Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị cải thiện NSLĐ sáng 7/8. Ảnh: Tùng Đinh. |
Mặc dù có tốc độ tăng NSLĐ thuộc hàng cao trong ASEAN nhưng về giá trị tuyệt đối, chúng ta vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng. Trong năm 2018, NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt 102 triệu đồng(4.500$)/lao động và từ 2011-2018, NSLĐ của chúng ta tăng bình quân 4,88%/năm.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực NSLĐ của Việt Nam vẫn còn thấp. Chúng ta chỉ bằng 7,3% của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan và so với Indonesia hay Philippines chúng ta chỉ xấp xỉ 50%.
Nâng cao NSLĐ là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì nó đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực.
Trong các ngành kinh tế của Việt Nam hiện nay, khai khoáng có NSLĐ cao nhất do có giá trị tài nguyên, giá trị sản phẩm cao. Tiếp theo là các ngành xây dựng, công nghiệp chế biến, vận tải và nhóm có NSLĐ thấp nhất rơi vào ngành nông, lâm và thủy sản.
Từ 2011 đến nay, nông, lâm và thủy sản là nhóm ngành có tốc độ tăng NSLĐ cao nhất, trung bình 5,2%/năm nhưng giá trị tuyệt đối chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chưa đến 40% của cả nền kinh tế. So với khu vực, NSLĐ trong các ngành này của Malaysia cao gấp gần 12 lần, Indonesia cao hơn gần 2,5 lần.