cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố.
Chuyến đi chiến lược
Theo đó, Tổng thống Obama sẽ khởi hành vào ngày 21-5 (giờ địa phương) và dừng chân ở Hà Nội đầu tiên. Tại đây, ông chủ Nhà Trắng sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham gia một số cuộc gặp với các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng và nhà nước Việt Nam, bao gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại Hà Nội, dự kiến nhà lãnh đạo Mỹ có bài phát biểu về quan hệ Mỹ - Việt.
Tại TP Hồ Chí Minh, Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ các thành viên của Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Kritenbrink nhận định chuyến công du lần này của Tổng thống Obama bao hàm 2 mục đích chính nằm trong chiến lược tái cân bằng của Washington ở châu Á – Thái Bình Dương, đó là xây dựng quan hệ đối tác mới với Việt Nam và tăng cường quan hệ đồng minh với Nhật Bản. Ông Obama sẽ đến Nhật Bản sau khi rời Việt Nam.
Theo ông Kritenbrink, đây là chuyến đi thứ 10 đến khu vực này của Tổng thống Obama, qua đó nhấn mạnh cam kết xoay trục của ông chủ Nhà Trắng.
Ông Obama đón Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng tháng 7-2015. Ảnh: REUTERS
Cũng theo Giám đốc bộ phận châu Á của NSC, ông Obama là tổng thống Mỹ thứ 3 đến thăm Việt Nam kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây hơn 20 năm. Trước đó, vào các năm 2000 và 2006, hai cựu Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush lần lượt công du Việt Nam.
Những chủ đề bàn luận chính
Lần này, Tổng thống Obama sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam về biện pháp thúc đẩy hợp tác trên một loạt lĩnh vực, bao gồm kinh tế, giao lưu nhân dân, an ninh, nhân quyền, các vấn đề toàn cầu, khu vực…
Thông qua các cuộc hội đàm và cam kết chính thức, ông chủ Nhà Trắng sẽ làm nổi bật chiều sâu và bề rộng của quan hệ đối tác Mỹ - Việt cũng như sự tiến bộ mà 2 nước đạt được trong thời gian gần đây.
Về hợp tác kinh tế, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – vốn nhấn mạnh sự phát triển và tiềm năng của mối quan hệ kinh tế giữa Washington với Hà Nội - sẽ là trọng tâm thảo luận. Mỹ cũng chú trọng vào các thỏa thuận thương mại tiềm năng trong chuyến đi.
Về hợp tác an ninh, ông Kritenbrink khẳng định một trong những nền tảng của quan hệ đối tác thế kỷ XXI giữa Mỹ và Việt Nam là cam kết chung nhằm thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi các nước có thể theo đuổi các mục tiêu của mình một cách hòa bình và phù hợp luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, quan hệ giữa quân đội 2 nước còn bao gồm các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, gìn giữ hòa bình... "Chúng tôi còn mong muốn tiếp tục thảo luận về cách thức hợp tác với Việt Nam nhằm tăng cường năng lực an ninh hàng hải" - ông Kritenbrink nói.
Về giao lưu nhân dân và hợp tác giáo dục, ông Kritenbrink cho hay Việt Nam có nhiều sinh viên theo học tại Mỹ hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á khác. Ngoài ra, gần 12.000 người Việt đang là thành viên của chương trình YSEALI. Những con số này cho thấy thanh niên Việt Nam sẽ là nền tảng vững chắc để phát triển quan hệ giữa 2 nước trong vài thập kỷ tới.
Trực thăng Marine One đã được lắp cánh ở Hà Nội và sẵn sàng phục vụ cho Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam
Cuối cùng, về hợp tác để giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, Mỹ đang hợp tác trên mọi khía cạnh với Việt Nam, từ sức khỏe, phổ biến hạt nhân, biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình và bảo vệ động vật hoang dã… Ông Kritenbrink nhấn mạnh: "Tất cả những gì 2 nước đạt được hơn 20 năm qua sẽ thiết lập một nền tảng vững chắc để phát triển trong 20 năm tới hoặc xa hơn nữa".
Nhận xét về chuyến thăm của tổng thống Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel cho rằng Washington đang có cuộc hàn gắn mạnh mẽ với 2 cựu thù Việt Nam và Nhật Bản. Ông khẳng định Mỹ đang phát triển quan hệ không chỉ với Việt Nam mà còn trên toàn khu vực Đông Nam Á.
Ông Russel nhận xét Việt Nam rõ ràng là một đối tác trong quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương của Mỹ. Không những là đối tác luôn tuân thủ Luật Biển, Việt Nam còn là đối tác giúp duy trì dòng chảy sông Mekong – nguồn sống của hàng triệu người trải dài từ thượng nguồn đến hạ lưu.
Ông Obama công du Nhật BảnSau chuyến thăm Việt Nam, ông Obama sẽ khởi hành đi Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ise-Shima. Hội nghị diễn ra trong ngày 26 và 27-5. Trong thời gian ở Ise-Shima, nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Cuối cùng, ông Obama tới TP Hiroshima, một chuyến đi mang tính lịch sử bởi đây là nơi đã hứng chịu một quả bom nguyên tử của Mỹ. Trên đường đi, ông có thể ghé thăm căn cứ quân sự không quân và thủy quân lục chiến ở Iwakuni. Tại Nhật Bản, Tổng thống Obama sẽ cùng các nhà lãnh đạo G7 thảo luận về một loạt các chủ đề bao gồm kinh tế toàn cầu, khí hậu, chính sách đối ngoại, thương mại, khủng bố, di cư và tình hình ở Ukraine. Thủ tướng Abe cũng đã chuẩn bị một chương trình thảo luận về các vấn đề cụ thể ở châu Á, trong đó có nỗ lực giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và các vấn đề an ninh hàng hải. Trong cuộc gặp song phương với nhà lãnh đạo Nhật, Tổng thống Obama sẽ có cơ hội lớn để thúc đẩy liên minh quân sự bền chặt giữa 2 nước cũng như hợp tác về các vấn đề kinh tế, an ninh và giải quyết thách thức toàn cầu. |