Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Nhằm triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. UBND huyện Mỹ Xuyên đã chỉ đạo các địa phương tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến, có trên 2.200 lượt cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia, bày tỏ quan điểm về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án.
Song song với đó, là các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, sản xuất quy mô lớn, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Qua 5 năm, đã tổ chức tập huấn, hội thảo được 750 lượt, giúp bà con nhận thức về chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là giống lúa mang thương hiệu gạo ST.
Ông Trịnh Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Ngọc Đông (huyện Mỹ Xuyên) cho biết: Xã luôn xác định thế mạnh của địa phương là nuôi tôm - trồng lúa, kết hợp với trồng màu và chăn nuôi gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, xã tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thay đổi giống cây, con phù hợp với điều kiện thực tế của xã. Đồng thời, khuyến cáo nông dân thực hiện các nhóm giống lúa đặc sản có năng suất và giá trị cao như: ST, OM4900, OM6976...
Hiện nay, các mô hình kinh tế tập thể đã và đang phát huy tốt vai trò hình thành các mô hình liên kết sản xuất, đáp ứng nhu cầu của nông dân. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại có kiểm soát môi trường được huyện Mỹ Xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Trong đó, các mô hình cánh đồng lớn, mô hình tôm - lúa bền vững, mô hình sản xuất lúa đặc sản theo hướng hữu cơ, mô hình tôm càng xanh xen canh ruộng lúa hay mô hình trồng màu trong nhà lưới kết hợp hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, VietGAP,…
Kết quả, có nhiều sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2020 có thể thu nhập đạt 179 triệu đồng, tăng 37 triệu đồng so với năm 2015 là 142 triệu đồng. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, tăng gần 20 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Mách ở ấp Huỳnh Công Đê, xã Ngọc Đông chia sẻ: Trong năm qua các cấp chính quyền đã chia sẻ nhiều mô hình cho nông dân có hướng đi bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Mách cho rằng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay vì độc canh cây lúa và nuôi vịt thì tôi luân canh mô hình tôm - lúa và cho thấy hiệu quả rõ rệt, do đó tôi dành 1,3ha để canh tác mô hình này, trung bình một năm cũng lãi khoảng 90 triệu đồng.
Giảm nghèo hiệu quả
Cùng với việc phát triển sản xuất, thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc, chính sách giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Qua 5 năm, huyện Mỹ Xuyên đã hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng, gần cho 7.580 hộ. Kết quả, năm 2020, tổng số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 401/39.514 hộ, chiếm tỷ lệ chỉ hơn 1%, giảm 13,48% so với năm 2015.
Nói về công tác giảm nghèo, ông Đặng Văn Phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết: Huyện Mỹ Xuyên có 10 xã và 1 thị trấn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, do đó trong quy hoạch vùng sản xuất, 6 xã vùng trong thực hiện mô hình tôm - lúa, khai thác tiềm năng trên bờ bao trồng các loại màu, phối hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là bò thịt và bò sữa.
Đối với 5 xã vùng ngoài trồng được 2 vụ lúa, 1 vụ màu, đưa màu xuống chân ruộng, huyện chỉ đạo quy hoạch cánh đồng sản xuất tập trung sản xuất lúa cấp xác nhận và lúa đặc sản có năng suất, chất lượng cao, do đó góp phần tăng lợi nhuận, giảm nghèo.
Về công tác quản lý, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, huyện chỉ đạo phân loại hộ nghèo để đầu tư các chương trình mục tiêu, hỗ trợ vốn sản xuất, cây trồng, vật nuôi, vốn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội. Đối với hộ có tư liệu sản xuất mà thiếu vốn, xây dựng các phương án, mô hình sản xuất cụ thể giao cho đảng viên, đoàn viên, hội viên nơi đó quản lý, hướng dẫn cách làm ăn.
Anh Lâm Sa ở ấp Trà Mẹt, xã Tham Đôn, chia sẻ: Năm 2016 được ngân hàng chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Vợ chồng anh sử dụng nguồn vốn này đầu tư nuôi heo, kết hợp nấu rượu lấy hèm nuôi heo. Cùng với số vốn tích lũy, anh chị tiếp tục đầu tư nuôi heo thịt, heo nái rồi mở tiệm bán tạp hóa, trồng lúa, rau màu… cuối năm thu lãi gần 50 triệu đồng. Giờ đây, gia đình anh Sa đã thoát nghèo và trở thành một trong những hộ Khmer khá trong ấp.
Đến nay, huyện Mỹ Xuyên có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời huyện cũng được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.