Huyện Ba Tri (Bến Tre) có diện tích nuôi bò lớn nhất tỉnh. Hiện địa phương này có khoảng 100.000 con bò. Trong đó trên 55% số bò sinh sản, số còn lại là bò thịt và bò nuôi vỗ béo.
Bò Ba Tri được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sản phẩm độc quyền |
Năm 2002, được sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT tỉnh, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre, huyện Ba Tri đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và cho nông dân thực hiện Dự án sinh hóa đàn bò (giai đoạn 2002 – 2005), Dự án Zebu hóa đàn bò (giai đoạn 2005 – 2010) để nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo các giống bò chuyên thịt. Dự án được phát triển, cấy ghép trên cơ sở bò háo ăn, hấp thụ thức ăn, tăng cân nhanh, thịt cho chất lượng tốt…
Ưu điểm của việc phát triển giống bò này là bò giống cái phát triển nhanh, trọng lượng gần gấp đối so với những giống bò truyền thống tại địa phương. Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ thức ăn nhanh, mau lớn, khỏe mạnh, ít mắc bệnh, được thương lái thu mua với giá cao. Việc áp dụng mô hình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò giống được người dân địa phương nhiệt tình ủng hộ.
Từ những kết quả tích cực trong việc tìm hướng lai tạo giống bò mới, nâng cao chất lượng con giống, năm 2016 huyện Ba Tri được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm bò Ba Tri. Đây là cơ hội, để địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, là động lực để tiếp tục nhân giống, chăn nuôi để phát triển.
Ông Chung Văn Hậu, người chăn nuôi bò, ngụ huyện Bến Tre, cho biết: “Từ khi nuôi bò giống lai tạo, theo hình thức thụ tinh nhân tạo, bò con rất háo ăn, lớn nhanh, chất lượng thịt tốt nên được thương lái thu mua giá cao. Nuôi bò chẳng tốn chi phí nhiều, chỉ cần công chăm sóc là có thu nhập cao. Sắp tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nuôi hiệu quả này”.
Phòng NN-PTNT huyện Ba Tri xác định, bò Ba Tri là sản phẩm thương hiệu tập thể. Vì vậy, giống bò nơi đây phải được chăn nuôi, áp dụng phương pháp lai tạo giống phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Đây là nhãn hiệu tập thể, nên việc phát triển mô hình nuôi theo hình thức HTX để SX chăn nuôi bò theo hướng chuỗi giá trị là rất cần thiết.
Ông Dương Văn Chương, PCT UBND huyện Ba Tri thông tin, UBND huyện đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi cho HTX Mỹ Chánh. Qua đó sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ra toàn địa bàn. Thấy được lợi ích, hiệu quả thì người dân địa phương sẽ hưởng ứng tích cực. Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu ra thị trường.