| Hotline: 0983.970.780

Nan giải rác nông thôn: Xã hội hóa bằng tiền ngân sách?

Thứ Ba 26/08/2014 , 09:43 (GMT+7)

Trong bộ 19 tiêu chí về xây dựng NTM có tiêu chí số 17 về môi trường chiếm vị trí, vai trò quan trọng. 

Một xã NTM không thể trọn vẹn nếu môi trường sinh sống bị ô nhiễm, rác thải sinh hoạt bừa bãi, nhếch nhác.

Năm 2014, huyện Thường Tín (Hà Nội) và Cty CP Môi trường và Đô thị Toàn Cầu rầm rộ triển khai thí điểm Đề án thu gom xử lí rác thải nông thôn, được kỳ vọng là điểm sáng để nhân rộng ra toàn thành phố. Tuy nhiên, quá trình đi thực tế, chúng tôi nhận thấy mô hình này tồn tại bất cập quá lớn khi phải dùng nguồn ngân sách khổng lồ.

THU RÁC TẬN CỔNG

Cùng với sự phát triển của xã hội, vấn đề thu gom rác thải nông thôn giờ bức xúc không kém thành thị. Thực tế tại Hà Nội cho thấy, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày của các huyện ngoại thành hiện xấp xỉ các quận nội đô.

Nguyên nhân chính do việc sử dụng phổ biến túi ni lông. Tiếp đến là người dân nông thôn không còn chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng cơm thừa, canh cặn nữa nên mọi phế phẩm nông nghiệp và trong bữa ăn hằng ngày đều trở thành rác. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách về thu gom rác thải nông thôn chưa được đồng bộ và bắt kịp với nhu cầu thực tế.

Qua nhiều buổi làm việc với BQL Dự án duy trì vệ sinh môi trường huyện Thường Tín và Cty CP Môi trường và Đô thị Toàn Cầu (sau đây gọi tắt là Cty Toàn Cầu) chúng tôi đã hình dung được Đề án mà 2 đơn vị này đang triển khai.

Theo đó, TP. Hà Nội quy định việc thu gom rác thải nông thôn thành 2 tuyến cố định là 1 và 2. Với tuyến 1, các DN xã hội hóa tiến hành thu gom rác thải tại các điểm tập kết ở đầu các thôn, xã rồi dùng xe có trọng tải dưới 10 tấn chuyên chở tới các trạm trung chuyển và được thanh toán theo tấn.

Sau đó, từ trạm trung chuyển (được coi là tuyến 2), DN lại tiếp tục dùng xe chuyên dùng có trọng tải trên 10 tấn chở rác tới các bãi tập trung của Hà Nội để xử lí hoặc phân loại đốt và cũng được thanh toán theo tấn.

Với tuyến 1, việc thu gom rác từ các hộ gia đình đến các điểm tập kết đầu thôn, xã lâu nay tại các địa phương do các tổ vệ sinh viên dùng xe đẩy tay đảm trách. Kinh phí để duy trì hoạt động được lấy từ tiền thu phí vệ sinh 3.000 đồng/đầu người từ các hộ gia đình theo Quyết định 61 của UBND TP. Hà Nội.

Còn công đoạn vận chuyển từ điểm tập kết đến điểm trung chuyển và đến các bãi rác tập trung do ngân sách TP. Hà Nội chi trả theo hình thức xã hội hóa.

Khi Đề án thu gom, xử lý rác thải nông thôn của Cty Toàn Cầu được UBND huyện Thường Tín phê duyệt và UBND TP. Hà Nội chấp thuận về mặt chủ trương đi vào hoạt động, việc thu gom rác thải nông thôn bước sang trang mới.

Qua đó, công tác thu gom rác tại các hộ gia đình thay vì do các vệ sinh viên của thôn, xã đảm nhiệm nay được Cty Toàn Cầu dùng xe ô tô tải loại 5 tạ - 1 tấn đến tận cửa từng hộ gia đình thu gom. Trước đây, công tác thu gom rác tại nông thôn trung bình 2 - 3 lần/tuần, nay được thu gom liên tục theo ngày.

GÁNH NẶNG NGÂN SÁCH

Phải khẳng định, từ ngày Cty Toàn Cầu tiến hành thu gom rác thải theo ngày tới tận cổng nhà, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, vệ sinh hơn trước rất nhiều. Mục đích, ý nghĩa, kết quả là rất tốt, nhưng có một nhược điểm là sử dụng tiền ngân sách nhà nước quá lớn thay vì phải xã hội hóa.

13-24-58_3
Những hố chôn lấp rác tại các xã Vân Tảo và Tự Nhiên của huyện Thường Tín đã quá tải

Trao đổi với bà Mai Thị Thu Hà, Phó Giám đốc phụ trách đối ngoại Cty Toàn Cầu chúng tôi được biết: Để triển khai thu gom rác thải nông thôn tuyến 1 trên địa bàn 16 xã, thị trấn của huyện Thường Tín hiện nay, số tiền ngân sách nhà nước phải chi ra trong năm 2014 lên tới xấp xỉ 12 tỉ đồng.

Trong đó, 3 tỉ đồng chi cho công tác xử lí bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh và 9 tỉ đồng cho việc thu gom, vận chuyển. Nếu đề án được triển khai trên toàn bộ 29 xã, thị trấn của huyện Thường Tín số tiền ngân sách phải bỏ ra có thể lên tới 20 tỉ đồng/năm.

Một trong những nguyên nhân khiến chi phí thu gom, vận chuyển, xử lí rác thải tuyến 1 đang triển khai tại huyện Thường Tín đội lên quá cao do áp dụng cách tính bằng cự li (km) nên mỗi km thu gom rác, huyện Thường Tín phải trả Cty Toàn Cầu tới 39.000 đồng.
Trong khi các huyện và DN môi trường, đô thị khác hiện đều vận chuyển rác tuyến 1 tính theo khối lượng (tấn) để thanh toán nên chi phí chỉ bằng 1/3 so với huyện Thường Tín.

Trong khi chúng tôi được biết, một số huyện xung quanh có số xã, dân cư tương đương Thường Tín như: Phú Xuyên, Thanh Oai, Quốc Oai, Thạch Thất… công tác thu gom rác thải nông thôn tuyến 1 được triển khai trên toàn huyện chi phí mỗi năm chỉ dao động trong khoảng 6 - 7 tỉ đồng.

Như vậy, Đề án huyện Thường Tín đang triển khai khiến ngân sách mỗi năm đội lên so với các địa phương khác tới 13 - 14 tỉ đồng.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng BQL Dự án duy trì vệ sinh môi trường huyện Thường Tín, cho biết: Hiện mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Thường Tín cần thu gom khoảng 120 tấn, tương đương một số quận nội thành, trong khi đó TP. Hà Nội chỉ hỗ trợ vận chuyển đi tiêu thụ 50 tấn, còn lại phải chôn lấp hợp vệ sinh tại địa phương nên Đề án của Cty Toàn Cầu ra đời giúp giải một phần bán toán xử lí rác thải tại các hố chôn lấp.

Nhưng ông Sơn cũng thừa nhận, bất cập lớn nhất của Đề án phải dùng tiền ngân sách quá lớn. Ông Sơn cho biết, huyện Thường Tín và các đơn vị chuyên môn đang tiến hành rà soát lại Đề án để có những điều chỉnh phù hợp. Quan điểm là sắp tới, vẫn chỉ với số kinh phí 12 tỉ đồng đó, nhưng Cty Toàn Cầu phải triển khai được trên toàn bộ 29 xã, thị trấn mới cân nhắc cho thực hiện tiếp.

Trao đổi với chúng tôi, bà Mai Thị Thu Hà khẳng định, nếu không có tiền ngân sách hỗ trợ, chỉ dựa vào tiền phí vệ sinh thu từ người dân, mô hình Cty Toàn Cầu đang triển khai không thể hoạt động được. Thực tế, tiền phí vệ sinh 3.000 đồng/đầu người hiện nay chỉ đủ trả tiền lương cho công nhân của Cty Toàn Cầu đi theo xe để thu gom rác.

Trước ý kiến trái chiều trên cho thấy Đề án thu gom, xử lí rác thải nông thôn của huyện Thường Tín được các ban ngành kỳ vọng đang đứng trước thử thách vô cùng to lớn liên quan tới bài toán kinh phí ngân sách.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.