Thực hiện tốt công tác tuyên truyền
Sau khi Ủy Ban Châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam, các tỉnh có biển đã tập trung vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thực hiện cháp cấp bách nhằm khắc phục.
Tại tỉnh Sóc Trăng, công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp được các ngành chức năng đặc biệt chú trọng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Tổng số tàu cá trong tỉnh hiện nay là 1.018 tàu với tổng công suất là 203.978 CV, trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 366 tàu hoạt động vùng khơi.
Đối với 4 kiến nghị mà EC đã đưa ra để Việt Nam khắc phục vấn đề chống khai thác thủy sản bất hợp pháp gồm: Hoàn thiện khu pháp lý, theo dõi hệ thống giám sát thực thi pháp luật, thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Từ những khuyến nghị trên, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch về việc triển khai nhiệm vụ công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp trên địa bàn. Đồng thời, quyết định về việc thành lập Tổ thực hiện công tác chống khai thác IUU. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh và Ban quản lý cảng cá Trần Đề, ra văn bản, thông báo đến từng thuyền trưởng và ngư dân nắm chặt các quy định về khai thác IUU.
Ngoài ra, phối hợp với các Đồn biên phòng, UBND các xã tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là những quy định về chống khai thác IUU cho bà con ngư dân dưới nhiều hình thức như: Tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi hay gặp rỡ trực tiếp các ngư dân… hướng dẫn ghi nhật ký khai thác. Năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 25 đợt tuyên truyền, với hơn 1.130 lượt người tham dự, phát trên 2.000 tài liệu bướm các loại có nội dung liên quan và tuyên truyền trên 2.500 lượt tàu ra vào cảng.
Ông Dương Tấn Trường, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Để triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác lắp đặt, quản lý thiết bị giám sát hình trình trên tàu cá, khắc phục các khó khăn, nhược điểm trong thời gian qua.
Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, đã phát hành 78 thông báo tàu mất kết nối ngoài khơi đến tận các chủ tàu cá, tiến hành lập hồ sơ các tàu cá không mở máy giám sát hành trình, xử lý thông tin theo qui trình bao gồm: thông báo đến chủ tàu cá việc tàu cá mất kết nối (có xác nhận của chủ tàu), hướng xử lý của chủ tàu cá mất kết nối, liên hệ đơn vị cung cấp thiết bị xử lý tàu cá mất kết nối, nhận kết quả xử lý tàu cá mất kết nối, khi kết thúc hồ sơ tàu cá mất kết nối, lập báo cáo gửi về Tổng cục Thủy sản (thông qua vụ thông tin nghề cá).
Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác cấp phép khai thác thủy sản, Đăng kiểm cho các tàu cá theo đúng quy định và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu tàu cá về đăng ký, đăng kiểm và cấp phép tàu cá của tỉnh, các dữ liệu này được kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sỡ dữ liệu nghề cá Vnfishbase quốc gia. Thực hiện công khai việc cấp giấy phép khai thác thủy sản xa bờ theo hạn ngạch do Bộ NN-PTNT phân bổ tại các xã ven biển có quản lý tàu khai thác thủy sản xa bờ.
Không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong 6 năm
Ông Dương Tấn Trường, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, việc thực hiện ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài. Trong năm 2020, tỉnh Sóc Trăng không có tàu cá khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, tính từ năm 2015 đến nay tỉnh Sóc Trăng không xảy ra tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Ngoài ra, trong năm 2020, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các đơn vị tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển 10 cuộc, tiến hành kiểm tra 146 tàu cá trong và ngoài tỉnh.
Kết quả kiểm tra phát hiện trên 20 tàu cá ngoài tỉnh thiếu trang thiết bị an toàn cho tàu cá khi đi hoạt động trên biển (phao áo), buộc trang bị đầy đủ phao áo trước khi đi hoạt động, lập biên bản sự việc 5 trường hợp không mang theo hồ sơ đăng ký, đăng kiểm liên quan đến tàu cá đang hoạt động, qua đó xử phạt vi phạm hành chính 1 tàu cá với mức phạt 7 triệu đồng.
Ngoài ra, Tổ kiểm soát nghề cá tại cảng (tổ IUU) thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ra, vào cảng được các thành viên trong tổ thực hiện 24/24h tất cả các ngày trong tuần. Đến ngày 15/12/2020 là gần 3.500 lượt đối với tàu trên 15m (trên 90cv), cập cảng và rời cảng. Phần lớn tàu cá đủ điều kiện xuất bến và cập bến.
Bên cạnh những mặt làm được, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như: Việc thực hiện đối chiếu thông tin VMS khi tàu cá cập cảng để bốc dỡ thủy sản, khi tàu cá ra, vào cảng còn hạn chế, chủ yếu thực hiện đối chiếu với nội dung ghi trong Nhật ký khai thác, hồ sơ tàu cá do ngư dân cung cấp và số liệu cung cấp từ chủ nậu, vựa. Vì vậy chưa đảm bảo độ tin cậy trong công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.
Hiện nay, cũng còn nhiều tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình, nhưng thường xuyên bị mất kết nối ngoài khơi trên phần mềm dùng chung của Tổng cục Thủy sản. Giải pháp của tỉnh đề ra cho vấn đề này là thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ các thiết bị mất kết nối không cố ý, xử lý nghiêm các trường hợp vố tình vi phạm, đặc biệt là các trường hợp tái phạm. Ngoài ra, tiếp tục Chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề thực hiện nghiêm và triển khai đến các tổ chức, cá nhân hành nghề hoạt động thủy sản các quy định về ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản.
Trong năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện 128 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác với khối lượng gần 12.000 tấn; Cấp chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu được 381 giấy với tổng khối lượng là hơn 6.100 tấn cho 11 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong và ngoài tỉnh.